“Siêu nhân” có khả năng hút các đồ vật không dám ngủ với vợ
Anh Khải cười thật hiền rồi bảo: “Mấy năm rồi tui phải thường xuyên sống “xa” vợ, mặc dầu cùng ở chung một nhà. Chỉ họa hoằn đôi khi biết thật chắc trong người hoàn toàn không có “điện” thì tui mới dám gõ cửa phòng bà ấy vào ban đêm.
Còn con cái thì chẳng dám lại gần cha vì chỉ chạm nhẹ vào người tui là bị giật bắn người như chạm vào dòng điện. Có cái khả năng đặc biệt này có cái thú, nhưng cũng có cái khổ…”. Tên đầy đủ của người có khả năng đặc biệt ấy là Huỳnh Văn Khải, sinh năm 1956, hiện sống tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Chú Khải “nam châm”, “điện giật”
Ở thôn vùng sâu Bằng Tiên 2 (xã Phú Sơn), ai cũng biết nhà ông Khải “nam châm”, đến tụi trẻ con dọc đường đứa nào cũng biết. Một nhóm trẻ đang chơi ven đường tự nguyện làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi, trên đường đi, đứa nào cũng tranh nhau kể chuyện về “chú Khải có điện”, “chú Khải điện giật”, “chú Khải nam châm”, “chú Khải siêu nhiên”…
Khi chúng tôi đã vào nhà đợi anh Khải đi làm về, lũ trẻ con đứng thập thò ngoài cửa với ánh mắt háo hức, chờ đợi… xem “chú Khải biểu diễn”. Ngồi chưa ấm chỗ, chúng tôi đã nhìn thấy từ ngoài cổng một người đàn ông có nước da đen nâu dãi dầu với dáng người hơi gầy vác một bao gì đó khá nặng trên vai. Biết ý định của chúng tôi, anh Khải “rào” trước: “Tui sẽ kể thiệt kỹ, thiệt chi li cho mấy anh ghi. Mấy anh viết sao cho thiệt chính xác nghen. Vì, không khéo, có người lại nói là tui tham lam, lợi dụng thì khổ tui…”.
Chúng tôi đề nghị: “Anh thử biểu diễn cho chúng tôi xem trước?”. Anh Khải đặc chất giọng nông dân miền Trung: “Thử gì! Tui làm thiệt cho mấy ông coi chớ thử gì! Mà, để coi đã, coi đang có “điện” trong người không đã…”. Anh Khải lấy lại tư thế ngồi và im lặng. Lát sau, anh bảo: “Được rồi! Chắc chắn có điện!”.
Chúng tôi tranh thủ hỏi: “Nhờ đâu mà anh biết được là chắc chắn?”. Anh Khải: “Biểu tui giải thích thì tui chịu thua. Nhưng tui biết chắc chắn là có, tự biết vậy thôi… Những lúc như vầy, trong con người tui nó như có dòng điện chạy rần rần, chạy khắp người, lan ra tận đầu ngón tay…”.
Anh Khải lôi từ trong gầm bàn ra một giỏ mây đựng sẵn những thứ dao kéo, chén bát, đĩa muỗng…; thứ làm bằng sắt, thứ thì inox, nhựa, có cả mấy cục gạch nữa. Trước khi biểu diễn, anh Khải nói như giải thích: “Mấy tháng gần đây, “điện” trong con người tui nó mạnh ghê lắm. Rồi, hơn một tuần vừa rồi, dân ở khắp nơi tìm đến biểu tui “biểu diễn coi chơi” nên cứ để sẵn như thế này cho tiện”.
Đầu tiên, anh Khải đặt mấy chiếc muỗng và một cây cờ-lê ra phía sau lưng, trong đó có một cái muỗng nhựa, còn lại là inox. Tất cả đều dính chặt vào lưng anh. Như để cho chúng tôi tin hơn, anh Khải đứng dậy và đi đi lại lại mấy vòng nhưng tất cả đều không rơi xuống đất. Tiếp đến, anh Khải đặt hai chiếc dao inox to bản lên phía trên ngực gần vai.
Cả hai con dao, trong đó có một con dao cán gỗ, cũng dính chặt vào da. Không chỉ đặt đồ vật bằng nhựa chung với mấy món inox, anh Khải còn biểu diễn tương tự bằng cách chỉ đặt những thứ làm hoàn toàn bằng nhựa như chén nhựa, tô nhựa, đĩa nhựa… và không lần nào thất bại.
Rồi anh “đùa với điện”: Sẵn bóng điện tròn 220V trong nhà, anh sai đứa con múc lên bát nước, cắm điện vào bát và vừa thọc cả mười đầu ngón tay vào đấy vừa nói chuyện với chúng tôi một cách bình thường. Tiếp đến, anh cầm vào hai đầu dây điện trần nối vào chuôi bóng điện tròn. Bóng điện tuy không sáng rực như có điện nhưng thỉnh thoảng nó chớp chớp khiến cho lũ trẻ đứng ngoài reo lên thích thú.
Anh Khải nói vọng ra: “Ở đó mà hò với reo! Mà chỉ thỉnh thoảng đến đây xem chú biểu diễn cho vui thôi đấy nhé! Cấm đứa nào bắt chước đấy. Coi chừng chết có ngày!”.
Quay sang chúng tôi, anh Khải bảo: “Ngày nào thấy trong người khỏe mạnh thì điện nó mạnh lắm. Còn ngày nào trong người thấy “ể ể” thì điện yếu hơn. Cũng có ngày không có chút điện nào. Đó là những ngày mà tui thấy trong người rất mệt mỏi…”. Chúng tôi đùa: “Vậy thì mấy ngày ấy “gần” được vợ, thích chứ?”. Người đàn ông trung niên này cười hết cỡ: “Mấy cái ngày đó mệt nhừ thì còn sức đâu…!”.
Từ nông dân trở thành “siêu nhân chân đất”
Quê anh Huỳnh Văn Khải là xứ nắng gió Ninh Thuận. Năm học hết lớp 4 thì cha qua đời, nhà nghèo, Khải phải nghỉ học từ đó. “Mặc dầu còn nhỏ nhưng tui phải nghỉ học đi làm để kiếm cơm. Lớn lên một chút, tui lang bạt khắp nơi để làm thuê làm mướn. Năm tôi 22 tuổi thì “lạc” đến xứ sở càphê Lâm Hà này và đến năm 2005 thì gặp bà xã tui bây giờ”.
Mặc dầu chỉ mới tiếp xúc lần đầu nhưng anh Khải đã khiến cho chúng tôi tin rằng đây là một nông dân chân chất, chịu thương chịu khó. Hai vợ chồng anh bắt đầu gần như bằng đôi bàn tay trắng, nhưng chịu khó làm lụng nên đến lúc này đã dư dả chút đỉnh: Nhà đã có 2ha càphê; vợ anh làm thêm nghề thu mua hàng nông sản trong làng với mùa nào thức ấy nên cũng đắp đổi được qua ngày.
Theo lời anh Khải kể lại, năm ấy (2009), đang lam lũ làm ăn thì ngày nọ anh Khải lăn đùng ra ốm. Cơn sốt cao kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ bữa đó vừa dứt thì anh Khải từ một nông dân bình thường trở thành một “siêu nhân chân đất” như cách mọi người nửa đùa nửa thật vẫn gọi.
“Dứt sốt, tôi thấy trong người như có dòng điện chạy khắp từ đầu đến chân… Lúc đầu, nghĩ chắc là do sốt gây nên tôi không để ý. Nhưng bỗng thấy sợ vì khi tôi chuyển động cánh tay trái theo hướng nào thì cánh tay còn lại cũng chuyển động theo. Thấy lạ, tôi ép hai bàn tay lại với nhau thì toàn thân như có một dòng điện chạy khắp và rất dễ nhận biết. Rồi, hai tay cứ giật giật, rung rung…”.
Thấy bố có hành động kỳ lạ, đứa con anh chạy đến định dìu bố lên giường nằm nghỉ thì bị giật văng ra khi vừa mới chạm tay vào người bố. Đứa bé hốt hoảng gọi mẹ. Chị Nga vợ anh Khải chạy đến cũng bị y như thế. Thấy chuyện lạ đang xảy ra, anh vội gọi điện “cầu cứu” mấy người bạn. Mấy người bạn chạy đến, ai đụng vào người anh Khải cũng đều bị giật bắn người như sờ vào điện.
“Bữa đó, một nhóm bạn của tui đến cùng với mọi người trong nhà và kể cả mấy người hàng xóm cũng chạy sang để xem tui “chứng minh là người không sợ điện”. Trước hết, tui lấy mấy cái muỗng, cái đĩa… “gắn” vào người. Tiếp đến, tui lấy cả ổ cắm điện ra sờ vào, rồi cắm cả dây điện vào người… Đến lúc ấy, mọi người mới thực sự tin” – anh Khải kể.
Chuyện anh Khải không bị điện giật, người có khả năng hút các đồ vật như nam châm… thì ở cái làng be bé Bằng Tiên 2 dần dần ai cũng biết. Tuy nhiên, câu chuyện cũng chỉ quẩn quanh trong ngôi làng nhỏ ấy chứ chẳng đi xa được. Anh Khải cũng chỉ suốt ngày quanh quẩn với vườn tược, nương rẫy nên dần dần, chuyện về “siêu nhân chân đất” trở thành câu chuyện bình thường như bao câu chuyện bình thường khác của làng Bằng Tiên 2.
Nhưng thời gian gần đây, anh cảm thấy thực sự lo lắng khi “dòng điện – nam châm” trong người anh bỗng trở nên mạnh lên một cách khác trước. Hiện giờ, anh có khả năng hút bất cứ vật gì và nhiều điểm trên cơ thể đều có khả năng hút được, có những vật nặng 30kg vẫn bị hút như hút… một tờ giấy.
Anh Khải tâm sự: “Tui chỉ là anh nông dân quanh năm quanh quẩn với ruộng vườn chứ có nào biết chi chuyện khoa học hay thần thánh gì đâu! Có cái khả năng đặc biệt này, thỉnh thoảng biểu diễn với anh em, bạn bè thấy cũng hay hay, vui vui. Nhưng gần đây, tui nghe nói cái khả năng ấy sẽ có lúc mất đi; có thể là mất hẳn… Mà, không biết với tui thì lúc nào nó mất…”.
Quả thật, lúc mới được chứng kiến mấy màn biểu diễn của người đàn ông được mệnh danh là “siêu nhiên chân đất” này chúng tôi cũng thấy thú vị, nhưng rồi nghĩ lại, nỗi lo mà anh Khải vừa nói không phải là không có cơ sở. Hiện tượng có khả năng đặc biệt như anh Khải hoàn toàn không phải là duy nhất. Tuy nhiên, cho đến lúc này, một lời khuyên từ các nhà khoa học cho một anh nông dân “siêu nhân chân đất” quanh năm quanh quẩn với ruộng vườn ở nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng này là rất cần thiết n
Biểu diễn màn hút đồ vật bằng inox lẫn nhựa như dao kéo, chén bát… xong, anh Khải quay sang “đùa với điện”: Anh sai đứa con múc lên bát nước, cắm dây điện 220V vào, rồi vừa thọc cả mười đầu ngón tay vào đấy vừa nói chuyện bình thường.