Sinh viên Ấn Độ biểu tình dữ dội để được đi chơi về khuya

Vân Anh,
Chia sẻ

Nhiều ký túc xá đại học ở Ấn Độ đã thi hành lệnh giới nghiêm cấm không cho nữ sinh ra ngoài vào buổi tối gây phẫn nộ giới trẻ.

Những nữ sinh viên trẻ tuổi ở thủ đô Delhi, Ấn Độ, đã cùng nhau xuống đường để biểu tình đòi được ra ngoài vào buổi tối, đúng như tên của chiến dịch: “Phá lồng” (Break The Cage).

Nhiều ngày qua, cứ mỗi khi trời tối, khoảng 60 sinh viên trẻ, cả nam và nữ, lại bắt đầu diễu hành qua một số trường đại học lớn tại Delhi. Họ mang theo áp phích, hô vang khẩu hiệu đòi quyền lợi được đi chơi về khuya. Họ đến ký túc xá nữ, đọc thơ và nhảy múa: “Chúng tôi không cần sự bảo vệ dối trá, các vị không thể nhốt một nửa quốc gia trong cái lồng.

Một người đàn ông trẻ đeo trống quanh cổ gõ nhạc và một cô gái mặc áo sari đỏ đọc thơ. Ở vòng ngoài, những sinh viên cùng hô to: “Đáng xấu hổ!”.
Nữ sinh Ấn Độ đồng loạt xuống đường biểu tình đòi gỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại ký túc xá

Mâu thuẫn bùng nổ khi nhiều trường đại học tại Delhi ra quy định về “giờ giới nghiêm” cho các nữ sinh tại ký túc xá. Đó là giờ mà tất cả sinh viên phải về phòng. Một số ký túc xá đóng cửa từ 6h30 – 7h30 tối, một vài nơi muộn hơn nhưng không nhiều. Những nữ sinh nào không tuân thủ giờ giới nghiêm có thể bị đuổi học. Trong khi đó, lệnh giới nghiêm bên ký túc xá nam dường như không có tác dụng.

Đó là phân biệt đối xử!” – Devangana Kalita, người sáng lập phong trào “Phá lồng” nói. “Lệnh giới nghiêm được cho là để bảo vệ người phụ nữ. Nhưng thực ra, nó thể hiện sự gia trưởng. Đây không chỉ đơn thuần là chính sách về an toàn phụ nữ mà nó là chính sách đạo đức.

Nhiều trường học mở cửa thư viện, phòng thí nghiệm đến khuya. Vì thế, giờ giới nghiêm đã giới hạn nữ sinh được học tập. Shambhawi Vikram, một sinh viên nghệ thuật 23 tuổi, hiện đang sống tại ký túc xá dành cho học sinh ngoài, cho rằng giờ giới nghiêm có thể đe dọa tính mạng của sinh viên.


Nhiều ký túc xá bắt sinh viên phải về phòng lúc 7h tối. Ai không tuân thủ sẽ bị đuổi học. Nhà chức trách cho rằng quy định này để đảm bảo an toàn cho sinh viên.

Hai năm trước đây, tại Delhi xảy ra một trận động đất. Những tòa nhà rung chuyển, mọi người ở tầng thấp chạy được ra ngoài. Nhưng khoảng 20 sinh viên ở tầng 4, tầng 5 bị mắc kẹt. Họ bị nhốt vì vào giờ giới nghiêm. Thật đáng sợ, tất cả chạy ra ngoài ban công và nhìn chúng tôi. Chúng tôi nhìn họ và bất lực”.

Rafiul Rahman, 23 tuổi, sinh viên đại học, cho biết: “Chưa bao giờ có một cuộc biểu tình nào mạnh mẽ như thế này trước đây. Thật điên rồ khi nhốt nữ sinh trong phòng sau 7h tối. Bạn phải đặt câu hỏi và đối đầu với những quy định bất hợp lý”.

Bạn không thể giữ an toàn cho nữ sinh bằng cách nhốt họ, điều đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Đường phố an toàn hơn chỉ khi chúng ta để phụ nữ xuất hiện nhiều trên phố”.

Các cuộc biểu tình của sinh viên đã khiến nhà chức trách phải giãn thời gian giới nghiêm. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ để xoa dịu sự phẫn nộ của người biểu tình.


Sinh viên Ấn Độ muốn được tự do ra ngoài đường vào buổi tối, đến thư viện, đi chơi,…

Bên cạnh đó, phong trào muốn mở rộng đòi quyền tự do cho tất cả phụ nữ tại Ấn Độ, không chỉ đơn giản là những nữ sinh. Nhiều phụ nữ lớn tuổi cũng đang phải sống trong những "cái lồng". 

Cách đây 40 – 50 năm, phụ nữ "phá lồng" để đi học đại học. Giờ đây, nữ sinh "phá lồng" để được đến thư viện sau 7h tối. “Ngay cả Cô bé Lọ Lem còn được đi đến nửa đêm. Tại sao chúng ta lại không được?” – Nữ sinh Viksham đặt câu hỏi.

Nguồn dịch: BBC
 
Chia sẻ