Sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại sẽ hết hiệu lực khi nào?
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục Tiểu học, Nghị quyết 88 của Quốc hội sẽ ban hành một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa.
Ảnh: Lao động
Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia đánh giá đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, trong năm 2018 - 2019, cả nước có 49 tỉnh thành dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục, với gần 800.000 học sinh.
Sách này bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục, trường do chính GS Hồ Ngọc Đại sáng lập, từ năm 1979, tới năm 1986, bà Nguyễn Thị Bình (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thơi điểm đó) khuyến khích các địa phương sử dụng.
Năm 2000, sách bị dừng thực nghiệm theo Luật Giáo dục (thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước) và cho tới năm 2006, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho phép đưa trở lại thực nghiệm ở một số trường tiểu học.
Sau hàng chục năm được đưa vào dạy, mới đây, tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục đã vướng lùm xùm khi một số phụ huynh chia sẻ clip thắc mắc về việc con đọc "hình vuông, hình tròn, hình tam giác".
Tối 12/9, ông Nguyễn Đức Hữu (Phó Vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục Tiểu học, bộ GD-ĐT đã thông tin trên báo Người đưa tin về thời điểm hết hiệu lực của tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục.
"Thực tế mà nói đến nay Bộ GD-ĐT sắp sửa ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng với đó là chương trình các môn học thì lúc đó tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục cũng như là sách giáo khoa hiện hành sẽ hết hiệu lực. Sau đó, căn cứ vào chương trình mới bộ GD-ĐT sẽ thẩm định và lựa chọn những tài liệu nào, bộ SGK nào đạt quy định", Phó Vụ trưởng Hữu nói với báo Người đưa tin.
Vị này cho hay, đặc biệt sẽ có một bộ sách của Bộ GD-ĐT được tổ chức biên soạn.
Theo ông Hữu, Nghị quyết 88 của Quốc hội sẽ ban hành một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa, điều này mở ra cơ hội cho các tác giả có thể biên soạn sách giáo khoa đáp ứng được yêu cầu mục tiêu của chương trình.
Còn có thể có những cách tiếp cận khác nhau, phương pháp khác nhau, đặc biệt là việc dạy học sinh lớp 1. Từ việc dạy đánh vần cũng như dạy viết đảm bảo theo đúng yêu cầu của chuẩn kiến thức kỹ năng.
Lúc đó, cách đánh vần nào giúp cho học sinh nắm được âm và chữ viết, đặc biệt các em lớp 1 cuối năm đọc thông viết thạo thì tất cả những bộ sách ấy đều được thẩm định và sẽ phê duyệt.
"Chúng ta có thể có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học cũng như cách tiếp cận, để giúp học sinh đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng. Tôi nghĩ các bậc phụ huynh sẽ hết sức an tâm, tin tưởng các thầy cô giáo có phương pháp để học sinh học một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn", Phó Vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục Tiểu học nói với nguồn trên.
(Tổng hợp)