Tự do bay nhảy nhưng vẫn muốn có con, nhiều phụ nữ độc thân thực hiện biện pháp "câu giờ"
Ngày càng nhiều phụ nữ muốn thực hiện phương pháp trữ đông trứng cho nhu cầu sinh con sau này.
“Chúng ta nên làm điều đó ở đâu? Tôi muốn Đài Loan hoặc Bangkok”, bạn của Julienne C. Raboca viết trong nhóm chat. Cuộc nói chuyện rôm rả như thể các cô gái đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch thú vị vào dịp cuối tuần.
Nhưng không phải, họ đang tính xem đi đâu để TRỮ ĐÔNG TRỨNG.
5 năm trước, nhóm 3 người bạn của Julienne C. Raboca đã cố gắng lên kế hoạch cho một chuyến đi bộ đường dài đến Kumano Kodo, Nhật Bản, nhưng ý định đó không bao giờ thành hiện thực. Giờ đây, cuối cùng, họ có thể sẽ được đi du lịch cùng nhau. Nhưng không phải là du lịch đúng nghĩa, mà để dành 2 tuần tại một cơ sở hỗ trợ sinh sản.
Xu hướng cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ trên khắp châu Á xem xét việc đông lạnh trứng để "câu giờ" cho họ theo đuổi các mục tiêu cá nhân và sự nghiệp trước khi làm mẹ.
Bất chấp việc dân số đang giảm mạnh ở nhiều quốc gia trong khu vực, các chính phủ vẫn từ chối dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với việc đông lạnh trứng. Trong khi hầu hết các nước phương Tây đã "bật đèn xanh" cho phụ nữ về việc này từ khoảng 10 năm trước.
Trong năm 2023 này, Singapore bắt đầu cho phép phụ nữ độc thân từ 21 đến 35 tuổi được phép trữ đông trứng. Trước đó, thủ tục này chỉ được cho phép vì lý do y tế.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và đông lạnh trứng phần lớn vẫn bị cấm đối với phụ nữ chưa kết hôn, mặc dù dân số nước này đã giảm vào năm 2022 - lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Vào tháng 8 năm 2021, Hồ Nam trở thành tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc cho phép thực hiện phương pháp đông lạnh trứng hay còn gọi là bảo quản lạnh tế bào trứng cho phụ nữ độc thân.
Điều tương tự cũng xảy ra với các quốc gia như Thái Lan và Malaysia, cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng. Trong khi đó, Hàn Quốc và Hong Kong - 2 nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - cho phép phụ nữ độc thân đông lạnh trứng, nhưng cấm sử dụng chúng để thụ tinh trong ống nghiệm nếu chưa kết hôn.
Chi phí đông lạnh trứng có thể rất khác nhau tùy nơi. Tại Singapore và Hong Kong, bạn có thể phải trả ít nhất 10.000 USD (tương đương 234 triệu đồng). Tuy nhiên, có một số lựa chọn hợp lý hơn trong khu vực, chẳng hạn như ở Indonesia, Thái Lan và Đài Loan, nơi giá có thể dao động từ 3.000 đến 6.000 USD (70 đến 140 triệu đồng).
Ngoài ra, sau khi trứng được lấy và đem đi đông lạnh, còn mất chi phí bảo quản. Các khoản phí này có thể dao động từ vài trăm đến vài nghìn đô la mỗi năm, tùy thuộc vào giá của từng cơ sở trữ đông và địa điểm. Nhưng chi phí lớn nhất là phương pháp điều trị IVF, dao động khoảng 15.000USD (350 triệu đồng).
Julienne C. Raboca kể: "Năm 2011, tôi từ Philippines sang Hong Kong, 2 nơi mặc dù có khoảng cách địa lý gần nhau nhưng lại nằm ở 2 thái cực đối lập của tỷ lệ sinh. Tôi sắp bước sang tuổi 35 và hầu hết những người bạn thời thơ ấu của tôi ở Manila (Philippines) giờ đã kết hôn và có con, dù có những người mới cách đây vài năm còn nói với tôi rằng họ chưa sẵn sàng sinh nở. Ở Hong Kong, tôi có thể nói rằng hơn một nửa số phụ nữ bằng tuổi tôi vẫn chưa có con; trung bình phụ nữ Hong Kong trì hoãn mang thai lâu nhất trên thế giới".
Con số ấn định
Tại sao là tuổi 35?
Singapore có lý do để đưa 35 tuổi làm giới hạn tuổi cao nhất để đông lạnh trứng. Theo một nghiên cứu mới được thực hiện ở Trung Quốc và được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Sản phụ khoa, phụ nữ trên 35 tuổi có khả năng sinh con nhờ đông lạnh trứng thấp hơn gần 45% so với phụ nữ từ 30 đến 34 tuổi. Theo một cách nào đó, các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia như Singapore dường như đang khuyến khích phụ nữ đông lạnh trứng trước khi việc này gây lãng phí thời gian, năng lượng và tiền bạc.
Nghiên cứu tương tự khuyến nghị phụ nữ nên đông lạnh trứng trước 35 tuổi, dựa trên dữ liệu lâm sàng của 78 bệnh nhân. "Chúng tôi đề xuất số lượng trứng đông lạnh nên vào khoảng 15 quả ở phụ nữ dưới 35 tuổi", nghiên cứu nói. Đối với trường hợp trên 35 tuổi, các nhà nghiên cứu khuyến nghị số lượng trứng đông lạnh trên 21 quả.
Hành trình đơn độc
Ở châu Á, phụ nữ thường đơn độc trong hành trình này. Một số công ty ở Mỹ coi việc đông lạnh trứng là một lợi ích của công ty, giảm bớt gánh nặng tài chính cho một số phụ nữ - điều này ít phổ biến hơn ở các quốc gia phương Đông. Theo một cuộc thăm dò của AsiaOne, đàn ông dường như cũng không muốn giúp đỡ việc này: chưa đến 1/3 đàn ông ở Singapore sẽ giúp bạn đời của họ trả chi phí đông lạnh trứng.
Kể từ lần đầu tiên tôi biết về phương pháp trữ đông trứng khi đi bộ đường dài với một người bạn ở Đài Loan cách đây 8 năm, tôi chưa bao giờ nghiêm túc nghĩ đến việc đó. Nhưng hồi đó tôi cũng nói rằng tôi thà chết chứ chịu bỏ tiệc tùng tại Lan Quế Phường ở tuổi 30, và 4 năm trước, tôi đã "nuốt lời".
Huấn luyện viên yoga Chian, người đã sống ở Đông Á gần 20 năm, cho biết con cái chưa bao giờ là trọng tâm trong kế hoạch cuộc sống của cô. “Tôi độc thân khi sống ở Đài Loan, đó không phải là điều tôi quan tâm. Tôi không muốn có con cho đến khi tìm được người bạn đời phù hợp, vì vậy kế hoạch trong đời của tôi là thuận theo dòng chảy tự nhiên. Lúc đó tôi chưa sẵn sàng để đưa ra những quyết định kiểu đó".
Mãi cho đến khi Chian gặp chồng ở tuổi 40, họ mới quyết định cùng nhau xây dựng một gia đình. “Tôi nghĩ mình có thể có con nếu muốn”, Chian, một người ăn chay tập luyện ở trình độ thể thao cao cấp, nói. “Tôi đã rất tự tin. Tôi cảm thấy cơ thể mình có thể mang một đứa trẻ dễ dàng".
Chian bực bôi khi chu kỳ đầu tiên của quá trình lấy trứng, cô chỉ có một quả trứng. Ở chu kỳ thứ hai, các bác sĩ đã tăng lượng hormone, và có 3 quả trứng và sau đó là 4 quả trứng ở chu kỳ thứ 3. “Tôi có tổng cộng 7 quả trứng”, Chian nói. “Tôi thực sự thất vọng”. Kể từ khi bắt đầu quá trình, cô cũng đã 3 lần mang thai tự nhiên nhưng lần nào cũng bị sảy thai.
Cũng như Chian, Julienne C. Raboca chưa bao giờ dám chắc mình muốn có con. Cô thường nghiêng về phía bên “không” vì những lý do từ đạo đức, tâm lý và những gì có thể bị coi là ích kỷ.
Cô chia sẻ: "Tôi rất sợ mang thai và sinh con. Tôi không thể tưởng tượng được việc đánh mất cơ thể mảnh mai của của mình trong vài tháng và thậm chí có khả năng sẽ không bao giờ lấy lại được. Tôi yêu và tận hưởng lối sống vô tư của mình. Năm ngoái, tôi đã sống và làm việc ở Mexico trong 4 tháng, trước khi chuyển đến Đan Mạch để bắt đầu học thạc sĩ báo chí.
Năm nay, tôi sẽ chuyển đến London để học chuyên ngành của mình. Làm thế nào tôi có thể làm tất cả những điều này với một đứa trẻ?
Khi những người thân yêu nói với tôi “làm cha mẹ là điều tuyệt vời nhất”, tôi không hiểu sao tôi lại cảm thấy khó tin. Tôi không ghen tị với cuộc sống của họ khi thay tã và bế đứa con đang khóc của họ ra khỏi nhà hàng. Bất cứ khi nào tôi thấy mình quá tải với công việc, học tập, giao tiếp xã hội, thanh toán hóa đơn, tập thể dục, cố gắng ngủ đủ giấc và học một điều mới mỗi ngày, tôi thường gọi chị gái tôi dậy và nói: “Em không biết làm thế nào mà những người có con làm điều đó.
2 tháng trước, tôi đang ăn trưa với một người bạn hơn tôi vài tuổi. Tôi hỏi anh ấy liệu có dự định kết hôn hoặc có con với bạn gái 7 năm không, và anh ấy nói: “Tôi vẫn đang cân nhắc. Một mặt, tôi không biết liệu có thể sống một cuộc đời ý nghĩa nếu không có vợ con hay không. Mặt khác, tôi không biết liệu có thể sống một cuộc đời ý nghĩa cùng vợ con hay không".
Cuộc đua trữ đông trứng
Stephanie, bạn của Julienne C. Raboca, một phụ nữ 35 tuổi độc thân người Philippines gốc Hoa, đã quyết định đông lạnh trứng sau khi phát hiện ra rằng hầu hết những người bạn là phụ nữ độc thân của cô đã làm điều đó. Cô yêu cầu sử dụng một cái tên khác vì coi việc lấy tế bào trứng là thông tin y tế cá nhân.
Cô ấy nói: “Tôi bắt đầu nói chuyện với những người bạn khác nhau và phát hiện ra rằng toàn bộ nhóm mà tôi thân thiết đã đông lạnh trứng của họ trong một hoặc hai năm qua. Hầu hết họ chỉ đến một phòng khám này và dường như chỉ có hai phòng khám lớn ở Philippines có thể làm điều đó”.
Sau khi nghe về trải nghiệm của 4 người bạn, Stephanie quyết định thực hiện một bước nhảy vọt. “Tôi chẳng quan tâm đến nghiên cứu gì cả. Các bạn giục 'Cứ làm đi, đừng nghĩ về nó và hãy vượt qua nó'. Đó là lúc tôi nhận ra rằng điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được và những người mà tôi biết và tin tưởng đều đã làm được điều đó tại nơi này… Tôi cũng có thể làm được”.
Theo bạn bè của Stephanie, quá trình này rất đơn giản, chỉ mất vài ngày. “Họ đưa bạn vào giấc ngủ với giá khoảng 150 đô la, hoặc bạn có thể chọn không, và thế là xong”, cô nói.
Stephanie nhận được 4 quả trứng sau đợt đông lạnh trứng đầu tiên và đang có kế hoạch chuyển sang bác sĩ sản phụ khoa tại một bệnh viện cao cấp ở Manila với mức phí cao gấp đôi so với phòng khám sinh sản nơi cô thực hiện lần đầu tiên. Tổng cộng, Stephanie sẽ trả khoảng 12.450 USD cho hai chu kỳ đông lạnh trứng ở Philippines.
Chian cho biết: “Tôi khuyên bạn nên làm điều đó ở độ tuổi 30 bất kể bạn có bạn đời hay không, bởi vì cơ hội nhận được lượng trứng khỏe mạnh cao hơn rất nhiều. Mỗi người có điều kiện khác nhau, tôi có một học viên đã sinh con khỏe mạnh ở tuổi 42. Nhưng tôi nghĩ nếu có thể, bạn thực sự chỉ muốn tham gia ở mức an toàn. Bạn không nhất thiết phải sử dụng trứng của mình, nhưng ít nhất bạn có chúng ở đó như một lựa chọn”.
Khi được hỏi liệu có làm gì khác đi không, Stephanie nói rằng cô ấy sẽ đến gặp bác sĩ trước thay vì đến phòng khám. “Phòng khám hỗ trợ sinh sản đã không thực hiện Xét nghiệm Hormone Anti-Müllerian, điều này thực sự cần thiết”. Stephanie nói về xét nghiệm nắm bắt nhanh tình trạng sức khỏe sinh sản của một người.