Xôn xao thông tin cô gái 20 tuổi nhiễm HIV sau khi đi làm móng
Cô gái chưa từng quan hệ tình dục, gia đình không có tiền sử mắc bệnh xã hội nhưng vẫn nhiễm HIV đáng tiếc. Nguyên nhân được cho là do đi làm móng.
Mạng xã hội đang xôn xao với thông tin một cô gái nhiễm HIV sau đi làm móng. Theo nội dung được chia sẻ thì một bạn nữ sinh năm 2003 cho biết, cô chưa từng quan hệ tình dục, gia đình không có tiền sử mắc bệnh xã hội. Gần đây thường xuyên thấy mệt mỏi, ốm sốt, phát ban, kèm ớn lạnh, nổi hạch cổ.
Khi đi khám, cô không ngờ được bác sĩ chẩn đoán nhiễm HIV. Cô gái 20 tuổi vô cùng sốc trước thông tin này vì thậm chí chưa bao giờ động chạm vào cơ thể bạn khác giới. Nhớ lại, cô mới hốt hoảng vì 2 tháng trước có đi làm móng, lúc lấy da thừa, người làm có gây chảy máu.
Nhiễm HIV khi tuổi đời còn quá trẻ, đặc biệt là thông qua cách không thể ngờ tới, khiến cô hiện nay vô cùng bàng hoàng. Cô chưa biết đời mình đi về đâu, phải nói với bố mẹ thế nào...
Thiếu cẩn trọng khi làm móng có thể bị lây nhiễm bệnh đáng tiếc
Anh Ngô Tấn Huỳnh (biệt danh Huỳnh Sachi, chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng) cho biết nguy cơ lây nhiễm HIV qua chuyện đi làm móng hoàn toàn có thể xảy ra. Nguyên nhân bởi, khi đi làm móng, bộ kìm cắt móng được sử dụng cho người bị nhiễm HIV rồi chảy máu. Sau đó, bộ đồ dùng không được xử lý đúng cách, tiếp tục dùng cho một người khỏe mạnh bình thường thì có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
"Nguy cơ lây nhiễm HIV qua việc đi làm móng thực ra rất thấp. Trong thực tế từ trước đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào làm móng hay đi xăm chân mày, xăm môi… bị nhiễm HIV. Mặc dù vậy những việc này vẫn có nguy cơ lây nhiễm HIV và được y khoa công nhận", anh Ngô Tấn Huỳnh cho hay.
Thời điểm lây nhiễm HIV tính từ lúc tiếp xúc với nguồn lây trong trường hợp đi làm móng, xăm mày, xăm môi... cũng giống như bình thường. Tuy nhiên, hầu hết những chị em đi làm đẹp kiểu này không ai có thể ngờ mình nằm trong diện nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên không lường trước. Nhất là những người chưa từng có quan hệ tình dục. Chính vì thế, những trường hợp như này thường lâu lắm mới phát hiện ra bệnh.
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV do đi làm móng hay bất cứ dịch vụ làm đẹp nào, chuyên gia khuyên mọi người nên tìm hiểu kỹ nơi làm dịch vụ. Nơi làm có uy tín hay không? Trang thiết bị có đảm bảo an toàn hay không? Kim tiêm, xăm, dao kéo… có được tiệt trùng, thay mới trước khi tiếp xúc lên cơ thể mình hay không?... Mọi ng cẩn thận hơn có thể tự mua cho mình một bộ kìm cắt riêng. Hoặc, bạn cần đảm bảo bộ dụng cụ đã khử trùng kỹ rồi mới làm.
Chẳng may nhiễm HIV, đừng cho rằng cuộc đời đi vào ngõ cụt
Nhiều người lo sợ, rủi ro HIV từ những thói quen đời thường. Ngay cả khi phòng tránh vẫn không đảm bảo 100%. Nếu nhiễm HIV, cuộc đời đi vào ngõ cụt… Chuyên gia cho rằng, suy nghĩ này không còn đúng trong cuộc sống hiện tại.
Anh Ngô Tấn Huỳnh cho biết, dùng que test, bạn có thể phát hiện sớm mình bị nhiễm HIV hay không, thông thường là sau 21 ngày tiếp xúc với nguồn lây.
Nếu chẳng may nhiễm bệnh, người nhiễm HIV được điều trị đúng cách, kịp thời vẫn có thể sống thọ, hoàn toàn không lây nhiễm cho người khác.
Anh Ngô Tấn Huỳnh khuyên, nếu chẳng may nhiễm HIV, mọi người nên sử dụng ARV càng sớm càng tốt. Đây là giải pháp giúp người nhiễm bệnh sống khỏe mạnh trong suốt quãng đời còn lại.
Cụ thể, sau 6 tháng đến 1 năm điều trị tải lượng virus sẽ không phát hiện, tế bào miễn dịch CD4 tăng lên có thể quay về cuộc sống bình thường. Bệnh nhân nhiễm HIV có thể quay về cuộc sống bình thường, lấy vợ, lấy chồng sinh con, sinh hoạt vợ chồng mà không lây nhiễm. Đây là quy tắc k=k (không phát hiện, không lây nhiễm).
Đây là trong trường hợp nếu không may nhiễm HIV. Tốt nhất, mọi người nên cẩn thận phòng tránh bệnh, ngay từ những thói quen trong cuộc sống hàng ngày.