"Siêu thực phẩm" của Việt Nam được người Trung Quốc cực mê vì vừa rẻ vừa ngon: Thị phần đạt số 1 sau 10 năm, bầu Đức bán hàng chục container mỗi tuần

Khánh Vy,
Chia sẻ

Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này vào Trung Quốc.

"Siêu thực phẩm" của Việt Nam được người Trung Quốc cực mê vì vừa rẻ vừa ngon: Thị phần đạt số 1 sau 10 năm, bầu Đức bán hàng chục container mỗi tuần - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Việt Nam là quốc gia nhiệt đới sở hữu nhiều loại trái cây ngon hàng đầu thế giới. Nhờ đó, nước ta thu về giá trị xuất khẩu lên tới hàng tỷ đồng.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước lập kỷ lục 7,2 tỷ USD. Đây là bước nhảy vọt đầy ấn tượng, đánh dấu cột mốc quan trọng trên hành trình hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai gần. Làm nên con số này là sầu riêng, dừa, thanh long và không thể không nhắc đến chuối.

Xuất khẩu chuối tươi của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 380 triệu USD, tăng 20% so với năm 2023. Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu chuối lớn nhất của nước ta.

Theo thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu chuối đạt 1,69 triệu tấn, trị giá 907,7 triệu USD, giảm 4,6% về lượng và giảm 16,1% về trị giá so với năm 2023.

Về cơ cấu nguồn cung, Trung Quốc nhập khẩu chuối từ Philippines đạt 463,3 nghìn tấn, trị giá gần 261,61 triệu USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 38,8% về trị giá so với năm 2023.

Đáng chú ý, Trung Quốc tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam trong năm 2024, tăng 23,7% về lượng và tăng 7% về trị giá so với năm 2023, đạt gần 625,25 nghìn tấn, trị giá 261,45 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đã soán ngôi của Philippines để trở thành nhà cung cấp chuối số 1 cho Trung Quốc, lần đầu tiên sau 10 năm.

Giá chuối mua từ Việt Nam đạt trung bình 418 USD/tấn, giảm mạnh 13,5% so với cùng kỳ.

"Siêu thực phẩm" của Việt Nam được người Trung Quốc cực mê vì vừa rẻ vừa ngon: Thị phần đạt số 1 sau 10 năm, bầu Đức bán hàng chục container mỗi tuần - Ảnh 2.

Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chuối Việt Nam còn dần thay thế các sản phẩm từ Philippines và Đài Loan trên các kệ hàng siêu thị lớn tại Trung Quốc. Điển hình là hệ thống AEON, nơi chuối Việt Nam độc chiếm thị trường và loại bỏ hoàn toàn sản phẩm từ các quốc gia khác. Xu hướng này tiếp tục lan rộng sang nhiều chuỗi siêu thị lớn và chợ đầu mối cho thấy sức hút của chuối Việt tại thị trường tiêu dùng đông dân nhất thế giới.

Chuối Việt ghi điểm nhờ chất lượng vượt trội, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng đã tận dụng lợi thế địa lý với khoảng cách vận chuyển ngắn, giúp giảm chi phí logistics đáng kể so với các nước khác như Philippines hay Ecuador.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), TR4 - một loại bệnh do nấm, gây ra mối đe dọa đáng kể đến sản lượng chuối Cavendish, chiếm một phần đáng kể trong nguồn cung chuối toàn cầu. FAO ghi nhận mức giảm 1% trong thương mại chuối toàn cầu vào năm 2024, với các yếu tố bất lợi khác như thời tiết không thuận lợi và sâu bệnh hại cây trồng.

Theo FAO, vị thế nhà xuất khẩu chuối toàn cầu của Philippines giảm từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 4 trong năm 2024, do điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến sản lượng. Năm 2024, xuất khẩu chuối của Philippines đạt 2,278 triệu tấn, giảm so với 2,35 triệu tấn của năm 2023 (tương đương mức giảm 3,1%). Đây cũng được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu chuối của Việt Nam.

Nổi bật trong số các thương hiệu chuối Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là Pleiku Sweet của Hoàng Anh Gia Lai. Được đóng gói theo tiêu chuẩn Nhật Bản với số lượng nhỏ từ 3 - 4 trái mỗi túi, thương hiệu này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhờ vào chất lượng đồng đều và mẫu mã đẹp. Hiện mỗi tuần, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức xuất khẩu hàng chục container chuối sang Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Chuối Việt Nam đã trở thành đối thủ đáng gờm của các nhà xuất khẩu từ Philippines và Ecuador trên sàn giao dịch quốc tế. Việc đảm bảo sản lượng ổn định, cùng với chiến lược giá linh hoạt giúp doanh nghiệp Việt Nam giữ vững thị phần và mở rộng xuất khẩu.

Chia sẻ