Sau khi nhà Thanh sụp đổ, hoàng tộc Ái Tân Giác La đã đi đâu?
Sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ, hóa ra hoàng tộc Ái Tân Giác La không bị tận diệt. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ 21, những thông tin về gia tộc quyền quý này mới dần được hé mở.
Nhà Thanh chính là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Triều đại kéo dài gần 300 năm này do Ái Tân Giác La, một dòng họ Mãn Châu thống trị.
Theo thống kê điều tra dân số, Mãn Châu là một trong những dân tộc thiểu số đông dân nhất ở Trung Quốc, với 10,38 triệu người, chỉ sau dân tộc Choang và Hồi. Người Mãn Châu chủ yếu tập trung sinh sống nhiều nhất ở Liêu Ninh và Hà Bắc (Trung Quốc).
Vậy, sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ năm 1912 với vị hoàng đế cuối cùng là Phổ Nghi, những người được cho là hậu duệ của gia tộc Ái Tân Giác La đã đi đâu?
Trong tiếng Mãn Châu, từ "Ái Tân" có nghĩa là vàng. Đây có thể là nguyên nhân một số hậu duệ của nhà Thanh sau đó đổi thành họ Kim.
Một số học giả ước tính rằng, vào thời Tuyên Thống (niên hiệu của Phổ Nghi khi là hoàng đế Đại Thanh), tổng số thành viên của gia tộc Ái Tân Giác La không dưới 400.000 người.
Vậy, hơn 100 năm sau khi nhà Thanh sụp đổ, vì sao hiện nay có rất ít người mang họ Ái Tân Giác La? Hậu duệ của gia tộc cao quý này đã đi đâu?
Trên thực tế, sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ, do lo sợ gặp rắc rối, đồng thời để hòa nhập với thời đại mới, nhiều thành viên của gia tộc Ái Tân Giác La đã thay tên đổi họ và sống lưu lạc khắp nơi. Để giữ kín bí mật về gia thế danh gia vọng tộc, hầu hết con cháu của Ái Tân Giác La đều đổi thành họ Kim và họ Triệu. Một số ít thì đổi sang các họ khác của người Hán.
Tuy nhiên, đến thế kỷ 21, nhiều người thuộc hậu duệ của dòng họ Ái Tân Giác La đã bắt đầu đổi lại tên họ để chứng minh họ thuộc dòng dõi cao quý của nhà Thanh.
Phát hiện ngôi làng hậu duệ của dòng họ Ái Tân Giác La
Theo một cuộc khảo sát và nghiên cứu của Đại học Vân Nam về các làng dân tộc thiểu số của Trung Quốc vào năm 2003, cuối cùng các chuyên gia cũng tìm thấy một ngôi làng là nơi sinh sống tập trung của hậu duệ hoàng tộc nhà Thanh ở khu vực miền núi phía đông tỉnh Liêu Ninh.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dân ở ngôi làng này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi đặc điểm di truyền và nghi thức truyền thống của hoàng tộc nhà Thanh. Cụ thể, nhóm nghiên cứu từ Đại học Vân Nam đã tiến hành thu thập các mẫu máu từ ngôi làng này và thành lập "ngân hàng gene" dân tộc thiểu số đầu tiên của Trung Quốc.
Ngoại trừ các đặc điểm về di truyền, người trong ngôi làng này còn rất coi trọng đạo đức gia đình, lễ tiết gia phong.
Đương nhiên những người hậu duệ của họ Ái Tân Giác La này cũng rất coi trọng việc giáo dục văn hóa. Những đứa trẻ trong làng đều phải học "Tam Tự Kinh" và "Bách Gia Tính" ngay từ khi còn nhỏ.
Từ những phát hiện trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy các phong tục truyền thống của nhà Thanh vẫn được duy trì và gìn giữ tại ngôi làng này.
Theo những người dân trong làng kể lại, hậu duệ trực tiếp của hoàng tộc Ái Tân Giác La chủ yếu hiện sinh sống ở ba tỉnh Đông Bắc (Trung Quốc). Ngoại trừ các hoạt động nghi lễ quan trọng, hầu như không có sự tiếp xúc nhiều giữa các nhánh hậu duệ này.
Vùng Đông Bắc là "nơi khởi phát" của triều đại nhà Thanh, đồng thời là quê hương của người Mãn Châu. Do đó, sau khi nhà Thanh sụp đổ, khoảng 70.000 thành viên hoàng tộc Ái Tân Giác La đã trở về quê hương ở vùng Đông Bắc, thay tên đổi họ va trở thành dân thường. Từ hoàng thân quốc thích với hoàng đế, nhiều người họ Ái Tân Giác La đã trở thành nông dân, làm ruộng để kiếm sống.
Tuy nhiên, thực tế cũng có một số thành viên hoàng tộc của nhà Thanh lại lựa chọn di cư ra nước ngoài để có cuộc sống ổn định và giàu sang. Đơn cử như việc sau khi Phổ Nghi được người Nhật ủng hộ trở thành Hoàng đế của Đại Mãn Châu Đế quốc, những người họ hàng thân thích đã lợi dụng mối quan hệ để cùng gia đình di cư sang Nhật Bản. Những người giàu có hơn thì chọn di cư sang Mỹ và một số nước châu Âu.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Toutiao, Baidu