Sau Tết, nhiều người đối mặt với phiền toái vì căn bệnh cực kỳ dễ mắc
Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người đã phải đối mặt với tình trạng phiền toái của bệnh lý tiêu chảy cấp. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần chủ động chăm sóc sức khỏe và đến bệnh viện sớm nếu không kiểm soát được tình trạng tiêu chảy.
Thời gian học đã chính thức bắt đầu được 2 ngày sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán nhưng em H.L.N.S. (học sinh lớp 7, ngụ tại quận 8, TPHCM) chưa thể đến trường vì bị tiêu chảy cấp . Chị H.H. mẹ của bệnh nhi đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau khi S. có biểu hiện đi cầu liên tục hơn 10 lần trong ngày kèm theo tình trạng đau bụng, nôn ói . Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị viêm ruột, rối loạn tiêu hóa.
Theo bệnh sử, trong những ngày Tết S. đã ăn uống "thả ga" với những món chứa nhiều dầu mỡ, chất béo. Đỉnh điểm của những yến tiệc linh đình là bữa ăn bánh hamberger kèm nhiều món ngon khác tối ngày mùng 5 Tết và S. đã rơi vào tình trạng nôn ói, đau bụng tiêu chảy mất kiểm soát.
Một trường hợp khác là anh T.N.L. (45 tuổi), ngụ tại quận 7, TPHCM. Anh cho biết, chuyến về quê ăn Tết vừa qua với anh là một đợt bão tố. “Tôi cùng vợ con về Huế đón năm mới cùng gia đình. Lâu ngày mới về quê nên ngày nào cũng ăn uống linh đình với các món bổ dưỡng. Gần như nhà nào chiêu đãi món gì tôi cũng thưởng thức từ món nhiều dầu mỡ đến rau sống, gỏi… Trước khi lên chuyến bay vào lại TPHCM, tôi bị tiêu chảy cấp. Không thể hoãn và hủy chuyến bay nên tôi vừa di chuyển vừa phải liên tục chạy vào toilet vì tiêu chảy. Đến hôm nay (mùng 7 Tết) bệnh vẫn chưa hết hoàn toàn”.
Từ thực tế tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân bị tiêu chảy dịp Tết vừa qua TS.BS Võ Hồng Minh Công, Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM cho biết, tiêu chảy là bệnh lý tiêu hóa nhiều người gặp phải trong dịp Tết do những thay đổi trong chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và các yếu tố môi trường. Tiêu chảy ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt cho người bệnh.
Theo TS.BS Minh Công, nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy là do dịp Tết người bệnh sử dụng nhiều món ăn dầu mỡ, thực phẩm để lâu bị nhiễm khuẩn hoặc bảo quản không đúng cách, thức ăn có gia vị cay hoặc uống các đồ uống có cồn, ăn không đúng giờ hoặc thức khuya, tâm lý căng thẳng, lo âu… Các vấn đề trên sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy.
Người bệnh bị tiêu chảy cấp sẽ có các biểu hiện đi cầu phân lỏng hoặc nước, thường xuyên đi vệ sinh trong ngày; đau bụng và đầy hơi; buồn nôn và nôn. Tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước , cơ thể mệt mỏi, khô miệng và tiểu ít.
Để tránh tình trạng trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần duy trì một chế độ ăn uống cân đối. Không nên ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán, thức ăn có nhiều gia vị hay các món ăn khó tiêu hóa. Hãy ưu tiên các món ăn tươi ngon, nhiều rau củ quả để cung cấp đủ chất xơ và vitamin cho cơ thể. Sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, không dùng đồ ăn ối thiu, thức ăn sống, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn. Bên cạnh đó, mỗi người cần chú ý uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, tránh các căng thẳng.
TS.BS Minh Công khuyến cáo, nếu không may gặp phải tình trạng tiêu chảy sau dịp Tết, người bệnh cần chú ý uống dung dịch bù nước, bù khoáng để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi; ăn những món dễ tiêu hóa như cháo, cơm trắng, chuối hoặc khoai tây luộc để giúp dạ dày và hệ tiêu hóa ổn định hơn.