Sẽ công nhận chéo kết quả thi đánh giá năng lực của thí sinh để tuyển sinh
Tuyển sinh đại học năm 2023, một số trường đại học sẽ công nhận chéo kết quả thi đánh giá năng lực của thí sinh.
Theo dự kiến, Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức vào hai đợt cuối tháng 3 và tháng 5.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức các điểm thi tại 17 tỉnh thành như năm trước, đồng thời đang xem xét mở rộng thêm điểm thi ở tỉnh Lâm Đồng.
Năm nay, Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức khoảng 8 đợt thi, từ 10/3 đến 4/6. Kỳ thi hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh năm 2023. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến từ tháng 2/2023.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2023 sẽ mở thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi lên con số 17 trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, ...
“Chúng tôi cân nhắc thêm một vài địa điểm thi miền Trung theo xét nhu cầu thí sinh thời gian tới. Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói, đồng thời nhấn mạnh: bài thi đánh giá năng lực có tính phân loại cao, đa mục đích; trong đó có sử dụng để xét tuyển vào các ngành đào tạo bậc đại học có tính cạnh tranh cao.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Năm nay, các trường đang xây dựng Đề án thi nên chưa có số liệu tổng hợp nhưng chúng tôi tin rằng với uy tín và chất lượng của kỳ thi HSA sẽ có nhiều ngành đào tạo, nhiều trường đại học trong cả nước sử dụng để tuyển sinh thời gian tới.
"Ngoài ra, từ dữ liệu thi đánh giá năng lực năm 2022, chúng tôi đã nghiên cứu đề xuất công cụ chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và điểm bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Do đó, có thể nhiều trường đại học phía Nam sẽ sử dụng kết quả bài thi HSA để xét tuyển. Tương tự, các trường đại học phía Bắc có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực" GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin.
Theo đại diện Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm 2022 có 86 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội cũng thống nhất công nhận chéo kết quả bài thi đánh giá năng lực của nhau nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh.
Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi độc lập để xét tuyển đại học hệ chính quy vào các ngành đào tạo, đồng thời cung cấp kết quả để các trường đại học khác xét tuyển nếu có nhu cầu.
Trường dự kiến tổ chức thi một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5. Mỗi đợt thi được tổ chức trong một ngày tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Hiện có 7 trường đại học sư phạm lớn về cơ bản thống nhất sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển gồm: Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Vinh, Trường đại học Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Quy Nhơn và Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với hai đợt thi vào tháng 4 và tháng 6/2023. Trong tháng 1, trường sẽ công bố chi tiết về kỳ thi và có thông tin chính thức về một số trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thống nhất quyết định công nhận chéo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Theo đó, thí sinh muốn xét tuyển vào trường này có thể sử dụng kết quả của thi kỳ thi của trường kia và ngược lại.