Sầu riêng ùn ứ ở Tây Nguyên, doanh nghiệp kiến nghị tiêu thụ thế nào?
Thừa nhận nông sản ùn ứ khó tiêu thụ, đại diện sở, ngành và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên ráo riết huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ. Nhiều ý kiến đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp về vốn đầu tư kho lạnh bảo quản; đẩy mạnh tiêu thụ nội địa...
Chiều 26/8, UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) tổ chức hội nghị về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh sầu riêng. Địa phương này là “thủ phủ” sầu riêng, sản lượng dự kiến thu hoạch năm 2021 từ 40.000 đến 45.000 tấn, chiếm gần 1 nửa tổng sản lượng của tỉnh Đắk Lắk (103.000 tấn).
Ông Nguyễn Văn Dung (thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình ông có 2ha sầu riêng, trong đó 1ha đang cho thu hoạch, dự kiến thu khoảng 20 tấn quả tươi. Tuy nhiên hiện nay, giá sầu riêng giảm nhiều so với năm trước (dao động từ 22.000 đến 28.000 đồng/kg), trong khi năm nay gia đình ông đã đầu tư hơn 200 triệu đồng. Ông Dương kiến nghị UBND huyện tạo điều kiện cho DN thu mua thuận lợi, có phương án hỗ trợ tiêu thụ hết sản lượng còn lại giúp nông dân; về lâu dài cần sự vào cuộc của Nhà nước, nhà khoa học và DN để sớm xây dựng thương hiệu sầu riêng đạt chuẩn chất lượng, tạo cơ chế thuận lợi xuất khẩu ra thế giới.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu Trái Cây Chánh Thu cho biết, vì hàng tồn kho rất lớn nên DN cần nguồn vốn tiếp tục thu mua, bảo quản sầu riêng cho nông dân. Doanh nghiệp này cũng mong muốn nông dân chia sẻ, đồng hành với thương lái vượt qua giai đoạn này.
Bà Vy mong chính quyền tạo điều kiện tiêm vắc-xin COVID-19 sớm nhất cho đội ngũ công nhân thu hái, chế biến, thu mua sầu riêng; các bộ, ngành có cơ chế hỗ trợ, giúp DN tiếp cận sớm nhất với nguồn vốn vay để tái thu mua, dự trữ sầu riêng. Ngân hàng tạo điều kiện cho DN thế chấp tài sản vay vốn bằng chính sản phẩm đang bảo quản trong các kho nông sản…
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, 2 vấn đề chính DN cần là cần kho động lạnh bảo quản và vốn để tái đầu tư, thu mua nông sản cho nông dân. Những vấn đề này, UBND huyện sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Đắk Lắk để sớm có phương án tháo gỡ, kiến nghị các bộ ngành trung ương vào cuộc hỗ trợ.
Về lưu thông hàng hóa, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội DN vận tải Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn có khoảng 30 DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Ông rất mừng khi Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho vận chuyển nông sản.
Thúc đẩy tiêu thụ nội địa
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo nhận định, tổng sản lượng sầu riêng của tỉnh còn lại khoảng 50-60% (tương đương khoảng 50-60.000 tấn quả tươi), chủ yếu là sầu riêng Dona, có chất lượng tốt, thời gian thu hái rải vụ hơn.
“Trước đây, sầu riêng chỉ dành cho xuất khẩu là chính, bây giờ khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiêu thụ nội địa là chính. Nếu giá có hạ xuống ít thì nhiều nhiều người dân sẽ được ăn món quý này và sang năm sẽ mua ăn tiếp”, ông Côn nói.
* Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành vừa thành lập Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong tình hình dịch bệnh hoạt động từ ngày 25/8. Tổ này sẽ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua các sàn thương mại điện tử của Tổng Cty Bưu điện Việt Nam, Tổng Cty Cổ phần Bưu chính Viettel, các trang bán hàng trực tuyến…
* UBND tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản (trong đó có sầu riêng) bằng cách huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thiết lập đường dây nóng 24/24 xử lý dứt điểm các vướng mắc. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 18.000 tấn sầu riêng cần hỗ trợ tiêu thụ.
Ông Côn cho biết, Sở NN&PTNT luôn phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương, Viễn thông để tìm đường tiêu thụ sầu riêng. “Bưu chính tỉnh Đắk Lắk vừa ký hợp đồng tiêu thụ 200 tấn sầu riêng. Nếu sản lượng lớn, một chuyến xe sẽ đi từ một điểm thu hái đến một điểm đổ hàng (đầu ra sản phẩm) thì chỉ 2-3 ngày sản phẩm sẽ đến tay người tiêu dùng. Bưu điện làm phi lợi nhuận nên sẽ nói rõ giá mua tại vườn cộng thêm chi phí hao hụt, vận chuyển đến tay người tiêu dùng”, ông Côn thông tin.
Thực tế theo vị này, có đến 80% lượng sầu riêng đã phải tiêu thụ tại thị trường nội địa, vì xuất khẩu đang gặp khó.
Đưa sầu riêng lên sàn thương mại điện tử
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho hay, cấp đông sầu riêng là giải pháp tình thế mà nhiều đơn vị kinh doanh đang chủ động thực hiện. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể cấp đông hoa quả, vì hình thức này cần tiêu chuẩn, quy định riêng để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Dịch bệnh diễn biến không lường hết được, ông Dương kiến nghị Nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn để đầu tư kho cấp đông, bảo quản trái cây trong đó có sầu riêng.
Theo ông Dương, hầu hết 70-80% sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, nhưng họ đang siết chặt các cửa khẩu vì dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Công thương có thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, đề nghị nới lỏng phần thông quan để vừa chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Ông Dương cho rằng, Bộ Công Thương nên chỉ đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phối hợp các địa phương đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Sở Công Thương Đắk Lắk đã giới thiệu 22 DN tham gia sàn điện tử để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.