Sau khi mua nhà 1,2 tỷ đồng, chỉ còn 35 nghìn trong túi: Cô gái quyết không vay ngân hàng vì lý do này!
Lo ngại nhiều rủi ro, Chi Mai đã quyết định dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để mua nhà.
Sợ gánh nặng lãi vay nên quyết định mua đứt nhà
Chi Mai (32 tuổi, chuyên viên đào tạo nhân sự nội bộ) vừa mua căn hộ 46m2 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cô mua đứt căn nhà 1,2 tỷ đồng và được bố mẹ hỗ trợ một ít trên khía cạnh tài chính.
Chi Mai đã quyết định mua căn hộ trong chung cư cũ vì một số lý do. Đầu tiên, căn hộ này khá gần nơi làm và nhà người thân nên khá thuận tiện trong đi lại. “Mình thấy rằng chung cư này tuy cũ, nhưng các căn hộ ở đây được khá nhiều người ưa thích, thị trường chuyển nhượng sôi động, dễ dàng giao dịch. Trong vài năm trở lại đây, độ tăng trưởng về giá cũng khá ổn định. Vì mua nhà khi còn độc thân, mình không có định hướng sẽ sở hữu lâu dài. Với tầm nhìn sở hữu trong vài năm, đây là một lựa chọn khá phù hợp. Nó vẫn giống như một khoản đầu tư có thể sinh lời trong tương lai. Hơn thế nữa, trước mắt mình có thể tiết kiệm được chi phí thuê nhà mà vẫn có không gian sống riêng”.
Bên cạnh đó, mua căn hộ trong chung cư cũ cũng phù hợp với tài chính của Chi Mai. Cô đã quyết định mua đứt và không vay ngân hàng. Hiện tại, nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động, bão sa thải vẫn tiếp diễn, cô không muốn đặt bản thân vào rủi ro trả lãi ngân hàng. Hơn thế nữa, khi mua nhà lúc còn độc thân, tất cả gánh nặng thanh toán sẽ do bản thân chịu trách nhiệm nên vay nợ không phù hợp với Chi Mai trong thời gian này.
“Ngoài ra, mình luôn ưu tiên niềm vui, cảm xúc hạnh phúc của bản thân hơn là cố gắng để sở hữu một tài sản giá trị cao. Do vậy, mình tin rằng sở hữu một tài sản vừa sức vào thời điểm này là lựa chọn an toàn. Nhiều năm thuê trọ khiến mình cảm thấy nơi nào bản thân thoải mái khi trở về, đấy đều là nhà của mình. Nếu hàng tháng phải lo lắng xoay xở để trả lãi ngân hàng, nó có thể khiến trải nghiệm của mình tại ngôi nhà mới không còn được thoải mái. Thay vào đó mình có thể tự chi trả cho một căn hộ nhỏ, và dùng tiền kiếm được trong tương lai để đầu tư".
Sau khi dành toàn bộ tiền tích lũy để mua nhà, Chi Mai chỉ còn vỏn vẹn trong người 35 nghìn. Cô chia sẻ rằng đó là một quyết định khá liều lĩnh. Song, cô lo sợ rằng nếu đợi đến khi đủ trang trải mọi chi phí sẽ bỏ lỡ căn nhà ưng ý. Trong thời điểm mới mua nhà, người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã hỗ trợ khá nhiều, không ngần ngại cho cô vay mượn để trang trí chi phí sinh hoạt.
Khu vực phòng khách và bếp
Tích luỹ, đầu tư càng sớm càng dễ mua nhà
Chi Mai cho rằng nên đầu tư cho không gian sống. Nội thất giống bộ quần áo đẹp giúp thu hút người nhìn và tạo nên cảm xúc khác biệt. Một không gian ấm cúng, được bài trí hợp lý sẽ mang lại sức khỏe và tinh thần thoải mái, thư giãn, giảm bớt sự căng thẳng sau những ngày làm việc mệt mỏi.
“Tuy nhiên, mua nhà xong mình không còn dư dả nên dự định sẽ đầu tư nội thất dần dần, thậm chí một số món mình sẽ phải cải tạo lại thủ công. Mình thích phong cách Cottage kiểu nông thôn ở Anh vì sự vui tươi, màu sắc và không ngại những yếu tố kì quặc của nó. Mình thích ngôi nhà nhiều màu sắc, một không gian sinh động giúp bản thân vui vẻ hơn. Phong cách này cũng phù hợp với một căn nhà cũ vì sự thân thiện với các món nội thất mang dấu vết của thời gian, cho mình không gian để sáng tạo trong việc kết hợp các món đồ trang trí và tìm được vẻ đẹp ở những thứ đã cũ”.
Bên cạnh đó, nói về chuyện mua nhà, theo Chi Mai mọi người chỉ nên mua nhà khi đã thực sự sẵn sàng về tài chính. Chi Mai quan sát thấy hiện nay xu hướng đi thuê nhà và biến nó trở thành không gian sống phù hợp đang được các bạn trẻ quan tâm. Các bạn sẽ không bị ràng buộc vào một món tài sản lớn, ở một nơi cố định và có cơ hội được trải nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, khi sẵn sàng về tài chính, nhà là một tài sản mang lại nhiều lợi ích, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa là một kênh đầu tư dài hạn lại giúp nâng cao giá trị bản thân.
Không gian ngủ
Mai Chi chia sẻ rằng yếu tố giúp cô bạn tích lũy, tạo nên 1 nền tảng tài chính vững mạnh đủ để tậu nhà là sự chăm chỉ và kiên trì. Có lúc cô đã làm thêm 2-3 công việc cùng lúc để tăng thu nhập. Mai Chi cũng đã tận dụng lợi ích từ lãi kép.
“Mình tin vào sức mạnh của kế hoạch đầu tư hay tiết kiệm đều đặn, không ngắt quãng và sự làm việc chuyên cần, bền bỉ. Bởi lãi kép chỉ xuất hiện khi khoản tiền gốc và lãi được tái đầu tư liên tục. Nếu từ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bạn đều đặn tiết kiệm 5 triệu với mức lãi suất 10%/ năm, bạn sẽ rất gần với mốc 1 tỷ đồng tiền tích luỹ tại những năm đầu tuổi 30. Hơn thế nữa, bạn có thể lựa chọn các kênh đầu tư thông minh để nâng cao mức lãi suất lên trên 10%. Điều này đòi hỏi kiến thức và kĩ năng về tài chính. Nếu có thể nhắn nhủ một câu với chính bản thân mình ở lứa tuổi 20, mình sẽ khuyên rằng nên tìm hiểu và học các kỹ năng quản lý tài chính, đầu tư càng sớm càng tốt”.