Sắp xếp nguyện vọng thế nào để tránh 'trượt oan' đại học?

Hoàng Thanh,
Chia sẻ

Thực tế tuyển sinh các năm trước cho thấy, nhiều thí sinh chưa hiểu cách thức đăng ký xét tuyển nên mất cơ hội trúng tuyển, hoặc trúng tuyển không đúng vào ngành mong muốn.

Tư vấn cho thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng tăng khả năng đỗ vào ngành mình mong muốn, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Theo quy định, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo và thí sinh phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung để chạy "lọc ảo". Quá trình chạy "lọc ảo" sẽ chỉ cho phép mỗi thí sinh (theo mã định danh cá nhân) chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.

Vì thế cho dù thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 5 - 10 ngành/trường thì cũng sẽ chỉ được trúng tuyển vào 1 nơi. Và để đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, phù hợp nhất thì thí sinh cần cân nhắc đặt lên trước các nguyện vọng đó theo thứ tự từ 1 đến hết”.

Cũng theo chuyên gia này thì thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường, nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa.

Vì thế bên cạnh việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành của các trường khác nhau theo yêu cầu của các trường, thí sinh phải nhập dữ liệu đăng ký của tất cả các nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên. Việc xếp thứ tự ưu tiên chỉ thể hiện duy nhất trên hệ thống này.

Sắp xếp nguyện vọng thế nào để tránh 'trượt oan' đại học? - Ảnh 1.

Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 5 - 10 ngành/trường thì cũng sẽ chỉ được trúng tuyển vào 1 nơi nên phải thận trọng khi sắp xếp nguyện vọng.

Về việc chọn trường phù hợp, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, để lựa chọn được ngôi trường phù hợp, thí sinh phải xác định được bản thân mình mong muốn điều gì, năng lực của bản thân ra sao? Về tương lai, hãy mạnh dạn mơ về việc sau này mình muốn làm tại cơ quan, doanh nghiệp theo tính chất và mô hình như thế nào? Và đâu là nghề mình yêu thích và mong mỏi được làm việc?... Từ đó đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp.

TS Đồng Văn Ngọc cũng khuyên thí sinh cần xác định rõ đâu là điểm mạnh và hạn chế của bản thân. Điều này sẽ giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

"Ví dụ, em nào sợ độ cao thì không nên chọn ngành nghề phải làm ở trên cao. Em nào sợ máu không nên chọn ngành nghề phải tiếp xúc nhiều với máu như nhóm ngành y. Em nào bị dị ứng xăng dầu thì đừng chọn những ngành liên quan đến hóa chất xăng dầu.

Một điểm quan trọng cần lưu ý là thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Lý do là vì hiện nay các trường hầu hết đều đào tạo đa ngành, đa nghề. Vì vậy, thí sinh hoàn toàn có thể chọn được ngành nghề yêu thích tại một ngôi trường tốt nhất có thể và phù hợp với năng lực của bản thân”, TS Đồng Văn Ngọc nói.

Tránh trượt oan đại học

TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo) chia sẻ rằng lứa học sinh dự thi năm nay chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Vậy nên Bộ GD&ĐT đã có những văn bản hướng dẫn giảm tải chương trình, đề thi năm nay chỉ có những phần sau giảm tải, những phần đã đưa vào văn bản giảm tải sẽ không xuất hiện.

Đề thi chủ yếu là những câu nhận biết và thông hiểu, đồng thời có những câu vận dụng để phân hoá thí sinh trong kỳ thi. Do đó học sinh cần chuẩn bị tâm lý thật tốt để bước vào kỳ thi, đồng thời thực hiện đúng quy chế thi.

"Đặc biệt khi vào phòng thi phải thực hiện đúng quy chế thi, tránh việc vi phạm quy chế thi. Bởi lẽ, tính bảo mật của đề thi rất cao - đề thi trắc nghiệm hết thời gian làm bài, đề thi tự luận hết 2/3 thời gian làm bài. Do đó, bất kể phần thi nào bị phát tán đề thi ra trước thời gian đó sẽ vi phạm quy chế và bị xử lý, coi như thí sinh mất cơ hội vào đại học”, TS Lê Mỹ Phong lưu ý.

TS Lê Mỹ Phong - Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng đến ngày 8/5 đã có trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công.

Trong đó có 135.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 20%; trên 7.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển đại học, chiếm trên 1%. Thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học có 537.000, chiếm gần 79%.

Có 52% thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), 30% thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học).

Thí sinh sẽ còn tiếp tục được đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến đến 17h ngày 13/5. Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến 100%.

Chia sẻ