Sĩ tử 2k3 lên thành phố học đại học, đừng bao giờ ở nhờ nhà họ hàng: Đó là phương án "đường cùng"
Nếu muốn giữ mối quan hệ thì phụ huynh đừng để con mình ở nhà họ hàng/ người quen trong những năm đại học.
Một mùa tuyển sinh đại học lại đến. Lúc này, rất nhiều sĩ tử 2k3 đã nhận được kết quả đỗ đại học thông qua các phương thức xét tuyển học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ,... Trở thành tân sinh viên là một cột mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Bởi nó không chỉ là giai đoạn học tập mới mà còn đánh dấu sự trưởng thành, tự lập của mỗi bạn trẻ.
Giống như các đàn anh, đàn chị, 2k3-er sẽ phải rời nhà lên thành phố học tập (đối với các bạn ở tỉnh lẻ), thay đổi môi trường sống, học cách quản lý chi tiêu để cuối tháng không "méo miệng",... Một trong những vấn đề căng nhất mà 2k3 sẽ phải đối mặt, đó là vấn đề nhà ở.
Thông thường, sẽ có 3 lựa chọn: Một - Thuê phòng trọ, hai - ở KTX, ba - ở nhà họ hàng/ người quen. Và phương án 3 sẽ được các bậc phụ huynh ưu tiên chọn cho tân sinh viên nhất. Bởi ai cũng có tâm lý: "Con mình lạ nước lạ cái, lên thành phố lớ ngớ lại bị lừa". Chính vì vậy, phụ huynh gửi gắm con ở nhà họ hàng để nhờ bảo ban. Tuy nhiên, đây thực sự là một lựa chọn sai lầm!
Việc ở nhờ nhà họ hàng có thể đem lại khá nhiều rắc rối, phiền toái mà cả bố mẹ và tân sinh viên đều không thể lường trước được. Nói về điều này, Tiến sĩ tâm lý học Tô Nhi A (Giảng viên tâm lý giáo dục, Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM) đã có những chia sẻ bổ ích.
Theo nữ Tiến sĩ, phụ huynh nên ưu tiên cho con ở KTX, phương án kế tiếp là thuê phòng trọ, nếu như gia đình có điều kiện. "Ở nhà họ hàng/ người quen là phương án chẳng đặng đừng, phương án cuối cùng" - giải thích cho điều này, Tiến sĩ Tô Nhi A chỉ ra các lý do:
Tiến sĩ Tô Nhi A chia sẻ lý do tân sinh viên không nên ở nhà họ hàng.
- Thứ nhất, sống chung chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn, có thể lớn, có thể nhỏ và đều khiến hai bên không dễ chịu. Rất tiếc là trong trường hợp này, chúng ta không thể xử lý theo kiểu ai đúng, ai sai. Đơn giản đó là sự khác biệt, mà khác biệt thì đôi khi không thể dung hòa.
- Chính điều này lại dẫn đến vấn đề thứ hai. Đó là "quốc có quốc pháp, gia có gia quy". Mỗi một gia đình sẽ có nếp sinh hoạt khác nhau. Vì con ở nhà họ hàng/ người quen sẽ phải tiếp thu một nếp nhà mới. Và việc tiếp thu chưa kịp thời sẽ tạo ra những khó khăn, sự không hài lòng.
Nhưng không phải ai cũng đủ hiểu biết để gọi đó là "sự chưa thích nghi" mà lại dán nhãn, định tội cho đứa trẻ. Đó là sự hư hỏng, không ngoan, bất hợp tác,... - định kiến này dẫn đến bầu không khí trong nhà căng thẳng.
- Thứ ba: Trẻ thì sẽ sai, đó là điều khó tránh khỏi. Phụ huynh thì dễ bao dung với con mình nhưng người ngoài lại khác.
- Thứ tư là vấn đề về tiền bạc, bao gồm các khoản như sinh hoạt phí, tiền điện nước,... và cả những khoản không phải cứ ngồi tính là ra. Mà tiền thì đi liền khúc ruột. Người ta sẽ khó chịu nếu có sự nhập nhằng tiền bạc trong việc sống chung.
Tiến sĩ Tô Nhi A kết luận, nếu muốn giữ mối quan hệ thì đừng để con mình ở nhà họ hàng/ người quen trong những năm đại học. Bởi vì điều này rất dễ dẫn đến mâu thuẫn khiến phụ huynh mất luôn mối quan hệ. Theo nữ tiến sĩ, các phương án ở KTX, ở nhà trọ sẽ giúp các bạn tân sinh viên sống tự lập, tự thu xếp cuộc đời mình. "Đừng quên con của quý vị đã 18 tuổi", nữ tiến sĩ cho hay.