Sếp đuổi nhân viên kỳ cựu để giữ người mới vì 1 câu nói, hé lộ điểm yếu "chết người" chị em công sở phải tránh
Người làm lãnh đạo thường ít thấy thiện cảm với những người chỉ biết khen bản thân mà bỏ qua cố gắng của đồng nghiệp. Họ là những người không đáng tin cậy trong mắt cấp trên.
Ngọc Lan mới vào công ty, rất tích cực học hỏi để tranh thủ tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để dễ bề thăng tiến. Hồng Ngọc lại là một nhân viên kỳ cựu của công ty, nhưng đã nhiều năm rồi đà thăng tiến vẫn chưa có bước nhảy vọt đáng kể, mãi lẹt đẹt ở vị trí nhân viên một thời gian dài.
Đều là nhân viên với nhau, cho nên Ngọc Lan và Hồng Ngọc đều sẽ báo cáo trực tiếp công việc cho sếp. Vì số năm kinh nghiệm làm việc khác nhau nên cách báo cáo của hai cô gái cũng có nhiều sai khác.
Đối với Ngọc Lan, mỗi khi báo cáo, cô đều tập trung vào việc nêu thành tích và kết quả đạt được, thông qua đó ngợi ca tinh thần đội nhóm, kể sếp nghe về sự cảm kích của bản thân khi được các anh chị đi trước hỗ trợ, dìu dắt như thế nào; qua đó khẳng định thành công đến từ công sức của tập thể, không phải riêng bản thân mình.
Hồng Ngọc thì khác, do kết quả công việc không thật sự xuất sắc, cô thường tập trung vào việc kể chi tiết, tỉ mỉ quá trình. Còn những việc có kết quả tốt, Hồng Ngọc nhận hết công lao về mình, khẳng định bản thân độc lập tạo nên thành tựu. Bên cạnh đó, cô còn hay thường hớt lẻo, kể sếp nghe những “drama” đang xảy ra ở chốn văn phòng.
Kết quả, Hồng Ngọc bị sếp cho nghỉ việc vì thái độ cũng như hành vi không đúng mực, ảnh hưởng xấu đến tổ chức.
Qua đó mới thấy người làm lãnh đạo thường ít thấy thiện cảm với những người chỉ biết khen bản thân mà bỏ qua cố gắng của đồng nghiệp. Họ là những người không đáng tin cậy trong mắt cấp trên.
Đó chỉ là một trong những sai lầm mà chị em công sở thường hay mắc phải khi tiến hành báo cáo công việc với sếp. Bên cạnh đó, còn có một số điểm mà chị em công sở nên lưu ý để việc báo cáo trở thành dịp để lấy được thiện cảm trong mắt cấp trên:
Đừng kể mấy chuyện vặt vãnh, sếp không có hứng thú nghe đâu
Thời gian của sếp rất quý giá, nên thường chỉ muốn nghe những việc chính, quan trọng và kết quả, còn đối với quá trình chi tiết, sếp thường không muốn nghe đâu. Thật ra, quá trình cũng chẳng có ích gì trong việc tăng giành thiện cảm của sếp với chúng ta.
Cho nên, cái chúng ta cần nói là thành tích của công ty và kế hoạch trong tương lai. Như vậy sếp sẽ cảm thấy chúng ta là người có cái nhìn bao quát, tầm nhìn xa trông rộng, quá đó ghi điểm trong mắt sếp.
Không nên so sánh công việc của bản thân với công việc của người khác
Đừng bao giờ đi so sánh với đồng nghiệp, bất kể tiến độ công việc có tốt thế nào, hay chúng ta mới đạt được thành tích gì đi nữa. Dù có thực sự làm tốt hơn, thì đây vẫn là hành vi hạ thấp, chê bai năng lực người khác, không khác gì chủ động tuyên chiến với họ cả.
Sếp là người có kinh nghiệm, đã gặp vô số loại người, tất nhiên sẽ hiểu chúng ta đang nghĩ gì khi so sánh như thế. Sự tính toán đó sẽ cho thấy chúng ta là người không có chừng mực, không đủ tinh tế. Mà sếp cũng chẳng muốn nghe bài báo cáo đi kèm bản đánh giá nhân viên hơn kém nhau thế nào đâu. Hơn nữa, cũng không nên vì cái lợi nhất thời mà từ bỏ mối quan hệ đồng nghiệp lâu dài.
Không nên nói về những chuyện ngoài công việc
Sếp rất không thích những người nói nhiều, nói huyên thuyên. Rất nhiều người cho rằng, mọi người ở công ty đều thích nghe chuyện "dưa lê, dưa chuột" nên sếp cũng thích nghe.
Mấy chuyện ngồi lê đôi mách, thích nghe thì nghe, nghe xong thì quên đi, chứ đừng có tự biến mình thành người đưa chuyện. Phải nhớ rằng tai vách mạch rừng, kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.
Càng đừng kể lung tung với sếp, danh nghĩa thì là báo cáo tình hình thực tế, nhưng sếp biết vậy rồi cũng chẳng thích mình thêm chút nào.