Sao lại nói tháng Chạp là tháng “củ mật” cần cẩn trọng tiền bạc nhà cửa?
Những ngày đầu tiên của tháng Chạp – tháng cuối năm đầy tất bật nhưng mọi người đều dặn dò lẫn nhau “tháng củ mật” cẩn thận mất tiền, vì sao lại như vậy?
Bắt đầu vào tháng cuối cùng của năm, chúng ta thường được mọi người xung quanh căn dặn "tháng củ mật" cẩn thận cửa nẻo. Và tại sao lại là tháng Chạp mà không phải là tháng 1 hay tháng 2? Cũng như vì sao lại gọi tháng Chạp là tháng củ mật, vì tháng này củ mật được mùa chăng?
"Củ mật" là gì?
Nói cho vui thế thôi chứ tháng Chạp chẳng có vụ mùa củ mật nào đâu. Củ mật là từ ghép rút gọn của cụm từ "củ sát cẩn mật".
(Ảnh: Internet)
Nguồn gốc từ "củ mật" xuất phát từ từ Hán Việt mà ra, với "củ" mang ý nghĩa thúc đốc, xem xét. Dân ta ngày xưa thay vì nói kiểm soát sẽ dùng từ "củ sát" để kiểm tra công công việc đấy.
Còn từ "mật" ý chỉ chỉ sự "cẩn mật", vậy nôm na có thể hiểu "củ mật" chính là kiểm soát cẩn thận.
Vì sao lại nói tháng Chạp là tháng "củ mật"
Tháng Chạp là tháng cuối năm, mọi người đều bận bịu với guồng quay công việc, chuẩn bị hoàn tất hết các mối làm ăn cuối cùng để chuẩn bị cho một cái Tết trọn vẹn, sung túc. Chính vì vậy mà thường phải thức khuya, dậy sớm...hơn bình thường. Từ đó, sức khỏe cũng như tinh thần đôi lúc không được tỉnh táo, minh mẫn, thường rơi vào trạng thái thèm ngủ cực độ.
Và thế là sau một ngày làm việc mệt mỏi về đến nhà chỉ muốn buông bỏ tất cả để ngã lưng nghỉ ngơi trên chiếc giường êm ái, đánh một giấc ngon lành, thường quên khuấy đi chuyện khóa cửa nẻo cẩn trọng, hay thu dọn đồ đạc...
(Ảnh: Internet)
Cũng như người bình thường, đạo tặc tháng Chạp cũng hoạt động hết công suất nhằm mong hưởng cái Tết ấm no mà chăm chỉ rình mò hơn hẳn, nhà nào cửa nẻo lỏng lẻo chút là chúng vớ được món hời như chơi.
Vậy nên, người xưa gọi đây là tháng "củ mật" nhằm nhắc nhở mọi người cẩn thận, tăng cường đề phòng vì phường trộm cướp lộng hành hơn cả trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và mới.
Chưa kể, nhiều người cẩn trọng còn cho rằng tháng này rất xui xẻo, thường gặp phải họa vô đơn chí, nên ra đường cần cẩn trọng quan sát. Giải thích cho việc này, nhiều quan điểm cho rằng, tháng cuối năm ai cũng nhanh nhanh vội vội hoàn tất công việc, rồi lớp hội họp liên hoan, tất niên...không tránh khỏi say xỉn, chạy xe dễ dàng gây tai nạn cho người đi đường, nên là mọi người tham gia giao thông cũng cần chú ý hơn.
Mặt khác, thời tiết hanh khô ngày cuối năm, rồi bày biện mâm cỗ thờ cúng với nhan khói nghi ngút cũng dễ bề gây nạn hỏa hoạn. Thế nên, tháng này mọi người nên chú ý, cẩn trọng là tốt hơn cả, không chỉ kiểm kê tài sản kĩ càng mà các việc khác cũng không nên coi nhẹ.
(Tổng hợp)