Sau nụ hôn vướng víu, chàng trai dọa chia tay vì nghĩ rằng bạn gái lén đi bấm khuyên lưỡi nhưng nguyên nhân thực sự lại đau lòng hơn nhiều
Vì nụ hôn vướng víu với bạn gái và phát hiện "dị vật" trong miệng nên anh đinh ninh cho rằng cô đã lén anh đi bấm khuyên lưỡi.
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan, khoa tai mũi họng, bệnh viện Taichung Armed Forces General Hospital, chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nữ (18 tuổi) là cô Liễu sống tại Đài Loan.
Cô Liễu và bạn trai mới yêu nhau hơn 1 tháng. Bạn trai cô Liễu là người có tư tưởng truyền thống, anh cấm bạn gái hút thuốc và xăm hình. Dạo gần đây, vào ngày sinh nhật của cô Liễu, cả hai đã trao nhau một nụ hôn đắm đuối. Tuy nhiên, vài giây sau, bạn trai lập tức đẩy cô Liễu và dọa chia tay, anh mắng xối xả: "Em đúng là kiểu phụ nữ ngang bướng, anh cấm em đi xăm hình nên em phản kháng bằng cách đi bấm khuyên lưỡi đúng không?"
Hóa ra, vì nụ hôn vướng víu với bạn gái và phát hiện "dị vật" trong miệng nên anh đinh ninh cho rằng cô đã lén anh đi bấm khuyên lưỡi. Nhưng thực chất, cô Liễu không hề bấm khuyên lưỡi, mà thật ra lưỡi của cô có khối u tròn tạo cảm giác vướng víu trong miệng. Ngay từ nhỏ, cô Liễu đã phát hiện có khối u trong miệng, khi đánh răng niêm mạc của khối u bị vỡ và chảy máu nhưng cô không đến bệnh viện khám. Khi ăn uống, cô Liễu có cảm giác vướng trong họng, mãi đến khi bạn trai giận dữ đòi chia tay và khối u ngày càng lớn gây cảm giác buồn nôn thì cô Liễu mới nhận thức tính nghiêm trọng của vấn đề.
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan cho biết: "Kết quả khám cho thấy gốc lưỡi của bệnh nhân xuất hiện 2 khối u dính với nhau, kích thước khoảng 3cm, được chẩn đoán là bệnh ung thư lưỡi. Theo tài liệu y khoa, bệnh nhân mắc bệnh ung thư lưỡi trên toàn cầu thường có kích thước khối u khoảng 2cm, khối u của cô Liễu có kích thước là 3cm khiến tôi rất kinh ngạc".
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan cho biết, trường hợp của cô Liễu, bên ngoài khối u có màu hồng, bên trong có màu trắng và cứng. Sau khi thực hiện gây mê toàn thân, bác sĩ đã tiến hành loại bỏ khối u kích thước 3cm ra khỏi lưỡi bệnh nhân.
Ung thư lưỡi là gì?
Ung thư lưỡi là một bệnh lý ác tính rất nguy hiểm thường gặp ở vùng miệng-lưỡi. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, và dễ bị bỏ sót. Chỉ khi bệnh đã diễn tiến nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân bệnh ung thư lưỡi
Hiện nay, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của ung thư lưỡi là gì. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là nguy cơ của ung thư lưỡi:
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều bia rượu.
- Nhai trầu.
- Vệ sinh răng miệng kém.
- Thiếu dinh dưỡng: Thiếu các vitamin A, D, E; thiếu sắt;...
- Vi sinh vật: Vi khuẩn có thể trực tiếp tác động làm thay đổi gen hoặc gián tiếp gây viêm, dẫn đến việc phát sinh ung thư lưỡi. Virus HPV được cho là yếu tố nguy cơ của ung thư lưỡi.
Triệu chứng bệnh ung thư lưỡi
Giai đoạn đầu
Bệnh nhân có cảm giác khó chịu ở vùng lưỡi: cảm giác này giống như có dị vật hay xương cá cắm vào lưỡi, nhưng chỉ thoáng qua.
Có khối gồ nổi lên bề mặt lưỡi: màu sắc thay đổi, niêm mạc trắng, tổn thương, rắn, có thể ở dạng xơ hóa hoặc loét nhỏ.
Hạch cổ: có thể gặp ở một số bệnh nhân ung thư lưỡi trong giai đoạn đầu của bệnh.
Giai đoạn toàn phát
- Đau lưỡi: Đây là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn toàn phát. Đau liên tục, và đau tăng khi bệnh nhân nói hoặc nhai, đặc biệt là ăn thức ăn cay, nóng. Thỉnh thoảng, đau có thể lan lên tai.
- Tăng tiết nước bọt.
- Chảy máu vùng miệng: máu hòa vào nước bọt, và khi nhổ ra nước bọt có màu đỏ.
- Hơi thở có mùi khó chịu: do tổ chức ung thư hoại tử.
- Khó nói, khó nuốt: Do lưỡi bị cố định, khít hàm.
- Nhiễm khuẩn: Bệnh nhân sốt, mệt mỏi, chán ăn.
- Sụt cân: Do tổn thương bệnh lý và do không ăn được.
- Khám lưỡi thấy ổ loét hoặc nhân lớn ở lưỡi: Ổ loét phát triển và lan rộng nhanh làm giới hạn vận động của lưỡi; bên ngoài ổ loét có giả mạc nên dễ chảy máu. Có thể không thấy ổ loét mà thay vào đó là một nhân lớn đội lớp niêm mạc lưỡi nhô lên, trên bề mặt niêm mạc có những lỗ nhỏ mà khi ấn vào có chất dịch màu trắng chảy ra, chứng tỏ có tình trạng hoại tử bên dưới.
Giai đoạn tiến triển
Bệnh diễn tiến nhanh theo chiều hướng xấu. Thể loét chiếm ưu thế ở giai đoạn này, loét ăn sâu vào bên dưới và lan rộng ra xung quanh, khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, dễ bị chảy máu và bội nhiễm. Tổn thương hoại tử nhiều nên thường có mùi hôi.
Ung thư lưỡi giai đoạn cuối
- Sụt cân nhanh: Dấu hiệu này có thể cho thấy bệnh đang trở nặng.
- Mệt mỏi: Trong giai đoạn cuối, bệnh nhân mệt mỏi thường xuyên hơn.
- Rối loạn tiêu hóa: Ăn mau no, đầy hơi, chướng bụng sau ăn, buồn nôn, rối loạn đại tiện, phân lẫn máu,...
Sốt kéo dài: Có thể báo hiệu một tình trạng xấu trên bệnh nhân.
- Hạch di căn: Hay gặp là hạch dưới cằm, hạch dưới hàm, hiếm khi di căn hạch cảnh giữa và dưới.
- Tổn thương lưỡi: Thường ở bờ tự do của lưỡi (80%), đôi khi có thể thấy ở các vị trí khác như mặt dưới lưỡi (10%), mặt trên lưỡi (8%), đầu lưỡi (2%).
Theo Ettoday