Sau kì thi quốc gia, hàng loạt các bậc phụ huynh Trung Quốc dắt tay nhau ra tòa... ly dị
Khi kì thi quốc gia của Trung Quốc (được gọi là ‘gaokao’) đã kết thúc, tỉ lệ ly dị của các cặp vợ chồng tại đất nước này tăng vọt đột biến. Đây không phải là một điều quá đỗi ngạc nhiên, vì thậm chí còn có hẳn một “hội ly dị sau gaokao” dành cho các cặp vợ chồng sau khi “đường ai nấy đi”.
Những gia đình chỉ đợi để... ly dị
Kể từ khi kì thi quốc gia kết thúc, rất nhiều gia đình tại Trung Quốc xếp hàng đợi đến lượt mình để lấy hồ sơ ly dị. ‘Gaokao’ - kì thi tuyển sinh đại học cấp quốc gia, là một thời điểm quan trọng đối với nhiều gia đình. Vì tính chất đầy áp lực và căng thẳng, các bậc phụ huynh đành hoãn lại cuộc ly hôn của mình để con cái của họ có thể tập trung cao độ nhất cho kì thi này.
Nói rõ hơn một tí về ‘gaokao’, đây là một cuộc thi tiên quyết dành cho các sinh viên cuối cấp trung học phổ thông để tuyển chọn các sinh viên tại các trường đại học của Trung Quốc. Số điểm càng cao đồng nghĩa với việc các bạn học sinh sẽ được học tại một môi trường học tập tốt hơn và có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn cho tương lai.
Kể từ khi kì thi quốc gia kết thúc, mọi người xếp hàng đợi đến lượt mình để lấy hồ sơ ly dị
Và chính vì tác động to lớn của cuộc thi này, ‘gaokao’ là thời điểm căng não nhất đối với các bạn thí sinh cũng như các bậc phụ huynh. Theo hãng truyền thông Trung Quốc Global Times, các bậc cha mẹ không muốn “tích tụ” thêm bất kì nguồn năng lượng tiêu cực nào vào tâm trí con cái của mình. Do đó, họ tạm hoãn lại cuộc ly hôn của mình vì những đứa con.
Một lí do khác khiến các bậc phụ huynh trì hoãn vấn đề ly dị có lẽ nằm ở việc họ hoàn toàn cảm thấy hoàn thành trách nhiệm làm cha làm mẹ chỉ sau khi kì thi ‘gaokao’ đầy khắc nghiệt.
Đây là thời điểm khép lại cánh cửa trung học phổ thông và mở ra một sự khởi đầu mới mẻ trong cuộc sống của con. Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiều người mang thái độ đầy tiêu cực khi nhìn nhận vấn đề ly hôn tại đất nước này - nơi mọi người vẫn quan niệm rằng “một lần làm vợ chồng thì cả đời phải bên nhau” dù họ có không hạnh phúc như thế nào đi chăng nữa.
Theo hãng truyền thông Trung Quốc Global Times, các bậc cha mẹ không muốn "tích tụ" thêm bất kì nguồn năng lượng tiêu cực nào vào tâm trí con cái của mình
Con cái cũng muốn cha mẹ mau kết thúc "cuộc sống giả tạo"
Năm nay cũng chẳng phải là một năm ngoại lệ trong vấn đề bùng nổ ly hôn sau kì thi quốc gia của Trung Quốc. Sự phổ biến của vấn đề này rộng rãi đến độ có hẳn một thuật ngữ để ám chỉ những cặp vợ chồng sau khi ly hôn - “hội ly dị sau gaokao”.
Trang Baidu - một phiên bản Trung Quốc của Wikipedia, giải thích hiện tượng này như một xu hướng ngày càng tăng mạnh và lan rộng. Các cặp vợ chồng tại đây ly dị nhiều nhất vào từ khoảng cuối tháng Sáu đến tháng Chín.
Dù vậy, các bậc con cái cũng không thoát khỏi sự áp lực khi biết được cha mẹ của mình dù đang không hạnh phúc nhưng vẫn phải gắng gượng để ở bên nhau vì mình. Nguyên nhân xuất phát từ những bình luận “vì con cái” trên các trang mạng khi bàn về chủ đề ly hôn sau ‘gaokao’ này.
Một bình luận trên Weibo phản pháo: “Nếu chẳng còn mặn nồng bên nhau, hà cớ gì phải gượng ép một cuộc sống đầy giả tạo như thế?”. “Liệu đứa con có cảm thấy hạnh phúc và có thể tập trung hay không khi biết rằng cha mẹ đang vì mình mà phải như thế?”, một bình luận khác cho hay.
Một bình luận trên Weibo phản pháo: "Nếu chẳng còn mặn nồng bên nhau, hà cớ gì phải gượng ép một cuộc sống đầy giả tạo như thế?"
Một số người thậm chí còn lên án những vụ ly hôn sau khi đã sống bên nhau được một khoảng thời gian dài. “Chuyện gì đang xảy ra trong xã hội này thế? Người ta đang tìm kiếm một người “phù hợp” hơn khi đã chọn một người “phù hợp” để sống chung trước đó?”
Trong hàng ngàn những dòng bình luận, có lẽ nổi bật nhất là một câu nói của đứa trẻ có cha mẹ trong hội ly dị sau ‘gaokao’: “Là một đứa con của gia đình đổ vỡ, tôi nghĩ rằng mình nên nói lên một điều: Nếu muốn ly hôn, hãy cứ làm ngay đi, đừng vịn cớ ‘vì con cái’ nữa”.
Nguồn: Whatsonweibo