Con bị bạn học đánh, không cho ai chơi cùng, nữ doanh nhân ở TP.HCM có cách xử lý cực khéo: Không bị giận mà còn được tặng thêm quà

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nhận được câu trả lời: Con tôi rất hiền, rất ngoan từ gia đình đứa trẻ đánh bạn, bà mẹ ở TP.HCM có cách xử lý đầy tinh tế sau đó.

Khi con bị bắt nạt, mỗi cha mẹ có cách tiếp cận khác nhau. Một số bậc cha mẹ không muốn gây ra thị phi, sẽ chuyện to hóa nhỏ, dạy con nói "không sao". Một số phụ huynh sẽ tức giận tìm giáo viên, làm lớn sự việc, lấy lại công bằng cho con mình. Nhiều người khác khuyến khích con ăn miếng trả miếng, nhất định không để con chịu thiệt thòi. 

Chọn cách giải quyết vấn đề ra sao tùy vào cách lựa chọn của mỗi gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, điều quan trọng là làm sao để cố gắng không gây thù hằn và thương tích cho đối thủ và tránh tổn thương cho cảm xúc của con cái mình.

Chị Trịnh Thúy Hương là một doanh nhân ở TP.HCM, đồng thời là một bà mẹ 2 con. Con gái lớn 17 tuổi, con trai út 8 tuổi. Chị từng trải qua tình huống khó xử khi con trai - bé Louis từng bị bắt nạt ở trường. Cảm xúc của chị lúc đó là vừa buồn, vừa giận, vừa xót con, chỉ muốn ngay lập tức lên trường, gặp cô để nói chuyện con bị bạo hành. Nhưng sau đó, cùng với sự động viên của ông xã, chị đã chọn cách xử lý khác.

Con bị bạn học đánh, không cho ai chơi cùng, nữ doanh nhân ở TP.HCM có cách xử lý cực khéo: Không bị giận mà còn được tặng thêm quà - Ảnh 1.

Chị Trịnh Thúy Hương từng là Brand director của nhiều thương hiệu mỹ phẩm lớn, đồng thời là giám đốc một công ty truyền thông.

"Louis lúc bé vô cùng nhút nhát. Đi học về con không vui, ánh mắt rất buồn, hỏi con không nói, càng hỏi càng lơ đi chuyện khác. Với sự nhạy cảm của người làm cha mẹ, mình và papa của Louis lúc ấy bảo nhau là cùng đưa con đi học (bận thế nào cũng đưa con đi, không để người giúp việc đưa con đi nữa. Và ít nhất 2 buổi/tuần thay nhau đón con) để tìm hiểu và để con an tâm, gần gũi, chia sẻ.

Sau đó, quả nhiên phát hiện con thường bị một bạn bắt nạt. Nhiều ngày sau đó, về nhà mình rất kiên nhẫn gặng hỏi, mãi Louis mới nói hay bị bạn đánh và cấm không cho bạn khác chơi cùng. Nghe con kể mình như xát muối vào lòng, chỉ muốn lên trường ngay gặp cô để nói con chuyện bị bạo hành nhưng ông xã không cho. Ông xã nói rằng nên nói với cô giáo với thông điệp là: "Louis bị bạn bắt nạt, nhờ cô để ý. Rất mong cô xem cháu".

Ông xã ngại cách xử lý nóng nảy của mình khiến trường sẽ có ác cảm thì sẽ không giúp được con mình. Vậy thì rõ ràng là mình sẽ không đạt được điều mình muốn là cần họ lắng nghe, giúp con mình có môi trường học vui vẻ, hoà đồng. Mình rất phục ông xã vụ cư xử.

Con bị bạn học đánh, không cho ai chơi cùng, nữ doanh nhân ở TP.HCM có cách xử lý cực khéo: Không bị giận mà còn được tặng thêm quà - Ảnh 2.

Ngoài việc thông báo với cô giáo, vợ chồng mình đưa con đi học và chủ động làm quen với nhà có con bắt nạt Louis để trao đổi với họ. Mình tin là họ sẽ bênh con, ai cũng vậy thôi nên nhà mình chọn cách "chia sẻ" nhẹ nhàng nhất có thể. Và đúng như dự đoán, phản ứng của người mẹ là bênh con, nói rằng con mình rất hiền, rất ngoan, khẳng định không có chuyện đó vì bố bạn cũng rất nghiêm.

Đó là tình huống rất bình thường của bản năng người làm mẹ, mình hiểu luôn nhưng lúc ấy vẫn khó chịu chứ. Tuy nhiên, nhớ lại mục đích cuối cùng của mình là Cảm Xúc, Tinh Thần, Giáo Dục và Quyền Lợi cũng như Thể Diện của các con, mình vẫn nhẹ nhàng mong muốn họ mở lòng để giáo dục, để ý con họ và giúp được con mình cùng những đứa trẻ khác.

Mình nói: "Có thể con chị chỉ là trêu đùa, nhưng con tôi không quen với việc đó, và cháu rất buồn, rất sợ đi học. Tôi mong anh chị hiểu và giúp đỡ. Đặc biệt, con tôi rất nhạy cảm".

Mình nói tránh thế cho họ cảm thấy nhẹ nhàng và không đổ tất cả lỗi lên đứa trẻ kia. Sau buổi ấy, họ về hỏi con mình rồi bắt cháu viết bản kiểm điểm, viết thư xin lỗi Louis. Quả thật sau này không còn chuyện ấy nữa. Hai đứa chơi với nhau và bố mẹ chơi với nhau luôn, mình còn được họ tặng bánh.

Con bị bạn học đánh, không cho ai chơi cùng, nữ doanh nhân ở TP.HCM có cách xử lý cực khéo: Không bị giận mà còn được tặng thêm quà - Ảnh 3.

Gia đình chị Thúy Hương.

Mình sợ con mình bị bạo hành, mình càng sợ hơn nếu con là kẻ bạo hành

Ở nhà, mình khuyên con học tốt để tự tin hơn, tập thể dục thể thao, dạy con phản kháng lại khi bị bắt nạt và nói với cô giáo, về nhà nhớ chia sẻ với bố mẹ (giải thích cho con hiểu chỉ có bố mẹ mới là người giúp con tốt nhất, để con chia sẻ nhiều điều).

Mình hiểu con sẽ không nói với mình vì phần sợ mình buồn, mặt khác chúng có sĩ diện riêng. Mục đích cuối cùng của nhà mình là giúp con tự tin không bị bắt nạt, giúp con thấu đáo ngay cả khi mình là nạn nhân, giúp con mở lòng, và cả cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Mình giải quyết vấn đề nóng nảy, con sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý cũng như cách cư xử, hành vi của chúng.

Kết quả là giờ Louis thường xuyên giúp đỡ các bạn khác khi bị bắt nạt, quan tâm các bạn mới chuyển đến. Bé còn giải thích việc bắt nạt là không tốt, sau này lớn lên bạn sẽ phải hối hận. Hiện nay ở trường Louis và "bạn bắt nạt" kia chơi rất vui với nhau. Con có có rất nhiều bạn, thích đi học, thích đến trường, chứ không nhút nhát và tội nghiệp như xưa.

Chị Hương cho rằng, bắt nạt ở trường không hẳn là bị đánh đập, mà còn là những trò lườm nguýt, nói xấu, không cho tham gia hoạt động nhóm… tất cả là những câu chuyện rất thường của con gái nữa. Nên bản thân chị rất hay hỏi thăm con gái 17 tuổi của mình, cũng sợ con có nỗi khổ riêng ở học đường mà mình không biết.

Con bị bạn học đánh, không cho ai chơi cùng, nữ doanh nhân ở TP.HCM có cách xử lý cực khéo: Không bị giận mà còn được tặng thêm quà - Ảnh 4.

Chị Hương và con gái lớn.

"Đặc biệt, mình luôn khuyến khích con giúp bạn mới đến trường, giúp bạn học và giúp những bạn khó khăn hơn. Không phải vì các con được đủ đầy học trường quốc tế mà quên rằng còn rất nhiều mảnh đời thiếu may mắn ngoài kia. Mình sợ con mình bị bạo hành, mình càng sợ hơn nếu con là Kẻ Bạo Hành. Vì vậy, mình rất ủng hộ và giúp đỡ khi các con biết chia sẻ, biết yêu thương", bà mẹ 2 con cho biết.

Con gái lớn của chị Hương ngoài việc học thì còn có nhiệm vụ làm Marketing trong nhóm 5 người. Cứ 3 - 4 tháng khi vào kỳ nghỉ hay thi xong các con lại đi quyên góp từ thiện. Vật phẩm là đồ dùng học tập, đồ cá nhân, thức ăn, trái cây, gạo, thuốc đánh răng, giấy vệ sinh, chăn mền, để giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn hơn, ở các trại trẻ mồ côi.

"Tóm lại, mình muốn nhấn mạnh rằng: "THÁI ĐỘ của người lớn rất quan trọng, tác động và tạo ra văn hoá, hành vi, nền tảng cho con mình, gia đình mình. Mình học được rất nhiều "đắc nhân tâm" từ chính ngôi nhà của mình. Thật may mắn!", chị Hương chia sẻ.

Chia sẻ