Sau sự ra đi chấn động của Từ Hy Viên, người dân Đài Loan (Trung Quốc) bất ngờ đổ xô đi làm 1 việc
Nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 48 do biến chứng cúm khi đang du lịch Nhật Bản dịp Tết Nguyên đán, gây chấn động dư luận.
Nhu cầu tiêm vắc xin cúm tại Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng mạnh đột biến sau khi nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời do biến chứng liên quan đến cúm. Tính đến thứ Tư (5/2), số liều vắc xin cúm do chính quyền tài trợ còn lại chưa đến 100.000 liều.
Từ Hy Viên, 48 tuổi, qua đời vì viêm phổi sau khi mắc cúm trong chuyến du lịch Nhật Bản dịp Tết Nguyên đán.
Sau khi tin tức về sự ra đi của nữ diễn viên nổi tiếng được công bố hôm thứ Hai (3/2), lần lượt khoảng 40.000 và 73.000 liều vắc xin cúm do chính quyền tài trợ đã được tiêm trong hai ngày tiếp theo, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC).
Trước đó, từ ngày 1 đến 20/1, trung bình mỗi ngày có khoảng 24.700 người tiêm vắc xin cúm miễn phí.
Phó Giám đốc CDC, bà Tseng Shu-huai, cho biết hiện chỉ còn khoảng 90.000 liều vắc xin cúm do chính quyền tài trợ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vắc xin trên toàn Đài Loan vẫn còn khoảng 400.000 liều vắc xin tự chi trả, chưa tính đến lượng dự trữ tại các cơ sở y tế.
Về khả năng nhập thêm vắc xin, bà Tseng cho biết CDC vẫn đang đánh giá tình hình tổng thể.
Ông Chang Feng-yee, Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Đài Loan, cho biết dịch cúm thường bùng phát mạnh vào đầu năm và vào thời điểm này, "đa số những người cần tiêm đã được tiêm vắc xin”.
Tuy nhiên, sau sự ra đi của Từ Hy Viên, nhận thức của công chúng về việc phòng ngừa cúm đã được nâng cao, thúc đẩy nhiều người đi tiêm chủng hơn.
Ông Chang, từng là lãnh đạo CDC, cho biết việc mua sắm vắc xin được thực hiện theo kế hoạch cụ thể, với sự tính toán kỹ lưỡng về nguồn cung và phân phối. Việc mua bổ sung khẩn cấp khó xảy ra, trừ khi có một đợt bùng phát toàn cầu của chủng cúm mới.
Ông cũng nhấn mạnh rằng mùa cúm hiện tại không phải là đợt nghiêm trọng nhất trong vòng một thập kỷ qua và chưa đến mức cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Thông thường, việc phân phối vắc xin sẽ hoàn tất vào thời điểm này trong năm, do đó "rất khó để CDC đặt thêm lô hàng mới”.
Đối với vắc xin tự chi trả, ông Chang cho biết việc tiêm phòng cần có kế hoạch từ sớm. Hầu hết các phòng khám bắt đầu hỏi bệnh nhân có muốn đăng ký trước để tiêm vắc xin cúm từ tháng 9. Nếu không có đăng ký trước, các cơ sở y tế sẽ hạn chế nhập số lượng lớn do lo ngại rủi ro tài chính nếu nhu cầu thấp.
Với những người chưa kịp tiêm vắc xin lần này, ông nhắc nhở rằng vắc xin cúm cần được tiêm nhắc lại hàng năm, và các lô vắc xin mới sẽ có mặt vào khoảng tháng 10. Ông kêu gọi những người chưa tiêm chủng hãy nhanh chóng tiêm phòng ngay khi có vắc xin mới.
Nguồn: Focus Taiwan