Sau biến cố đau lòng, bà mẹ U60 quyết sinh con ở tuổi mãn kinh
Tai nạn giao thông cướp đi cậu con trai duy nhất của vợ chồng bà H. nhưng may mắn lại mỉm cười với họ sau hành trình can thiệp y học hiện đại.
Năm 2012, tai nạn giao thông cướp đi cậu con trai duy nhất của bà P.T.H (sinh năm 1966, Hà Nội). Biến cố ập đến khiến người mẹ suy sụp, hụt hẫng, bà mong muốn có thêm con để bù đắp lại khoảng trống trong lòng.
Cuối năm 2018, sau quãng thời gian dài tìm hiểu và cân nhắc, vợ chồng bà quyết định đến bệnh viện mong muốn được hỗ trợ sinh sản. Khi đến viện, bà H. đã ngoài 50 tuổi. Lúc này, bà đã mãn kinh hoàn toàn, không còn cơ hội mang thai tự nhiên. Cách duy nhất để phụ nữ trong độ tuổi này mang thai là xin trứng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Các bác sĩ cũng nhận định đây là ca khó bởi người mẹ đã lớn tuổi và có nhiều nguy cơ khi mang thai, sinh nở, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé. Vì thế, khi hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân, bác sĩ phải nghiên cứu, cân nhắc chọn phác đồ phù hợp dựa vào độ tuổi, nội tiết và tiền sử bệnh.
Bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Hà Nội) cho hay, phụ nữ lớn tuổi thường sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ như bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ.
Đáng lưu ý, người mẹ lớn tuổi mang thai khiến nguy cơ thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân, nguy cơ đẻ non, thai nhi dị tật, sảy thai cao hơn so với người mẹ trẻ tuổi.
Theo bác sĩ Dung, quá trình điều trị cho bệnh nhân H. gặp nhiều khó khăn nhưng tinh thần lạc quan của bệnh nhân làm đội ngũ y bác sĩ càng quyết tâm hơn. Dù có buồn, lo lắng vì nguy cơ thất bại cao nhưng bệnh nhân vẫn vững niềm tin vào bác sĩ, vào bản thân mình và tuân thủ phác đồ điều trị.
Tháng 9/2018, bà H. được chuyển phôi. Dù chỉ chuyển một phôi duy nhất nhưng bà đã thành công trong lần đầu thụ tinh ống nghiệm. Sau khi có kết quả mang thai, các bác sĩ luôn động viên và theo sát quá trình thai kỳ của người mẹ lớn tuổi.
Hè năm 2019, bà H. sinh bé trai nặng 2,7kg khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình và toàn bộ ekip bác sĩ.
Nằm trong phòng sau sinh, bà H. nghẹn ngào nói, “chờ đến ngày con trai trưởng thành, đi làm phụ giúp bố mẹ là điều quá xa vời, nhưng mẹ mong con sống thật hạnh phúc, có ích cho xã hội”.
Bác sĩ chia sẻ thêm, làm mẹ ở tuổi 54 với một người phụ nữ mãn kinh, câu chuyện tưởng như không thể nay đã trở thành sự thật. Hành trình mang thai diệu kỳ của bệnh nhân H. được lan toả như minh chứng cho một phép màu có thật đến từ tình mẹ và từ sự cố gắng, nỗ lực của y học. Đây cũng là nguồn động lực vô cùng lớn lao cho các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm con.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi mãn kinh trung bình của người phụ nữ là 51. Mãn kinh cũng đặt dấu chấm hết cho khả năng sinh sản bằng noãn tự thân của nữ giới. Trên thực tế, rất hiếm khi một người phụ nữ có thể thụ thai trong vòng 10 năm trước thời điểm mãn kinh, bởi ở độ tuổi 40, khoảng 75% tổng số noãn bất thường về nhiễm sắc thể, làm giảm cơ hội thụ thai và tăng nguy cơ sảy thai.