“Số phận” sách của GS Hồ Ngọc Đại ra sao vào năm 2020?
Bộ tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1 - CNGD) do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại làm chủ biên từ áp dụng tại Trường Thực Nghiệm (Hà Nội), đến nay gần 800.000 học sinh đang theo học. Tuy nhiên, suốt 40 năm qua, bộ tài liệu này vẫn luôn thăng trầm và một lần nữa chưa biết sẽ ra sao khi mà sách giáo khoa Chương trình phổ thông mới được áp dụng cho lớp 1 vào năm 2020.
Theo dự kiến, vào 2020 áp dụng chương trình sách giáo khoa mới. Ảnh minh họa: Q.Anh
Lận đận và gây nhiều tranh cãi
Suốt những ngày qua, nhiều tranh cãi về cách đánh vần “lạ”, sự xuất hiện của những ký tự vuông, tròn, tam giác mà trẻ nhìn vào đọc vanh vách… trở thành một sự kiện nổi bật và tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, thậm chí gay gắt và chia rõ thành phe ủng hộ, phe phản đối. Tuy nhiên, với nhiều người, nhất là các bậc “tiền bối” trong giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại cùng mô hình trường thực nghiệm và giáo trình học rất “Tây” của ông cũng đã được biết đến từ lâu, nhưng cũng từng được đặt dấu hỏi về chất lượng.
Với GS Hồ Ngọc Đại, có lẽ nhiều người bây giờ mới biết đến ông sau những clip đánh vần “lạ”, ký tự vuông, tròn, tam giác, song từ lâu ông đã được biết đến là một nhà khoa học giáo dục nổi tiếng. Từng là thần tượng của rất nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, ngành giáo viên cách đây hàng chục năm. Ông được biết đến như một nhà cải cách giáo dục, luôn có những đóng góp quý giá trong giáo dục, nhất là cải tiến, đổi mới giáo dục nước nhà. GS Hồ Ngọc Đại cũng đã từng không nhận đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ GD&ĐT để tập trung cho dạy học và phát triển mô hình trường thực nghiệm, điều này khiến nhiều người nể phục ông.
Trở lại với Chương trình TV1-CNGD, được hình hành từ năm 1978 đến nay, ban đầu, chương trình áp dụng tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được thí điểm tại một số địa phương. Cụ thể, từ năm 1995, việc dạy học TV1-CNGD đã triển khai khá hiệu quả ở 43 tỉnh, thành trên toàn quốc, nhiều địa phương nhân rộng mô hình thành đại trà. Tuy nhiên, đến năm 2000, các địa phương tạm dừng dạy học TV1-CNGD, sau đó triển khai dạy sách đại trà cho học sinh tiểu học.
Cho đến năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm dạy Chương trình TV1-CNGD tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, một số địa phương nhờ một số dự án khác để đưa tài liệu này vào dạy học. Dù khá “lận đận”, song hiện nay có tới 8.000 trường tiểu học và gần 800.000 học sinh trên phạm vi cả nước đang theo học chương trình này. Thế nhưng, trong bối cảnh Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến áp dụng từ năm 2020 (lớp 1), nhiều câu hỏi đặt ra “số phận” của TV1-CNGD sẽ ra sao, bởi bộ tài liệu của GS Hồ Ngọc Đại chỉ là thí điểm?
Có cạnh tranh nổi với chương trình mới?
GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục tổng thể.
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã có quan điểm chính thức về tài liệu TV1 - CNGD. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “Khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là SGK đều phải được Hội đồng Quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục SGK (theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục”.
Dù Bộ GD&ĐT luôn nêu cao mục tiêu “một chương trình nhiều bộ SGK” được áp dụng, song với nhiều chuyên gia giáo dục, cần cụ thể việc có hay không coi TV1-CNGD là một chương trình được lựa chọn song hành? Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Quốc hội, Chính phủ đã quyết định sắp tới sẽ thực hiện chương trình mới do GS Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên. Đến năm 2020, SGK lớp 1 theo chương trình mới sẽ được phát hành, đưa vào sử dụng và dự kiến nhiều địa phương cũng sẽ áp dụng vì có tính thống nhất. Nếu như thế, sách của GS Hồ Ngọc Đại được thông qua thì có cho vào chương trình mới do GS Nguyễn Minh Thuyết biên soạn, hay vẫn chỉ là thí điểm?”.
Vừa qua, có thông tin xem xét lại chủ trương một chương trình nhiều SGK để tránh lãng phí, về vấn đề này GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: “Tôi khá ngạc nhiên về các ý kiến này. Về mặt thẩm quyền, Quốc hội hoàn toàn có thể sửa Nghị quyết 88, nhưng để sửa đổi sẽ mất nhiều thời gian. Tính tới xu thế của thế giới, nếu thế giới một chương trình, nhiều bộ SGK thì ta lại chỉ duy nhất một bộ SGK thì là quá khác biệt và khó gọi là đổi mới. Bên cạnh đó, nhiều bộ SGK sẽ có nhiều nhóm tác giả cạnh tranh về chất lượng sẽ có lợi cho người học. Nếu như có nhiều bộ SGK sẽ có sự phức tạp, song không vì thế mà không dám làm”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Liên quan tới TV1-CNGD, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho rằng, bộ tài liệu hàng năm đều có sự điều chỉnh, viết lại cho phù hợp, nhưng tư tưởng chủ đạo là duy nhất. Ông cho rằng, những tranh luận vừa qua sẽ là “cơ hội vàng” để ông đưa ra đề nghị tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của các trường, phụ huynh đã từng học qua chương trình này để trả lời cho nhân dân một cách công khai, minh bạch. Trước lộ trình áp dụng sách giáo khoa phổ thông mới năm 2020, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại tự tin cho rằng: “Sách của tôi là tồn tại vĩnh viễn, nếu để nhà trường, phụ huynh lựa chọn”.
“Tôi ủng hộ chủ trương “một chương trình nhiều SGK”, cần tạo ra không khí cạnh tranh lành mạnh. Các cơ sở giáo dục phải được lựa chọn SGK dựa trên lựa chọn của giáo viên. Nếu giao cho Sở GD&ĐT hay Hiệu trưởng thì không đúng Nghị quyết Quốc hội là quyền lựa chọn SGK của cơ sở đào tạo. Các địa phương cũng cần xem xét kỹ lưỡng các chương trình phù hợp, không nên năm này thấy chương trình này hay thì áp dụng, năm sau lại thay đổi chương trình dẫn đến tốn kém, lãng phí”.
GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục tổng thể)