Sợ bị đậu mùa khỉ, nam thanh niên 26 tuổi đi khám mới phát hiện bệnh không ngờ
Khi đến cơ sở thăm khám, nam thanh niên 26 tuổi ở TP.HCM rất lo lắng vì cứ nghĩ mình đã bị nhiễm đậu mùa khỉ.
Tưởng bị đậu mùa khỉ, nam thanh niên không ngờ mình mắc giang mai
Anh Ngô Tấn Huỳnh (biệt danh Huỳnh Sachi, chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng) kể, cơ sở của anh mới tiếp nhận một trường hợp bị giang mai nhưng cứ tưởng mình nhiễm đậu mùa khỉ.
Cụ thể, khi đột nhiên thấy tay chân nổi rất nhiều nốt, nam thanh niên 26 tuổi trú tại Q.Tân Phú, hốt hoảng cho rằng mình bị bệnh đậu mùa khỉ nên đã đến và nhờ anh Huỳnh tư vấn. Sau khi kiểm tra, anh Huỳnh xác định bệnh nhân không hề bị đậu mùa khỉ nhưng nghi ngờ mắc giang mai.
Đột nhiên thấy tay chân nổi rất nhiều nốt, nam thanh niên 26 tuổi trú tại Q.Tân Phú, hốt hoảng cho rằng mình bị bệnh đậu mùa khỉ nên đã đi kiểm tra.
Thông tin này khiến nam thanh niên vô cùng bất ngờ: "Gần đây, em không có quan hệ tình dục với ai. Vậy nên khi thấy có dấu hiệu nổi nốt lạ, em rất sợ sẽ bị đậu mùa khỉ do tính chất công việc hàng ngày phải giao tiếp, gặp gỡ nhiều người. Nhưng hóa ra em không bị đậu mùa khỉ. Vậy đây là triệu chứng của căn bệnh nào vậy anh?".
Với kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng nhiều năm, anh Ngô Tấn Huỳnh tiếp tục khai thác thêm thì được bệnh nhân cho biết: "Hơn 3 tháng trước, trong một lần nhậu say cùng bạn bè, em có đi massage, lúc đó không nhớ là có dùng bao cao su hay không nữa". Nắm được thông tin quan trọng này, anh Ngô Tấn Huỳnh quyết định cho khách hàng làm xét nghiệm HIV và giang mai.
"Đúng như suy đoán ban đầu của mình, nam thanh niên bị giang mai", anh Huỳnh kể. Ngay sau đó, anh đã hướng dẫn khách hàng đến bệnh viện để điều trị bệnh gấp.
Giang mai có thể lây qua những con đường nào?
Theo anh Ngô Tấn Huỳnh, giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Vào những năm gần đây, số lượng người mắc bệnh giang mai gia tăng không ngừng. Những con đường lây lan bệnh giang mai bao gồm:
1. Giang mai lây lan qua quan hệ tình dục
Đây được xem là con đường lây truyền bệnh phổ biến nhất hiện nay. Những đối tượng có đời sống tình dục phóng túng, nhiều bạn tình, giao hợp không dùng biện pháp an toàn dễ dàng bị lây nhiễm từ các vết loét tại cơ quan sinh dục.
Ngoài ra, giang mai còn có thể xuất hiện do quan hệ đường miệng, quan hệ qua hậu môn…
2. Giang mai lây lan qua đường tiếp xúc gián tiếp
Vô tình tiếp xúc với các đồ dùng cá nhân của người bệnh như chăn, ga, nệm, gối, khăn tắm, bàn chải đánh răng… vẫn có khả năng nhiễm bệnh giang mai. Nguyên nhân là vì trong những vật dụng này có chứa dịch tiết và mủ của người bệnh.
3. Giang mai lây truyền qua đường máu
Trong ống kim tiêm hoặc truyền máu nếu có sự hiện diện của xoắn khuẩn giang mai. Chúng ta không cẩn trọng dùng phải các vật dụng tiêm chích này thì vẫn sẽ bị lây nhiễm bệnh.
Đây là một trong những con đường lây nhiễm giang mai xuất phát từ sự chủ quan, hậu quả thật rất đáng tiếc.
4. Giang mai lây từ mẹ sang con
Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ bị giang mai sẽ có khả năng lây truyền trực tiếp cho đứa trẻ. Có trường hợp mẹ bị giang mai khi mang thai khiến thai nhi bị dị tật, sinh non, thậm chí tử vong.
Có thể nói, con đường lây lan giang mai rất dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày, cả phái nam và phái nữ đều không nên xem thường. Do đó, nếu nghi ngờ bản thân đang có dấu hiệu của giang mai, hãy di chuyển ngay đến các cơ sở uy tín để kiểm tra ngay.
Một số dấu hiệu thường gặp của giang mai: Rõ nhất là nổi hạch, xuất hiện săng giang mai (vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 - 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng...). Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng 3 tuần, nên được phát hiện sớm để điều trị dứt điểm, kịp thời, tránh biến chứng, hậu quả lâu dài.