Siết quản lý, giá sữa vẫn tăng
Mặc dù đã bị “quản” và thậm chí bị yêu cầu tiết giảm chi phí, hạ giá bán song các hãng sữa ngoại vẫn tiếp tục tăng giá sữa ngay trong tháng 12 này.
Tăng giá - đến hẹn lại lên...
Những ngày qua, các công ty sữa như Abbott Việt Nam, Mead Jonhson đều “né” báo chí về thông tin chính thức việc tăng giá sữa đợt mới. Song thực tế, trên thị trường, giá nhiều mặt hàng sữa của các hãng này đã tăng lên. Mở màn cho đợt tăng giá sữa mới là sữa của Hãng Mead Johnson, đã tăng 5-7% từ ngày 12.12. Một trong những hãng sữa khác chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam là Abbott cũng đã có “thông báo miệng” về việc tăng giá sản phẩm với đại lý.
Chiều 17.12, chủ một đại lý sữa ở phố Kim Mã (Hà Nội) cho biết, lẽ ra sữa Abbott đã tăng từ tháng 12 này, nhưng do hàng còn bán chưa chạy như trước khi xảy ra vụ thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn nên các đại lý được thông báo giá sẽ tăng kể từ tháng 1.2014, với mức tăng từ 3-5% tất cả sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… “Việc sữa ngoại sẽ lại tăng giá không bất ngờ với các đại lý vì họ đã biết từ hồi tháng 11 vừa qua, bởi đây là chu kỳ tăng giá của sữa, cứ đến hẹn lại lên, dù chẳng có lý do gì”- anh Nguyễn Hà - chủ một đại lý sữa ở phố Sơn Tây (Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Như vậy, bất chấp Thông tư 30 về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi đã chính thức có hiệu lực từ 20.11 và các văn bản liên tục ban ra của Bộ Tài chính, nhiều hãng sữa vẫn tăng giá dịp cuối năm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, thực tế, Thông tư 30 chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Thêm vào đó, Luật Giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí 1 tháng tăng 2 lần mà vẫn không sai luật.
Mới đây, Cục Quản lý giá, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Bộ Tài chính sau khi tiến hành kiểm tra xác minh mức giá bán của các doanh nghiệp sữa tới các đại lý, siêu thị so với giá sữa nhập khẩu đã cho kết quả bước đầu là chưa có sự chênh lệch lớn như phản ánh của dư luận (tức giá sữa bán lẻ không bán gấp 5-9 lần so với giá nhập khẩu). Kết luận này càng làm cho các hãng sữa thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục... tăng giá. Việc kiểm tra của Bộ Tài chính với 8 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa lớn tại Việt Nam về thuế và giá năm 2012 và 9 tháng năm 2013, cũng mới chỉ xử phạt về thuế và thu hồi thuế còn nợ đọng chứ không có vi phạm nào về giá bị xử lý.
Quản lý cũng “bó tay”?
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết, sau khi Bộ Y tế ban hành danh mục các mặt hàng sữa để quản lý giá, Bộ Tài chính đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý, kê khai, kiểm tra, kiểm soát giá các sản phẩm này. “Nếu kiểm tra, có việc tăng giá bất hợp lý thì chúng tôi sẽ tiến hành xử lý” - ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định của Luật Giá, không để tăng giá bất hợp lý.
Mới đây, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã đề xuất quản lý giá sữa bằng cách áp giá trần. Nếu doanh nghiệp nào bán quá giá trần sẽ chịu mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng/lần, đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch do tăng giá bất hợp lý.
Ông Nguyễn Xuân Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì khẳng định: Từ 20.11, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh sữa. Tuy nhiên, lý do tăng giá sữa mà doanh nghiệp phân phối đưa ra là do giá sản phẩm nhập từ hãng tăng, bắt buộc doanh nghiệp phải tăng theo. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cứ đưa lý do như vậy thì cơ quan quản lý của ta cũng “bó tay” và đành chấp nhận việc để cho giá sữa tăng. Theo ông Phong, chỉ khi cơ quan quản lý kiểm tra rõ chi phí đầu vào, xem hóa đơn chứng từ, so sánh giá các nước... thì mới kiểm soát được việc giá sữa tăng bất hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bức xúc cho rằng, lẽ ra với một thị trường sữa sôi động các hãng sữa phải hạ giá thành để kéo người tiêu dùng, nhưng các hãng lại liên tục tăng giá sữa mà không hề giảm. Vậy bao giờ các cơ quan chức năng mới làm rõ sự bất hợp lý này, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?