Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thịt gà: Nhiều người chú trọng làm việc này để phòng bệnh
Trước thông tin thịt gà là "thủ phạm" của một số vụ ngộ độc tập thể, nhiều người chia sẻ bản thân không quá hoang mang, lo lắng bởi vì đã kịp thời "đưa ra 1 nguyên tắc quan trọng".
Thời gian vừa qua, tỉnh Khánh Hòa liên tục ghi nhận các ca ngộ độc tập thể, trong đó có các ca liên quan đến thịt gà.
Đầu tháng 4/2024, hàng chục ca bệnh là học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP.Nha Trang), vào viện với các triệu chứng nghi ngộ độc như đau bụng, nôn ói sau khi ăn cơm gà bán xung quanh trường.
Giữa tháng 3/2024, Khánh Hòa có ghi nhận 369 người bị ngộ độc sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP.Nha Trang).
Trước đó vào cuối năm 2022, 648 học sinh trường iSchool Nha Trang đã bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có một ca tử vong... sau khi ăn món cánh gà chưa nấu chín.
Trước bối cảnh nước ta ghi nhận hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm. Chưa kể đã xuất hiện ca tử vong vì cúm A/H5N1, ca nhiễm cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên sau nhiều năm... Các cơ quan y tế đều đưa ra khuyến cáo nên thận trọng khi tiêu thụ, giết mổ gia cầm.
"Sợ thì sợ nhưng vẫn ăn", hàng quán vẫn đông khách
Trước thông tin xuất hiện các trường hợp ngộ độc thực phẩm liên quan đến thịt gà, nhiều người cho biết "bản thân vẫn ăn, quan trọng là ăn như thế nào".
D (một shipper tại Hà Nội) chia sẻ bản thân cũng có chút lo lắng, tuy nhiên D cho biết: "Thật ra em nghĩ vấn đề đấy cũng tùy từng chỗ thôi, nên là em ăn thì vẫn ăn. Nhưng mà sẽ ăn ở những chỗ đảm bảo uy tín".
Anh Tú (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng cho biết, bản thân Tú tuy cảm thấy lo lắng nhưng "vẫn ăn" bởi nguồn gốc thực phẩm là thứ khó mà kiểm soát được. "Chỉ hi vọng là các cửa hàng làm ăn uy tín thôi ạ", Anh Tú chia sẻ.
Giới trẻ nghĩ gì gì trước thông tin hàng loạt ca ngộ độc sau khi ăn thịt gà?
T - một sinh viên Đại học cho biết, gia đình cô vẫn tiêu thụ gà bình thường nhưng là gà nhà mình nuôi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những bà nội trợ tiết lộ sẽ nấu cho gia đình những món ăn khác chứ không phải là thịt gà. "Đang dịch nhiều nên chị cũng hạn chế sử dụng thịt gà. Tại vì cũng sợ vấn đề ngộ độc nên chị sẽ ăn các món khác chứ không ăn thịt gà", chị Ph (một bà nội trợ) cho biết.
Có người không ăn thịt gà vì cũng lo lắng chuyện ngộ độc thực phẩm
Có thể thấy, mặc dù xuất hiện nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, có cả liên quan đến thịt gà, trong thời gian vừa qua nhưng tâm lý của người dân cũng không bị tác động quá nhiều. Bằng chứng là tại những quán ăn có thịt gà, lượng khách đến ăn vẫn không giảm. Người dân lựa chọn các quán phở gà sạch sẽ, uy tín để thưởng thức.
Người dân lựa chọn các hàng quán sạch sẽ, uy tín để thưởng thức món gà.
Cô Ph, chủ một quán phở gà cho biết: "Lượng khách những ngày gần đây vẫn ổn định, không có gì thay đổi nhiều, chủ yếu là khách quen, khách văn phòng. Nhà cô từ xưa đến nay đều đảm bảo có nguồn thực phẩm an toàn, tươi sạch và ngon. Thứ hai, khi lấy hàng về thì tất cả mình rửa sạch và chế biến ngay. Hàng hôm nào thì bán hết hôm đấy".
Chủ quán phở gà chia sẻ nguyên tắc an toàn khi chế biến, tiêu thụ thịt gia cầm
Vẫn ăn thịt gà nhưng chú ý khâu vệ sinh khi chế biến để an toàn
Trước thông tin thịt gà là "thủ phạm" của các cuộc ngộ độc tập thể, nhiều bà nội trợ chia sẻ bản thân không quá hoang mang, lo lắng bởi vì đã kịp thời đưa ra nguyên tắc: Ưu tiên ăn gà quê, đồng thời mua thịt gà về nhà tự chế biến cho an toàn.
Chị N (chủ sạp thịt tại An Khánh, Hoài Đức) chia sẻ, sau thông tin hàng loạt vụ ngộ độc do ăn thịt gà, số lượng gà bán ra không ảnh hưởng bởi các bà nội trợ có xu hướng mua thịt về tự nấu tại nhà.
Chị T.L (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Kể từ ngày biết thông tin ngộ độc hàng loạt do thịt gà, nhà chị ưu tiên ăn gà có nguồn gốc rõ ràng, ví dụ như mua gà của người quen, gà do gia đình tự nuôi thả. Sau đó mang về nhà tự chế biến, đảm bảo sạch sẽ và nhất là ăn chín uống sôi".
Khi được hỏi về các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian vừa qua có ảnh hưởng gì đến chuyện ăn uống của gia đình không, chị Kh, một nhân viên văn phòng cho biết: Chị có nghe nói về các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua nhưng cũng không rõ có liên quan đến thịt gà hay không. Bản thân chị thấy thịt gà rất tốt. Tuy nhiên, sau vụ này chị cũng sẽ chế biến thịt gà kỹ càng hơn chứ không loại bỏ khỏi danh sách các món ăn nhà mình.
Cùng quan điểm với chị Kh, chị H. (nhân viên văn phòng) cũng chia sẻ: "Mình cũng nghe nói về các vụ ngộ độc thực phẩm, có sợ. Nhưng mình nghĩ thịt gà vẫn tốt, nếu mình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì không sao". Chị H. cũng nói thêm rằng thịt gà không thể thiếu trong chế độ ăn uống của mình do bản thân thích ăn và phù hợp với chế độ tập luyện của bản thân.
Nhiều người cho rằng điều quan trọng là vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không phải do bản thân thịt gà dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm
Vì sao thịt gà lại dễ trở thành "thủ phạm" gây ngộ độc trong những ngày thời tiết nắng nóng và cách phòng tránh nguy cơ
Bác sĩ Trần Thị Hiếu (Khoa Dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, TP.HCM), cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, khiến thực phẩm nhanh hỏng. Cộng thêm quá trình chế biến, bảo quản không đúng cách đã làm tăng nguy cơ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Chính vì vậy, dù bạn đang sinh sống ở địa phương nào cũng cần chú ý việc chế biến, bảo quản thực phẩm hợp lý, nhất là khi thời tiết nắng nóng để tránh thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn.
Sở dĩ thịt gà dễ gây ngộ độc là bởi chúng thuộc nhóm đạm dễ bị ôi thiu. Khi vi khuẩn xâm nhập (Salmonella, Campylobacter, Escherichia coli) dễ sinh ra các chất độc do vậy nếu trong quá trình chế biến mà bảo quản không kỹ thì khi ăn vào sẽ ngộ độc. Thậm chí, có không ít trường hợp dù chế biến kỹ vẫn gây hại do bị nhiễm khuẩn trong khâu bảo quản sau chế biến.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Thủ phạm" chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm ở gia cầm là vi khuẩn Campylobacter và Salmonella - thường được tìm thấy trong ruột và lông của những loài gia cầm này.
Để phòng chống ngộ độc khi tiêu thụ thịt gà, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên:
- Thịt gà cần được nấu chín kỹ.
- Không nên rửa thịt sống và đảm bảo rằng thịt sống không tiếp xúc với dụng cụ, bề mặt bếp, thớt và các thực phẩm khác, vì điều này có thể dẫn đến lây nhiễm chéo.
- Không chỉ riêng thịt gà mà các loại thực phẩm khác cũng chỉ nên ăn trong vòng hai giờ sau khi chế biến. Tránh trường hợp vi khuẩn đã sinh sôi, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
- Nếu phát hiện bất kỳ thực phẩm nào bị ô nhiễm thì chúng ta nên loại bỏ ngay, tuyệt đối không được sử dụng để phòng tránh ngộ độc thực phẩm nói chung.
Ths.BS Hà Thùy Trang (Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) khuyên mọi người sau khi ăn nếu xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn liên tục, đại tiện nhiều lần, xuất hiện dấu hiệu mất nước như da khô, khát nước nhiều, tiểu số lượng ít… thì cần liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu không được điều trị kịp thời, ngộ độc thực phẩm có thể gây rối loạn điện giải, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, người bệnh không tự ý uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc cầm đại tiện, thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ.