Sẽ gom dịch vụ 'nhạy cảm' vào một chỗ
Để phòng chống tệ nạn mại dâm hiệu quả hơn, cần phải gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu riêng, đại diện Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội TPHCM đề xuất ngày 21/8.
Sẽ dễ quản lý
Tại Hội nghị giao ban về công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện trong 8 tháng đầu năm 2015, do Bộ LĐTB&XH tổ chức hôm qua tại TPHCM, các đại biểu nói rằng, tình hình tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan mại dâm vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay xuất hiện các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tinh vi như sex tour bán dâm ở nước ngoài. Các cơ sở kinh doanh nhạy cảm xuất hiện ở nhiều địa phương.
“TPHCM sẽ có cơ chế khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm này vào khu vực quy hoạch. Chẳng hạn như giảm thuế, tạo điều kiện kinh doanh hợp pháp luật. Tất nhiên, không bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải vào quy hoạch. Tuy nhiên, nếu để xảy ra sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử lý mạnh tay hơn”. Ông Lê Văn Quý - Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM |
Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, đề xuất, Chính phủ nên có chỉ đạo thí điểm ở một số thành phố trọng điểm việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý. Tại đây, người lao động trong các cơ sở kinh doanh ngành nghề “nhạy cảm” sẽ được đảm bảo quyền lợi, được hưởng lương và người lao động được pháp luật bảo vệ. “Họ sẽ được khám sức khỏe định kì, được tuyên truyền, phổ biến kiến thức để tránh lây truyền bệnh HIV/AIDS”, ông Quý nói. Ông cho biết, hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh như quán bar, điểm massage… không trả lương, không kí hợp đồng lao động với nhân viên. Theo ông, nhân viên các cơ sở này chủ yếu sống bằng tiền bo của khách.
Tại TPHCM, các cơ sở này nhiều nhưng nằm rải rác, khiến công tác quản lý, kiểm tra gặp không ít khó khăn. TPHCM có hơn 36 nghìn cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm như massage, karaoke, vũ trường, quán bar… nằm khắp ngóc ngách phố phường. Chúng ta cứ đi phòng chống, phòng chống hết chỗ này, đến chỗ khác, chống hoài cũng không hết”, ông Quý nói.
Băn khoăn
Một số đại biểu băn khoăn, pháp luật chưa thừa nhận mại dâm là một ngành nghề, nếu gom vào một khu thì phải chăng vô tình thừa nhận mại dâm là hợp pháp.
Theo ông Lê Văn Quý, việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” không có nghĩa là thành lập khu phố đèn đỏ, mà là quy hoạch lại vào một khu vực để dễ quản lý, không để tràn lan như hiện nay.
Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hà Nội, cho rằng, hiện nay, chúng ta chỉ mới có Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, chưa có Luật Phòng chống mại dâm, nên khi triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc liên quan nhiều ngành khác. “Rồi công tác quy hoạch đô thị của từng địa phương hiện nay có đảm bảo hay không, các cơ sở kinh doanh có chịu tự nguyện vào khu quy hoạch không?”, ông Thức lo ngại.
Ông Quý cho rằng, TPHCM sẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sớm ban hành luật phòng chống mại dâm để thống nhất quan điểm trong công tác Phòng chống mại dâm. Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ,TB&XH, nhận xét, một số địa phương chưa đánh giá hết tình hình mại dâm, dẫn đến báo cáo chưa chính xác, còn né tránh. Trong khi đó, nhận thức về phòng chống mại dâm chưa thống nhất, dẫn đến việc chưa triển khai quyết liệt. “Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của đại biểu để xem xét trong thời gian tới”, ông Lập nói.
Theo báo cáo, ở Việt Nam hiện nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là gần 1.200. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện hơn 2.700 trường hợp vi phạm, bắt quả tang gần 2.500 đối tượng đang mua bán dâm.