TP Hồ Chí Minh: Suôn sẻ "đi chợ hộ" nhưng "bí" khâu phân phối

VTV Digital,
Chia sẻ

Những ngày đầu thực hiện "ai ở đâu ở yên đó"... TP Hồ Chí Minh đã đáp ứng hơn 20% nhu cầu "đi chợ hộ" của người dân và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ.

Hôm qua (26/8) đã bước sang ngày thứ 4 TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao chưa từng có tiền lệ - theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó".

Sức ép việc phải phân phối hàng thiết yếu đến tay gần 9 triệu dân tại thành phố đè nặng lên lực lượng hỗ trợ của chính quyền phường, bởi hầu hết các kênh phụ trợ như điểm bán lưu động, thương mại điện tử hay shipper giao thực phẩm đều đã tạm ngưng hoặc hoạt động cầm chừng.

Trong chuyến kiểm tra công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh trong ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu Thành phố phải tiếp tục đảm bảo cung ứng đầy đủ, thường xuyên, liên tục hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

TP Hồ Chí Minh: Suôn sẻ đi chợ hộ nhưng bí khâu phân phối - Ảnh 1.

Thủ tướng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Báo cáo với Thủ tướng tại buổi kiểm tra hệ thống siêu thị, đại diện Saigon Coop cho biết hiện mỗi ngày hệ thống cung ứng 200 tấn các loại hàng thiết yếu cho gói an sinh xã hội của thành phố. Đơn vị cũng phối hợp với Bộ tư lệnh Vùng 2 - Quân chủng Hải Quân tham gia hỗ trợ vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh miền Tây đến thành phố... nhằm duy trì ổn định hoạt động phân phối hàng hóa, cũng như góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng nông sản.

Đến nay cũng đã có những ghi nhận kết quả đầu tiên giúp chúng ta hình dung cụ thể hơn công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu diễn ra như thế nào. Đặc biệt với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội.

"Đi chợ hộ" suôn sẻ hơn

Một ngày "đi chợ hộ" bắt đầu, từ nhân viên siêu thị, đến hội phụ nữ phường, tổ dân quân tự vệ, bộ đội… đều được huy động đi chợ giúp dân. Là một trong những lực lượng chính "đi chợ hộ", chiến sĩ trẻ này đã dần quen với các công đoạn: từ chọn hàng, kiểm soát đơn đến tính tiền và đi giao hàng.

"Nhiều cái em cũng không có biết là gì, mua làm sao, nhưng cũng cố gắng hết sức để hoàn thành đơn hàng, giao cho người dân", Thượng úy Nguyễn Đình Hải, Đại đội 11, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, Quân khu 7 cho biết.

TP Hồ Chí Minh: Suôn sẻ đi chợ hộ nhưng bí khâu phân phối - Ảnh 2.

Sau ít ngày triển khai, việc "đi chợ hộ" đã suôn sẻ hơn

Quy trình đi chợ thông thường được thực hiện theo các bước: Hộ dân đăng ký trực tiếp hoặc trực tuyến theo tổ dân phố, tổng hợp thông tin lên phường chuyển đến nhà bán lẻ. Hàng được soạn sẵn sau đó chuyển về địa phương và phân phối đến tay người mua.

"Khó ở đây là việc thu thập nhu cầu của người dân trong điều kiện giãn cách. Lực lượng của mình sẽ xuống phát phiếu và người dân có yêu cầu thì đăng ký", bà Lê Thị Thu Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 10, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Các siêu thị cũng chủ động liên hệ địa phương, điều chỉnh bán hàng theo combo với nhiều dải giá khác nhau cho người dân dễ lựa chọn.

"Hệ thống combo tương đối linh hoạt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trong giai đoạn GCXH, giá linh hoạt từ 50 - 500 nghìn đồng", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Nguyên Phương, hiện nay chỉ còn các hệ thống phân phối hiện đại còn hoạt động và hàng hóa của họ đều tham gia chương trình bình ổn, được quản lý nghiêm ngặt về giá. Nên chuyện tăng giá hàng hóa tăng bất thường gần như không có.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày có hơn 70.000 đơn hàng "đi chợ hộ" được thực hiện và sẽ còn tăng trong những ngày tới do lực lượng đi chợ hộ đã dần quen công việc.

"Tắc" ở khâu phân phối

Để chủ động đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến ngày 6/9, tổ công tác đặc biệt ở phía nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có đề xuất lên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ 02 phương án cung ứng thực phẩm - không bao gồm nguồn cung của các siêu thị.

- Phương án thứ 1 lượng thực phẩm đáp ứng được mỗi ngày là hơn 7.600 tấn, trong đó có 4.200 tấn rau củ quả - tương đương 100% nhu cầu của thành phố. Để thực hiện phương án này thì cần có thêm sự trợ giúp vận chuyển của lực lượng xe quân đội.

- Phương án 2 là đáp ứng 50% nhu cầu, tương ứng 3.800 tấn, trong đó có 2.100 tấn rau củ. Thực hiện được chỉ cần lượng xe vận chuyển của các tỉnh là đủ, chưa cần quân đội giúp sức.

Đại diện Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, với chuỗi liên kết có hơn 1.300 đầu mối cung cấp từ các tỉnh, nguồn cung thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh trong 2 tuần tới không lo thiếu. Khâu vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố cũng đã nằm trong tính toán.

Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là khâu phân phối đến tay người dân đang gặp nhiều khó khăn, lượng thực phẩm tiêu thụ từ ngày 23/8 đến nay bị sụt giảm rõ rệt, chưa bằng 1/10 nguồn cung có thể đáp ứng.

"Chúng tôi có 2 đề xuất. Đề xuất thứ nhất là chúng ta nên cấp mã nhận diện cho xe của doanh nghiệp hoặc cơ sở đủ năng lực kinh doanh, để hỗ trợ khâu giao hàng. Cái thứ 2 là chúng ta vẫn siết chặt nhưng cho người dân tự mua hàng theo những gói combo. Combo cơ bản là nông sản 100.000 đồng đến tay người tiêu dùng, và một số combo khác 150.000 - 200.000 đồng, người ta tự thanh toán, tự lựa chọn trên website của tổ công tác hoặc đơn vị kinh doanh", ông Trần Minh Hải - Phụ trách cung - cầu, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất.

Cấn tăng áp dụng công nghệ

Theo báo cáo của Sở Công Thương Thành phố thì trong 2 ngày đầu thực hiện "ai ở đâu ở yên đó", đã có gần 140.000 hộ dân đăng ký đi chợ hộ, trong tổng số gần 2,2 triệu hộ dân của thành phố - tương ứng tỷ lệ gần 7%. Tuy nhiên hiện tỷ lệ đáp ứng nhu cầu chỉ đang ở mức 20%, tức là cứ 5 hộ dân có nhu cầu thì có 1 hộ dân đã được nhận hàng.

Các lực lượng vẫn đang nỗ lực rất lớn để đẩy nhanh tiến độ, nhưng có thể nói sức ép phân phối này sẽ càng lớn hơn khi những ngày tới, lương thực dự trữ vơi dần và người dân sẽ đăng ký nhiều hơn. Việc sớm ứng dụng công nghệ theo nhiều mức độ để đẩy nhanh quy trình phân phối, đang là đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia.

Một hãng gọi xe công nghệ vừa đề xuất với Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh để cung cấp hạ tầng ứng dụng, làm trung gian hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho gần 2 triệu người dân ở những quận, huyện nguy cơ cao và rất cao về dịch bệnh.

Đơn vị hỗ trợ miễn phí để tạo tài khoản cho các nhà cung ứng và lực lượng đi chợ hộ. Người dân đặt hàng qua ứng dụng có thể không dùng tiền mặt và người giao là lực lượng của chính quyền. Điều này có thể giúp tiết giảm đáng kể khâu tổng hợp thông tin trung gian, nhất là với các phường vẫn còn tổ chức đăng ký đi chợ hộ bằng giấy tay.

TP Hồ Chí Minh: Suôn sẻ đi chợ hộ nhưng bí khâu phân phối - Ảnh 5.

Cấn tăng yếu tố công nghệ trong việc phân phối hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh

"Qua 3 ngày đầu triển khai thì khó khăn vướng mắc lớn nhất là thanh toán tiền, chúng tôi giao hàng tới và chính quyền địa phương phải ứng tiền trước để thanh toán, sau đó chính quyền địa phương giao đến dân rồi mới thu tiền lại. Nếu có sự tham gia của công nghệ thì sẽ giảm được trung gian", bà Đoàn Kim Hương - Trưởng Phòng Vận hành, AEON Việt Nam cho biết.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn và chống dịch lâu dài, việc áp dụng công nghệ vào khâu cung ứng hàng hóa để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội cần sớm được tính toán. Đặc biệt khi TP Hồ Chí Minh có độ tiếp cận công nghệ cao.

"Người dân đã có tài khoản, các hình thức thanh toán qua thẻ, lượng nhà cung cấp cũng có rồi. Thì giờ chỉ cần một đầu mối cơ quan nhà nước đứng ra làm việc trực tiếp với các nền tảng công nghệ. Cử ra một tổ chỉ huy, đưa thêm vai trò của doanh nghiệp công nghệ vào giải bài toán cung ứng hàng theo tôi là hoàn toàn khả thi", ông Huỳnh Phước Nghĩa - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Giải pháp F&B, Haravan, bước đầu có thể chỉ là nơi để kết nối, để người dân có thông tin rõ ràng hơn để đặt hàng. Đồng thời tổ đi chợ họ có công cụ giúp thuận tiện hơn trong vấn đề quản lý đơn hàng. Khi đã thành công, có lòng tin ở mức độ này rồi thì mình sẽ mở rộng hơn.

Chuyên gia cũng cho rằng, dù áp dụng công nghệ ở mức độ nào, thì để thành công vẫn cần nhất sự quyết tâm và chấp nhận thay đổi của người đứng đầu và lực lượng thực thi. Không có được điều này, đôi khi còn lợi bất cập hại.

Đến cuối tuần này, nhu cầu rau xanh và thịt cá tươi tại TP Hồ Chí Minh sẽ tăng mạnh do một phần người dân dần hết lượng thực phẩm đã dự trữ từ trước đó. Đây là dự báo từ Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn. Áp lực lên khâu phân phối hàng với lực lượng hỗ trợ đang ngày càng lớn. Đòi hỏi những cách tổ chức cung ứng hàng chủ động, linh hoạt hơn từ phía chính quyền để việc cung ứng hàng thiết yếu đến dân không bị đứt gãy, trong thời điểm đặc biệt khó khăn này.

Chia sẻ