Singapore và Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay
Dựa trên các số liệu tiêm chủng hiện nay, các chuyên gia dự báo ở châu Á, chỉ có Singapore và Trung Quốc có thể đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay, mà cụ thể hơn là chiến đấu với biến thể Delta có tốc độ lây lan cực nhanh không thể không có vaccine.
Trong những đợt dịch đầu khi vẫn chưa có vaccine thì nhìn chung các nước khu vực châu Á đã xử lý khéo léo, ứng phó dịch bệnh thành công. Nhưng nay, khi đã có vaccine, công cuộc chống dịch của châu Á dường như chững lại, tỷ lệ tiêm chủng tụt lại so với châu Âu hay châu Mỹ. Thiếu nguồn cung vaccine là lý do chủ yếu. Nhưng vẫn còn yếu tố khác quan trọng không kém ảnh hưởng đến tiến độ tiêm phòng COVID-19.
Chiến lược tiêm chủng ngừa COVID-19 đều được các nước trên thế giới tính đến từ sớm, nhưng tiến độ triển khai tiêm thì có nhiều khác biệt. Biểu đồ cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 chia theo khu vực tính đến đầu tháng 6. Khu vực Bắc Mỹ dẫn đầu - đạt 61,4 liều/100 dân. Trong đó, hơn 50% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Tại châu Âu, tỷ lệ tiêm chủng cũng khá cao 48,5 liều trên 100 người.
Nhưng ở chiều ngược lại, tiến độ tiêm chủng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thấp hơn nhiều, chỉ đạt 23,8 liều/100 dân. Rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á có chưa đến 10% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Thiếu vaccine là nguyên nhân chính khiến các chính phủ ở châu Á - Thái Bình Dương khó đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, nhưng ý thức và nhu cầu tiêm chủng của người dân cũng là yếu tố quan trọng. Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự hoài nghi về các loại vaccine mới phát triển là điều phổ biến trên toàn cầu, dẫn đến sự chần chừ tiêm chủng của người dân, nhưng tình trạng này ở châu Á nhiều hơn hẳn. Chính những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh dẫn đến tâm lý thờ ơ, nhiều người không cảm thấy sự cấp bách của việc đi tiêm phòng.