Số phận các startup qua tay Shark Thủy: Đến startup triệu USD cũng phá sản, một trong những tử huyệt là chi phí mặt bằng quá lớn
"Chi phí mặt bằng quá lớn đã khiến chúng mình phải đóng dần những "đứa con" của mình, mặc dù mỗi lần như vậy đều là những vết đâm thẳng vào trong tim cả đội ngũ", CEO We Escape Nhân Vương biên tâm thư trước khi đóng cửa toàn bộ hệ thống hồi đầu năm 2022.
Trước khi dính đến các lùm xùm và bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP tập đoàn giáo dục Egroup - từng được coi như vị "cá mập vàng" của làng Shark Tank Việt Nam, với tham vọng mỗi mùa Shark Tank sẽ chọn 1 dự án và nuôi dưỡng thành startup kỳ lân.
Còn nhớ, kết thúc 2 mùa Shark Tank Việt Nam đầu tiên, thống kê của chương trình Shark Tank toàn cầu cho thấy một vị cá mập Việt Nam - ông Thủy - đã đạt được "tỷ lệ Vàng" của Shark Tank toàn thế giới, khi có tới 8/9 thương vụ đề nghị đầu tư trên sóng truyền hình được rót vốn.
2 startup ông kỳ vọng "ấp trứng kỳ lân" là Soya Garden (thực rót 100 tỷ đồng) và We Escape (thực rót 25 tỷ đồng), dù trên truyền hình, vốn cam kết dành cho 2 startup trên chỉ lần lượt là 15 tỷ và 5 tỷ đồng.
Cả 2 startup ông chọn ươm trên đều đã chính thức đóng cửa.
Số phận của các startup qua tay Shark Thủy
"Trứng kỳ lân" của Shark Tank Việt Nam mùa 3 ông chọn là Luxstay, cùng chung tay cùng Shark Việt và Shark Hưng. Luxstay cũng chỉ tỏa sáng trong phút chốc với việc mời Sơn Tùng M-TP làm đại sứ thương hiệu, trước khi lay lắt sau làn sóng Covid – 19.
Văn phòng đại diện của Luxstay tại TPHCM hiện trong tình trạng "Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại", theo Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Fanpage Luxstay không còn, trang web Luxstay.com đã hoạt động trở lại nhưng khi đặt phòng hoặc đặt vé trên đây, người dùng sẽ được chuyển tiếp đến các đối tác của Luxstay như Agoda hay Trip.
Ông Thủy ngồi ghế hội đồng đầu tư trong 3 mùa Shark Tank Việt Nam, cam kết rót vốn vào 13 startup, thực rót vào 8 startup.
Bên cạnh những startup công nghệ như Umbala, Luxstay được ông ưu ái chấp nhận tỷ lệ sở hữu ở mức thấp, các startup khác ông đều chiếm tỷ lệ kiểm soát hoặc chi phối. Tỷ lệ chi phối cao nhất ông offer là nhà hàng chay Pema, với cam kết 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần.
"Làm ở đâu và làm thế nào, anh sẽ là người quyết định", Shark Thủy tuyên bố trên truyền hình. Pema từng nỗ lực mở nhà hàng ở Hà Nội, tuy nhiên đến nay, toàn bộ cửa hàng, bao gồm cả cơ sở đầu tiên là Yên Bái, đều đã đóng cửa.
"Tử huyệt" chung – chi phí mặt bằng
Một trong những "tử huyệt" chung của các startup mảng giải trí, F&B mà ông Thủy rót vốn là chi phí mặt bằng. Cùng với tham vọng mở rộng quy mô nhanh chóng, chi phí mặt bằng cũng tăng lên chóng mặt.
"Chi phí mặt bằng quá lớn đã khiến chúng mình phải đóng dần những "đứa con" của mình, mặc dù mỗi lần như vậy đều là những vết đâm thẳng vào trong tim cả đội ngũ", CEO We Escape Nhân Vương biên tâm thư trước khi đóng cửa toàn bộ hệ thống hồi đầu năm 2022.
Soya Garden trước khi lay lắt và chính thức đóng cửa, cũng gồng mình mở cửa hàng tại Ngã 6 Phù Đổng - cứ điểm của Phúc Long với giá thuê 25.000 USD (khoảng hơn 600 triệu đồng/tháng), đối diện Starbucks, nhưng chỉ trụ được gần 2 năm.
8 startup Shark Thủy rót vốn sau Shark Tank Việt Nam
(theo thống kê của chúng tôi)
- Chuỗi sữa đậu nành Soya Garden: 100 tỷ đồng (cam kết 15 tỷ đồng)
- Umbala: 260.000 USD đổi 15% cổ phần (deal chung với Shark Vương)
- Xe lăn đa năng VH: 1 tỷ đồng đổi 36% cổ phần (deal chung với Shark Vương và Shark Hưng)
- Bống chè bưởi: 300 triệu đồng đổi lấy 30% cổ phần (deal chung với Shark Hưng)
- Chuỗi Talks cafe: 5 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần
- Nhà hàng chay Pema: 3 tỷ đồng đổi lấy 80% cổ phần
- Trò chơi nhập vai We Escape: 30 tỷ đồng (gấp 6 lần cam kết)
- Luxstay: 3 triệu USD + 3 triệu USD quyền mua (deal chung với Shark Việt và Shark Hưng, mỗi Shark 1 triệu USD + quyền mua 1 triệu USD trong round sau)