Sếp chủ động hỏi ‘‘Em có bận không?’’, người EQ cao không trả lời ‘‘có’’ hoặc ‘‘không’’, mà ghi điểm nhờ câu nói khôn khéo này
Nếu sếp bất ngờ đặt câu hỏi này, bạn sẽ trả lời như thế nào để ghi điểm khéo léo và không gây mất lòng?
Giao tiếp là nhu cầu cơ bản và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình làm việc. Qua các ứng xử và giao tiếp hàng ngày, các vị lãnh đạo có thể đánh giá được con người cũng như khả năng ứng biến của nhân viên. Người giao tiếp tốt không chỉ có lợi thế trong công việc, mà còn được cấp trên ưu ái và có thiện cảm hơn so với những người còn lại.
Đáng nói, cách cấp trên kiểm tra khả năng giao tiếp, chỉ số EQ của nhân viên không phải qua những bài test phức tạp, mà bằng các tình huống đơn giản thường ngày. Câu chuyện dưới đây của cô nàng Tiểu Hào (26 tuổi, nhân viên văn phòng, Trung Quốc) sẽ giúp bạn hình dung ra một vài cách đối đáp khôn khéo với cấp trên trong tình huống cụ thể.
Tiểu Hào là chuyên viên kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Sau một tuần làm việc chăm chỉ, vào lúc 18h ngày thứ sáu, khi Tiểu Hào chuẩn bị ra về thì nhận được một tin nhắn của cấp trên: ‘‘Tiểu Hào, bây giờ bạn có bận không?’’.
Quá bất ngờ trước câu hỏi đột ngột của sếp, Tiểu Hào lăn tăn không biết trả lời như thế nào. Lý do là cô sắp có một cuộc hẹn ăn tối với gia đình vào lúc 18h30. Nếu bây giờ sếp giao việc, cô gái trẻ có thể sẽ bỏ lỡ cuộc gặp này. Sau một hồi suy nghĩ, Tiểu Hào quyết định không trả lời tin nhắn của sếp. Cô thu xếp đồ đạc rồi bắt xe di chuyển đến nhà hàng.
Ngày hôm sau, Tiểu Hào bị sếp khiển trách vì không trả lời tin nhắn công việc. Dù đã trình bày lý do nhưng cấp trên vẫn lắc đầu ngao ngán, tỏ vẻ không hài lòng trước thái độ và cách xử trí của cô nàng.
Hẳn nhiều người trong chúng ta ai cũng ít nhất một lần rơi vào tình huống tương tự như Tiểu Hào. Rõ ràng, hành động lơ tin nhắn của cấp trên là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nếu nói ‘‘không bận’’, bạn có thể phải giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc, dẫn đến hiệu suất sụt giảm. Còn câu trả lời ‘‘có bận’’ có thể gây mất thiện cảm với cấp trên, thậm chí còn khiến bạn trở thành một người vô trách nhiệm và không chăm chỉ.
Vậy khi gặp trường hợp này, nên đối đáp như thế nào là hợp lý?
Muốn biết cách trả lời, trước hết hãy xem xét vấn đề đằng sau câu nói ‘‘Bạn có bận không?’’ của sếp là gì.
Trên thực tế, khi sếp hỏi ‘‘Bạn có bận không?’’, thứ họ quan tâm thường có 2 khả năng. Đầu tiên là muốn hiểu rõ hơn về bạn hoặc là tình trạng công việc gần đây của bộ phận bạn. Thứ hai là muốn bạn sắp xếp để làm công việc khác.
Trong cả hai trường hợp, dù bạn trả lời bận hay không bận đều khiến đôi bên cảm thấy khó xử. Vậy nên, bạn hãy thuận theo tường trường hợp cụ thể để có cách ứng xử phù hợp.
TH1: Hết giờ làm việc, sếp bất ngờ hỏi ‘‘Bạn có bận không?’’
Trong bất kỳ trường hợp nào, khi sếp hỏi ‘‘Bạn có bận không’’, trước tiên bạn nên trả lời rằng ‘‘Sếp có việc gì cần xử lý ạ’’? để bày tỏ sự quan tâm của bản thân đối với công việc và yêu cầu của sếp.
Sau đó, tùy theo câu trả lời của cấp trên, bạn hãy lựa chọn cách đồng ý hoặc từ chối khéo léo. Nếu bạn rảnh và có thể thực hiện công việc, hãy đáp: ‘‘Vâng, hiện em đang hoàn thiện một số công việc dở dang. Nếu sếp cần hỗ trợ thì em sẽ cố gắng hoàn thiện sớm’’.
Nếu bạn có việc bận và không thể thực hiện công việc, hay từ chối như sau: ‘‘Thưa sếp, em có thể thực hiện công việc này, tuy nhiên hiện em có chút việc gia đình nên không xử lý ngay được. Mong sếp thông cảm’’.
TH2: Khi bạn đang làm việc, sếp hỏi ‘‘Bạn có bận không?’’
Trong tình huống đó, bạn hãy chuẩn bị 2 câu hỏi để có thể chuyển thế bị động thành chủ động. Đầu tiên, bạn hãy đáp ‘‘Sếp có việc gì cần xử lý ạ?’’. Sau khi cấp trên trả lời, bạn có thể hỏi tiếp ‘‘Việc này có cần xử lý gấp không ạ?’’.
Câu trả lời của cấp trên có thể là gấp hoặc không. Từ đó, bạn có thể xem xét nhanh tình trạng công việc hiện tại của bản thân, sau đó đưa ra câu trả lời phù hợp nhất. Nếu muốn nhận việc, bạn cần quản lý thời gian chặt chẽ để đảm bảo hiệu suất của công việc. Nếu từ chối, bạn nên khéo léo trả lời và cần đặc biệt ưu tiên thực hiện những công việc quan trọng hơn.