Số phận nghiệt ngã của người nhập cư vượt Địa Trung Hải

Nguyệt Nguyễn,
Chia sẻ

Dù cho hàng nghìn người nhập cư đã chết đuối trên biển địa Trung Hải những năm gần đây, nhiều người vẫn tiếp tục mạo hiểm cuộc sống vượt đại dương đến Ý.

Hiện vẫn chưa có con số chính xác những người đã thiệt mạng trên hành trình vượt biển Địa Trung Hải đến châu Âu với hy vọng thoát khỏi hoàn cảnh đói nghèo và xung đột ở châu Phi, Trung Đông và châu Á. Tuy nhiên con số này đã tiếp tục tăng lên khi 700 người di cư được cho là đã chết đuối do lật thuyền gần bờ biển Libya vào nửa đêm 18/4.

Số phận nghiệt ngã của hàng nghìn người nhập cư chết đuối khi vượt đại dương
Hải quân Ý hướng dẫn những người nhập cư trái phép ở cảng Messina, Sicily, Ý.

Cho đến nay, lực lượng cứu hộ mới chỉ cứu được 28 người và vớt được 40 thi thể. Các nhà chức trách chỉ có thể thống kê số thi thể tìm được trên biển hoặc bờ biển, hay trên những con thuyền nơi người nhập cư có thể chết vì khát hoặc kiệt sức. Nhiều người sống sót vẫn thường kể về các hành khách khác, những người đã bỏ mạng trên biển nhưng thi thể không bao giờ được tìm thấy.

Vụ việc đã khiến chính phủ Italy phải tổ chức họp khẩn cấp để bàn cách thức đối phó với dòng người nhập cư trái phép đổ vào nước này bằng đường biển ngày một đông.

EU: "Hành động dựa trên đạo đức và nhân văn"

Tổng thống Pháp Francois Hollande mới đây đã kêu gọi Liên minh châu Âu giúp đỡ trong công việc cứu hộ các nạn nhân. Nếu như con số thống kê người thiệt mạng lên tới vài trăm người, thì vụ tai nạn này có thể là coi là thảm hoạ tồi tệ nhất trên Địa Trung Hải những năm gần đây, ông nói.

Tổ chức Human Rights Watch cũng kêu gọi EU hành động nhanh chóng. "EU đang đứng khoanh tay khi có hàng trăm người chết đuối ngoài bờ biển của mình", ông Judith Sunderland, phó giám đốc tổ chức Human Rights Watch khu vực châu Âu và Trung Á nói. "Những cái chết này cũng có thể đã được ngăn chặn nếu EU nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn".

Số phận nghiệt ngã của hàng nghìn người nhập cư chết đuối khi vượt đại dương
Một em bé cùng gia đình trên đường vượt đại dương đến châu Âu nhận được sự giúp đỡ đầu tiên của Hải quân Ý.

Trong khi đó, EU ngày 18/4 ra tuyên bố đã lên kế hoạch hành động nhưng không tiết lộ bất kỳ kế hoạch trước mắt nào về việc giúp đỡ tìm kiếm nạn nhân vụ tai nạn.

"Uỷ ban châu Âu đang vô cùng thất vọng vì thảm kịch trên Địa Trung Hải ngày 18/4, cũng như những vụ tai nạn trong những ngày gần đây. Thực tế này cho thấy chúng ta cần phải có hành động quyết liệt. Đây là những người có cuộc sống bị đe doạ và Liên minh châu Âu nói chung cần có hành động đạo đức và nhân văn", tuyên bố cho biết.

EU hiện đang tư vấn cho các nước thành viên, các cơ quan châu Âu và tổ chức quốc tế chuẩn bị cho Chiến lược di cư châu Âu, được dự kiến thông qua vào giữa tháng 5.

Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cấp thiết phải giải quyết tình trạng nhập cư trái phép một cách tận gốc: "Khi các nước bản xứ không có hành động để ngăn chặn những chuyến di cư tuyệt vọng này thì mọi người sẽ tiếp tục mạo hiểm cuộc sống của mình".

Hành trình tuyệt vọng

Nhiều người nhập cư đã lên tàu để vượt Địa Trung Hải đến từ châu Phi, khu vực cận Sahara, và đã vượt một quãng đường rất dài chỉ để được lên tàu. Họ hy vọng sẽ tìm được cuộc sống tốt hơn, nhưng nhiều người đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người.

Bên cạnh đó, chỉ tính riêng trong năm nay, hơn 900 người nhập cư được cho là đã thiệt mạng trong khi vượt Địa Trung Hải, con số lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết.

Roberta Metsola, một thành viên của Nghị viện châu Âu, vào ngày 19/4, đã nói với CNN rằng các quốc gia Bắc Âu cần chia sẻ trách nhiệm với những nước láng giềng phía nam.

"Sẽ còn nhiều người tiếp tục tới", cô nói. "Sự tuyệt vọng vẫn còn đó, có hàng triệu người chờ đợi được lên những con thuyền và tới châu Âu tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Và thực tế đó cần phải được thừa nhận".

Theo AP/CNN

Chia sẻ