'Sáng sớm ăn gừng tốt hơn cả uống nước sâm, buổi tối ăn gừng độc ngang thạch tín': Điều này có đúng?
Mặc dù gừng có giá trị dinh dưỡng và rất tiện dụng, nhưng nhiều chuyên gia y học cổ truyền khuyến cáo không nên sử dụng gừng một cách tùy tiện.
"Sáng sớm ăn gừng tốt hơn cả uống nước sâm, buổi tối ăn gừng độc ngang thạch tín"
Từ lâu, gừng vẫn luôn là một loại gia vị phổ biến trong ẩm thực Việt. Nó xuất hiện trong nhiều món ăn từ gà rang, thịt nướng đến canh cải, cá kho... Gừng còn là nguyên liệu thường xuất hiện trong các bài thuốc của y học cổ truyền. Nó mang công dụng trị cảm lạnh, ho, đau nhức xương khớp... vô cùng nổi tiếng.
Theo Đông y, gừng tươi còn được gọi là Sinh Khương, có vị cay và tính ấm. Gừng có tác dụng tán hàn, long đờm, thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng phong hàn và kích thích quá trình tiêu hóa. Mặc dù gừng có giá trị dinh dưỡng và rất tiện dụng, nhưng nhiều chuyên gia y học cổ truyền khuyến cáo không nên sử dụng gừng một cách tùy tiện.
Nhắc đến cách dùng gừng đúng, dân gian vẫn thường lưu truyền câu nói: "Sáng sớm ăn gừng tốt hơn cả uống nước sâm, buổi tối ăn gừng độc ngang thạch tín". Ý muốn nói rằng gừng chỉ tốt nếu được dùng vào buổi sáng, ngược lại nếu sử dụng củ gừng vào buổi tối, coi chừng cơ thể nhiễm độc. Điều này được các chuyên gia Đông y lý giải như thế nào?
Câu nói này liệu có chính xác?
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): "Câu nói 'sáng sớm ăn gừng tốt hơn cả uống nước sâm, buổi tối ăn gừng độc ngang thạch tín' xuất phát từ các sách y học cổ truyền. Câu nói này không thực sự đúng, nhưng cũng không thực sự sai. Bởi củ gừng vừa có lợi, cũng vừa có hại nếu dùng sai cách".
Thời điểm tốt nhất để dùng gừng là vào ban ngày. Bởi lúc này khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ kiện tì ôn vị, khích lệ cho dương khí bốc lên, đem lại tác dụng tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, tốt cho tiêu hóa. Ngược lại, dương khí trong người thu lại vào buổi tối, âm khí trong cơ thể nhiều hơn, tính nóng của củ gừng sẽ phát huy tác hại, gây ra đau bụng, khó ngủ, nóng trong.
Tuy nhiên, việc ví dùng gừng buổi tối độc như dùng thạch tín là có phần nói quá. Thực tế trong Đông y, gừng vẫn có mặt trong những bài thuốc kê đơn dùng buổi tối. Tuy nhiên, về liều lượng dùng gừng buổi tối như thế nào còn tùy thuộc vào sự kê đơn của từng loại thuốc.
Một số bài thuốc trị bệnh từ củ gừng
1. Chống say xe
Cách dùng: Thái lát gừng nhỏ, ăn trước khi lên xe sẽ hạn chế được tình trạng nôn mửa do say xe.
2. Điều trị cảm cúm
Cách dùng: Dùng gừng tươi 20g, kinh giới 20 - 30g, tử tô diệp 20 - 30g, trà 30g. Đem tất cả các vị sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, uống. Dùng rất tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn (cảm cúm).
3. Tăng cường sinh lý
Cách dùng: Cho gừng vào nước nóng. Chờ nguội thì thêm vài giọt chanh và chút mật ong. Uống nước gừng chanh mật ong khi còn ấm sẽ tốt cho đàn ông bị yếu sinh lý.
4. Trị viêm đường hô hấp
Cách dùng: Những người bị ho hen, viêm họng... nên ăn một bát cháo nóng nấu với gừng hoặc ly trà gừng nóng.
5. Trị trúng gió
Cách dùng: Dùng gừng để đánh gió cũng có tác dụng bởi gừng tính ấm, việc đánh gió bằng gừng giúp người bệnh gia tăng sức đề kháng, mau hết bệnh.
Lưu ý: Người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón… nên tránh ăn quá nhiều gừng vì có thể khiến tình trạng nặng hơn.