Sau lá đơn kiến nghị bỏ Hội phụ huynh học sinh của ông bố gây sốt, nhiều phụ huynh tranh luận gay gắt
Nhận thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc lót sàn gỗ cho con, không những không đồng ý với cách bày vẽ thu tiền này, mới đây anh Võ Quốc Bình còn gửi đơn kiến nghị loại bỏ Hội phụ huynh học sinh. Lá đơn của anh nhận được rất nhiều tranh luận từ các bậc cha mẹ khác.
"Hội phụ huynh chỉ thu tiền"
Hàng năm, cứ đến năm học mới, các ông bố bà mẹ lại đau đầu với những khoản thu không biết từ đâu rơi xuống từ việc mua sách vở, giáo trình đến quỹ lớp, quỹ hội, thậm chí những khoản phát sinh ngoài ý muốn mà hội phụ huynh đề xuất. Không ít người phải cắn răng chịu đựng làm theo yêu cầu từ hội phụ huynh với mong muốn cho con mình không thua kém bạn bè trong lớp.
Thư ngỏ xin quyên góp tiền lót sàn gỗ gây nóng trên cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, việc một ông bố ở TP.HCM đăng lên mạng xã hội bày tỏ bức xúc về Hội phụ huynh học sinh của lớp 3/2, trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TPHCM) viết thư ngỏ xin phụ huynh lót sàn gỗ cho học sinh ngủ trưa đã tạo ra làn sóng tranh luận gay gắt.
Đáp trả lại thư ngỏ từ phía hội phụ huynh của lớp, anh Võ Quốc Bình viết rõ ràng chữ "KHÔNG ĐỒNG Ý" và cho rằng "Hội phụ huynh học sinh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ" mà vẽ ra các khoản tiền để bắt các bậc cha mẹ đóng cho con.
Trường tiểu học Hòa Bình, nơi ông bố bức xúc khi đề ra việc quyên góp để lót sàn gỗ cho con.
Chưa dừng lại ở đó, anh Bình còn viết đơn kiến nghị gửi thẳng lên Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP.HCM với mong muốn loại bỏ Hội phụ huynh học sinh vì cho rằng hội này đã biến tướng, hiện nay đang học động với mục tiêu "Hội phụ thu học sinh" để thực hiện "BOT học đường", có những khoản thu không thể chấp nhận được chứ không có lợi ích gì khác.
Đồng ý kiến với anh Bình, chị Phạm Thị Cẩm (ngụ Gò Vấp) có con đang học lớp 2 tại đây cho biết hội phụ huynh chỉ thấy xuất hiện khi có vận động bố mẹ đóng tiền cho các con, còn lại không có hoạt động nào khác.
Cứ mỗi năm đến khai giảng, nhiều ông bố bà mẹ lại bày tỏ quan ngại về vấn đề các khoản thu của trường.
"Hội phụ huynh cứ bảo đưa ý kiến ra để tham khảo, mang tính tự nguyện, không ép buộc nhưng có bố mẹ nào lại dám phản đối đâu. Phần thì mọi người sĩ diện, mặt khác nếu lỡ ý kiến mà đơn độc thì chỉ bị ghét thêm, con cái đi học bị chèn ép thì khổ. Nên cứ thế bấm bụng mà cho qua, ai đóng gì thì mình theo thôi", chị Cẩm bày tỏ.
Nói về chức năng hoạt động của Hội phụ huynh, không ít ông bố bà mẹ thẳng thắn cho rằng ngoài chức năng đi vận động quyên góp, bàn bạc xem mua cái này, cái khác, đóng quỹ thưởng, liên hoan cuối năm ra sao… thì không có một hoạt động đáng kể nào giúp các em học tốt hơn.
"Mỗi lần đi họp phụ huynh, nhận thư ngỏ của hội chỉ xoay quanh vấn đề thay đổi bàn ghế, mua bảng tương tác, góp tiền thưởng cuối năm… Cứ đề ra rồi nói tự nguyện, lấy ý kiến số đông thì cũng chỉ là hình thức. Nhiều khoản thu không hợp lý, đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện để lo lắng mọi thứ tốt nhất cho con. Mà đại diện hội phụ huynh hầu hết là các ông bố, bà mẹ khá giả, nên họ cứ vẽ ra biết bao nhiêu là thứ trên trời dưới đất bắt mọi người phải nghe theo. Trong khi mục đích chính của con mình đến lớp vẫn là học tập, việc liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh cũng riêng lẻ, đâu nhất thiết phải cần đến hội phụ huynh?", chị Trần Thị Tuyết Hồng (ngụ Thủ Đức) bức xúc.
Nên thay đổi cách hoạt động có lợi cho học sinh
Khi hỏi đến việc giữ lại hay bỏ Hội phụ huynh học sinh, đa số các bậc cha mẹ đều cho rằng trong quá trình hoạt động, hội phụ huynh cũng có một số đóng góp đáng kể cho phong trào học tập của các con. Tuy nhiên, cần phải thay đổi một số điểm để hoạt động hiệu quả hơn, không mang tính áp đặt hay bắt buộc nữa.
Ngoài vai trò cầu nối, Hội phụ huynh vẫn giúp ích rất nhiều cho các em học sinh được tham gia hoạt động ngoại khóa.
Anh Nguyễn Tấn Lợi có con học trường tiểu học Lương Thế Vinh (Gò Vấp) cho biết, việc duy trì hoạt động của Hội phụ huynh học sinh là cần thiết bởi ngoài hoạt động học tập, con trẻ cũng cần nhiều hoạt động ngoại khóa kết hợp để rèn luyện kỹ năng. Hội phụ huynh hoạt động sẽ là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường, khi có việc trong lớp xảy ra cũng dễ dàng ứng biến hơn.
"Tôi thấy quan trọng nhất vẫn là cách Hội phụ huynh đó hoạt động như thế nào, có hợp lý hay không chứ không nên nhìn vào một hai sự việc lẻ tẻ mà bác bỏ mọi đóng góp của Hội phụ huynh dành cho học sinh. Tôi ví dụ, nếu có một trường hợp học sinh đau ốm, bệnh tật hay một gia đình gặp khó khăn, Hội phụ huynh chính là cầu nối giữa nhà trường với gia đình, chỗ dựa, động viên vững chắc cho các em học sinh tiếp tục đến trường. Chưa kể hiện nay một số hội phụ huynh ở các trường, lớp hoạt động tích cực, mang lại kết quả chung cho tất cả các em", anh Lợi bày tỏ.
Mỗi năm, Hội nghị PHHS lại được tổ chức với rất nhiều khoản thu.
Chia sẻ về trường hợp ông bố ở quận 1 gửi đơn kiến nghị đòi loại bỏ Hội phụ huynh, anh Lợi thẳng thắn nói: "Tôi rất đồng cảm với ông bố trên khi có những khoản thu không hợp lý mà hội phụ huynh can thiệp vào. Nhưng việc loại bỏ hội là không cần thiết mà tốt nhất là nên thay đổi. Cụ thể, hội phụ huynh chỉ nên can thiệp vào các công việc học tập, vui chơi, thăm hỏi các em học sinh trong lớp, đừng nên lún quá sâu vào các khoản thu, cơ sở vật chất của các em, như vậy sẽ khiến nhiều phụ huynh bức xúc".
Đồng quan điểm với anh Lợi, chị Phạm Thị Mai Hương có con học trường tiểu học Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) cho biết, để Hội phụ huynh hoạt động hiệu quả, việc minh bạch tài chính về các khoản thu, chi trong năm học cần được làm một cách kỹ lưỡng, tránh sự nghi ngại lẫn nhau giữa các bậc phụ huynh.
"Tôi nghĩ việc tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm nên phải cẩn trọng trong việc thu tiền và sử dụng số tiền mà các phụ huynh khác đóng góp để sử dụng vào mục đích chung của lớp. Nếu có một việc cần kêu gọi, không nên thu theo cách bổ đầu mà nên vận động tự nguyện, tránh thu các cháu có hoàn cảnh khó khăn và việc làm này phải được giữ bí mật để các cháu không mặc cảm về chính mình. Nhưng tốt nhất, các khoản thu của Hội phụ huynh chỉ liên quan đến hoạt động của trẻ, đừng dính vào cơ sở vật chất của trường, lớp làm gì", chị Hương cho biết.
Nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nên duy trì Hội phụ huynh nhưng cần phải thay đổi 1 số điểm.
Nói về việc những người tham gia trực tiếp quản lý trong Hội phụ huynh, chị Nguyệt (quận Bình Thạnh) cho biết tâm lý chung của những ông bố, bà mẹ làm trong Hội phụ huynh là học đòi theo những người khác. Thấy lớp khác, trường khác có gì mới lại bày vẽ để thực hiện trong lớp mình. Tuy nhiên đâu phải bố mẹ nào cũng có điều kiện để chạy theo nhu cầu ấy nên mới dẫn đến ý kiến trái chiều.
"Hội phụ huynh cần phải thay đổi, nhất là ở những người tham gia vào việc quản lý hội phụ huynh. Không nên chọn Hội phụ huynh dựa vào việc người đó có thu nhập cao, địa vị xã hội mà nên công bằng cho mọi người tham gia cử một đại diện. Có như vậy khi đưa ra một kế hoạch nào cũng hợp tình, hợp lý, không còn kiểu tôi nói anh phải nghe nữa. Nếu duy trì không tốt thì bỏ cũng được", chị Nguyệt nói.