Sinh viên làm nghề nhiếp ảnh, dễ kiếm tiền nhưng có "dễ ăn"?
Chụp ảnh giờ đây không chỉ là đam mê mà còn trở thành công việc giúp nhiều bạn sinh viên kiếm tiền ngay khi còn trên ghế nhà trường.
Nhiếp ảnh luôn là một môn nghệ thuật đong đầy những giá trị không lời. Chụp một bức ảnh không khó chút nào nhưng để có tác phẩm đẹp cũng như có thể kiếm tiền từ môn nghệ thuật này thì chỉ đam mê là chưa đủ. Ngày nay, có không ít bạn trẻ khi còn là sinh viên với năng khiếu của bản thân, nhạy cảm với màu sắc và các góc nhìn khác nhau đã chọn nghề nhiếp ảnh để có thể trang trải cuộc sống và kiếm thêm thu nhập cho bản thân.
Dưới đây là một số bạn trẻ đã chọn làm công việc nhiếp ảnh ngay từ khi còn là sinh viên. Cùng nghe những lời chia sẻ của họ để hiểu hơn về quá trình chinh phục bộ môn nghệ thuật này nhé!
Sống với đam mê nhưng tiền cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu
Đến với nhiếp ảnh bằng nhiều con đường khác nhau, song mỗi bạn đều có mục đích muốn lăn xả tìm tòi và học hỏi để kiến tạo nên nền tảng nghiệp vụ cho bản thân. Với sinh viên, khi chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc nhận các jobs chụp ngoài để có một bộ ảnh để đời là điều vô cùng cần thiết.
"Mình đến với nhiếp ảnh trước tiên là vì niềm đam mê. Ngay từ lần bấm máy ảnh đầu tiên, sự sáng tạo trong mình đã được khơi gợi rất nhiều. Dần dần thì mình bắt đầu được biết đến nhiều hơn và bắt đầu nhận làm dịch vụ, nhưng là làm dịch vụ có chọn lọc. Mình thấy rằng cái lợi lớn nhất của việc làm dịch vụ là giải quyết các vấn đề về kinh tế. Nhưng rõ ràng nếu chúng ta không trau dồi, không sáng tạo liên tục thì rất dễ đánh mất cái chất riêng của mình khi làm nghề - nhất là làm về nghệ thuật", bạn Đình Hiếu (sinh viên năm 3, chuyên ngành Ảnh Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.
Đình Hiếu cho rằng con đường đến với nhiếp ảnh là niềm đam mê và sự sáng tạo của bản thân
Còn với Châu Võ Tú Như (sinh viên năm nhất khoa Báo chí hệ CLC, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), nghề nhiếp ảnh đến với cô nàng một cách rất tình cờ nhưng đều gắn liền với những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống.
"Mình không học nhiếp ảnh chính thức qua bất cứ trường lớp nào cả. Những kiến thức về nhiếp ảnh mà mình có được đều do tự bản thân mình tìm hiểu và song song đó là những kinh nghiệm có được trong quá trình theo đuổi con đường nghệ thuật này. Hơn hết, mình cảm thấy may mắn khi có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với các anh chị có kinh nghiệm về nhiếp ảnh, cũng từ đó mà bản thân mình ngày một được trau dồi hơn.
Nhiếp ảnh đối với mình là đam mê, bản thân mình cũng xem nhiếp ảnh là một 'điểm mạnh' và đôi lúc 'điểm mạnh' cũng chính là cách để chúng ta phát triển bản thân mình nhiều hơn".
Tú Như hiện là sinh viên năm nhất Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
Trong khi đó, khi được hỏi về mức thu nhập nhận được thông qua nghề nhiếp ảnh, bạn Lê Công Đức (sinh viên lớp Quay phim - Truyền hình K39 Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại tâm sự: "Các bạn khác thì mình không biết thế nào, còn với mình ở thời điểm hiện tại thì con số rơi vào khoảng 6-7 triệu/ tháng. Tuy không quá cao nhưng đó là mức thu nhập phù hợp với mình khi sống ở nội thành Hà Nội".
Theo Công Đức mức thu nhập với nghề nhiếp ảnh không quá cao ở thời điểm hiện tại, tùy thuộc vào mức độ cống hiến cho công việc
Công Đức cho biết thêm vì lựa chọn kết hợp cả việc học và làm với nhau nên cậu bạn không đặt nặng vấn đề phải kiếm được quá nhiều. Cùng chung quan điểm, Đình Hiếu cũng tiết lộ:
"Có những tháng mình thực hiện từ 10-12 bộ ảnh nhưng có những tháng mình chỉ làm 2-3 bộ mình thật sự có hứng thú thôi. Thu nhập thì có lẽ tháng cao nhất vào khoảng 15-16 triệu/tháng đối với việc làm ảnh, ngược lại thì có những tháng chỉ đủ tiêu, chi trả cho tiền ăn uống đi lại".
Học không bao giờ là thiếu sót, chỉ có cái tôi cao khiến bản thân mình chết dần
Với những bạn có niềm đam mê với bộ môn nhiếp ảnh thì học không bao giờ là đủ, và phải luôn học không ngừng nghỉ, mục đích là để bản thân mình hoàn thiện hơn. Bởi dù có chụp ở bất cứ mảng nào (kỷ yếu, sự kiện, chân dung, thương mại,...) nhưng nếu bạn không cập nhật kiến thức cho bản thân mỗi ngày thì cũng đến lúc bạn sẽ bị lạc hậu và không ai chi tiền để thưởng thức một tác phẩm mang giá trị thấp đó cả.
Đối với Thu Thủy (sinh viên năm nhất ngành Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), ngay từ khi bước chân vào nghề, cô bạn đã xác định nhiếp ảnh là "nghề tay trái" của mình nên việc trau dồi kiến thức là điều cần thiết và cần thực hiện mỗi ngày.
"Nhiếp ảnh có thể nói là 'nghề tay trái' của mình. Ước mơ sau này của mình là trở thành một nhà báo, nên mình nghĩ một xã hội ngày càng phát triển, đồng nghĩa với nhu cầu thẩm mỹ của đại chúng ngày càng cao. Việc đưa đến những bức ảnh mang giá trị nghệ thuật cao là điều hiển nhiên, còn những bức ảnh có tính thẩm mỹ xấu sẽ bị loại trừ, đó là tính cạnh tranh. Vậy nên học để biết như thế nào là đẹp, là xấu, xu hướng hiện nay như thế nào, mình nghĩ không bao giờ là đủ".
Ước mơ sau này của Thu Thủy sẽ trở thành một nhà báo trong tương lai
Về phần mình, với khoản kinh nghiệm tích lũy được, Đình Hiếu đã phải trải qua quá trình training ở nhiều môi trường khác nhau và gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình làm nghề. Cậu bạn tâm sự: "Để theo đuổi nhiếp ảnh thì mình phải học tập và thực hành ở nhiều nơi khác nhau từ studio, từ outdoor, indoor đến sự kiện.... Mình làm nhiếp ảnh cho các dự án trên trường học, các sự kiện ngắn hạn tổ chức, kể cả thời gian đầu mình còn chấp nhận đi theo anh chị lớn trong nghề để làm không công nữa, từ đó mình học được rất nhiều thứ từ các anh chị cho nên gần như mình không mất chi phí để phải đăng ký 1 khóa học về nhiếp ảnh nào cả".
Đình Hiếu từng gặp khá nhiều khó khăn khi mới chập chững vào nghề
Để cho ra đời một bộ ảnh đẹp thì đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ ra chi phí đầu tư một chiếc máy ảnh chất lượng là điều hiển nhiên. Tùy vào từng bạn có kỹ năng hay mục đích ra sao để có thể cân nhắc lựa chọn một chiếc máy ảnh phù hợp với bản thân mà vẫn đảm bảo được công việc của mình.
"Hiện nay mọi nhu cầu đều tăng cao nên mỗi bạn sẽ phải cân nhắc, lựa chọn từng chiếc máy ảnh sao cho hợp lý. Mình khá đầu tư vào bộ ảnh và máy ảnh của mình nên sẽ rơi vào khoảng 30 triệu. Còn với những bạn muốn thiên về chụp được tất cả mọi thứ, một bộ máy ảnh đa dụng thì giá sẽ nhỉnh hơn tầm 30-50 triệu, đó là nhu cầu bình thường và cơ bản nhất đối với ai làm nghề nhiếp ảnh. Ngoài ra, mình thấy có những bộ máy ảnh dễ dùng dành cho người mới thì chỉ 10-20 triệu thôi", anh chàng Công Đức cho biết.
Những bức hình ấn tượng được thực hiện bởi Công Đức
Bên cạnh đó, ngoài kỹ năng thì sự nhạy bén, sáng tạo và óc quan sát trong nghệ thuật cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của nhiếp ảnh gia, khiến mỗi bức hình trở nên chân thực, gần gũi mà vẫn có "thần thái".
"Để theo ngành ảnh và sống được với nhiếp ảnh thì chúng ta cần phải giữ được chất riêng của bản thân mình, không nên quá bão hoà về cách chụp. Một bộ ảnh và phong cách ảnh chỉ mình mình chụp được chắc chắn sẽ đáng giá hơn những shot hình mà ai cũng chụp được. Ngoài ra khi chụp ảnh bên cạnh việc setup và đầu tư thì việc nắm bắt các khoảnh khắc một cách nhanh nhạy cũng rất quan trọng vì có những hình ảnh chỉ xuất hiện một lần mà không có nữa", Đình Hiếu chia sẻ.
Một trong những bộ ảnh mà Đình Hiếu tâm đắc nhất khi thực hiện
Cân bằng giữa việc học và thực hiện đam mê của bản thân, bí quyết là gì?
Khối lượng công việc lớn và phải di chuyển nhiều địa điểm trong ngày giữa các nơi chụp không chỉ đòi hỏi các bạn có một sức khỏe tốt mà phải biết cân bằng giữa việc học và theo đuổi đam mê của mình. Có thể nói đó là một quá trình gian nan, vất vả.
Với Tú Như để có thể cân bằng được chuyện học, làm nghề nhiếp ảnh và tham gia các hoạt động trên tường là một hành trình khá khó khăn, nhưng cô bạn vẫn có cách để vượt qua.
Tú Như tâm sự: "Mình thường được các thầy cô trong trường phân công đi chụp các sự kiện của trường. Đôi lúc mình cũng cảm thấy áp lực nhưng được sống với đam mê và sở thích của mình nên mình vẫn rất hạnh phúc và hài lòng".
Tú Như luôn biết cách cân bằng giữa việc học với thực hiện đam mê của bản thân
Về phần mình, Công Đức đến với nhiếp ảnh được 5 năm và thiên chụp chính về kỷ yếu nên việc chụp rất vất vả. Phải đi chụp từ sáng sớm đến chiều tối muộn, có khi đến 1-2 giờ sáng mới về đến nhà, hôm sau vẫn phải đi làm bình thường là điều lặp lại thường xuyên trong lịch sinh hoạt của anh chàng. Song, Công Đức không coi đó là khó khăn mà đó là điều gắn liền với cuộc sống của bản thân.
"Vì đặc thù chuyên ngành của mình là quay phim, đối với mình đó là đam mê chung rồi nên mình cảm thấy việc học khá nhẹ nhàng, so với những năm đầu phần lớn mình phải học các môn lý luận nên rất khó. Nhưng đến giữa năm thứ 2 mình có cân bằng lại và biết cách học nên mình thấy việc học nhẹ hơn.
Vừa rồi mình cũng được nghỉ dịch để học online tại nhà không phải lên trường nhiều nên mình tự giác hơn trong việc học. Do đó, việc đi làm nhiếp ảnh và việc học của mình không ảnh hưởng quá nhiều, mình biết cách phối hợp với nhau sao cho ăn ý, nhờ thế mà kết quả học tập vẫn ổn định".
Công Đức không để công việc của mình ảnh hưởng đến việc học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa trên trường
Có thể nói, nhiếp ảnh là một nghề sáng tạo, nghiêm túc và khá thịnh hành hiện nay, đặc biệt là với các bạn sinh viên. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần nhấn một cái bạn đã có ngay một bức ảnh là có thể trở thành một nhiếp ảnh gia. Song đằng sau đó là cả một hành trình dài học hỏi, vô cùng vất vả và khó khăn. Với các bạn sinh viên thì việc vừa theo đuổi đam mê và cân bằng việc học trên trường không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên nếu biết dành đủ thời gian, đầu tư và cống hiến hết mình thì đây thật sự là một công việc có tiềm năng lớn trong tương lai.
Ảnh: NVCC