Sản phụ ngưng tim 2 lần được các bác sỹ BV Bạch Mai ép tim ngay trên cáng cấp cứu: "Tôi như trở về từ cõi chết"
14h10 chiều 3/4, kíp cấp cứu do PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu chỉ huy, đã sẵn sàng ở vùng đệm của bệnh viện. Xe cứu thương từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa đến, khi đưa bệnh nhân từ trên xe xuống, các bác sỹ phát hiện sản phụ đã ngừng tim.
Trưa 3/4 - ngày thứ 6 Bệnh viện Bạch Mai bị cách ly toàn diện, Khoa Cấp cứu A9 nhận được yêu cầu hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, về sản phụ Hoàng Thị Tân, 30 tuổi, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, sinh mổ dẫn đến sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối.
Giữa trời mưa trắng xoá, các bác sĩ trong trang phục bảo hộ vừa đẩy cáng cấp cứu, vừa ép tim khẩn cấp để giành giật sự sống cho sản phụ
Kỳ tích cứu sống sản phụ từ tay tử thần cứu sống sản phụ ngừng tim. Nguồn: BVCC.
"Em có biết em vừa mới thoát chết không?"
Chị Tân mang thai lần 3. Trong sáng 3/4, chị xuất hiện triệu chứng vỡ ối, chảy máu, nên được gia đình đưa tới BVĐK Hà Đông. Lúc lên bàn mổ dự tính đẻ thường, chị rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Đứa trẻ chào đời, cũng là lúc người mẹ bị sốc mất máu. BVĐK Hà Đông gửi yêu cầu hỗ trợ đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi hội chẩn, BV Bạch Mai đồng ý tiếp nhận người bệnh, đồng thời hướng dẫn cách thức vận chuyển an toàn giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19.
14h10 chiều 3/4, kíp cấp cứu do PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu chỉ huy, đã sẵn sàng ở vùng đệm của bệnh viện. Xe cứu thương từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa đến, khi đưa bệnh nhân từ trên xe xuống, các bác sỹ phát hiện sản phụ đã ngừng tim.
Kíp bác sỹ gồm 11 người, lập tức thực hiện ép tim ngay trên cáng.
"Cáng đang chạy, chúng tôi đứng trên bệ để ép tim cho sản phụ. Hình ảnh ấy rất đẹp đối với nghề cấp cứu của chúng tôi", PGS.TS. Nguyễn Văn Chi xúc động.
Hình ảnh các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai ép tim cho sản phụ gây xúc động mạnh. Ảnh cắt từ clip.
Chị Tân hồi phục sau khi được cấp cứu kịp thời.
Sau 15 phút, chị Tân tái lập tuần hoàn và được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt của Khoa Cấp cứu. Tuy nhiên, các dấu hiệu sinh tồn vô cùng thấp: tình trạng sốc nặng, huyết áp kiểm soát khó khăn với các thuốc vận mạch liều cao, ống dẫn lưu ổ bụng ra máu đỏ, tình trạng toan chuyển hoá nặng và rối loạn đông máu.
Đến 16h20, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng, xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2. Kíp cấp cứu tiếp tục ép tim, hy vọng sống sót của bệnh nhân mong manh. 15 phút, 30 phút, rồi gần một tiếng ép liên tục, nhưng trái tim của sản phụ vẫn không có nhịp.
Sau 72 giờ giành giật sự sống, huyết động của bệnh nhân ổn định hơn, HA 110/70 mmHg, không còn toan chuyển hoá... Chị được ngừng an thần đánh giá ý thức. Điều đáng mừng là sau thời gian dài ngừng tim nhưng các dấu hiệu về tri giác của bệnh nhân có biểu hiện phục hồi.
Ngày 7/4, sau khi đã ngừng tất cả các thuốc an thần, chị Tân hoàn toàn tỉnh táo, không cần đến các máy hỗ trợ hô hấp và một số thiết bị chuyên sâu hỗ trợ tuần hoàn. Lúc này các bác sĩ mời anh Hoàng Văn Toàn, chồng bệnh nhân vào gặp vợ sau 5 ngày "thập tử nhất sinh", hai lần chạm lưỡi hái tử thần.
Khoảnh khắc được gặp nhau, hai vợ chồng chỉ biết cầm tay nhau khóc trong niềm vui khôn xiết.
"Lúc lên bàn mổ ở Hà Đông, cho đến khi vào Bạch Mai, tôi không còn nhớ gì hết. Sáng 4/4, khi tỉnh dậy, tôi đoán rằng mình đang ở trong bệnh viện. Chồng và mẹ đã ở bên cạnh động viên", chị Tân nói.
Câu đầu tiên anh Toàn nói với vợ, rằng "Em có biết em vừa mới thoát chết không?". Vừa dứt câu, anh chỉ muốn bật khóc thành tiếng.
Sản phụ hoàn toàn tỉnh táo sau khi được các bác sỹ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai tận tình cứu chữa.
Chị Tân đọc báo mới biết bị ngưng tim 2 lần, từ cõi chết trở về và sinh con thành công. "Tôi thực sự rất vui mừng và cảm thấy nghẹn ngào vì nhờ có các bác sĩ mà tôi đã được cứu sống, để có thể tiếp tục nuôi các con", chị nói.
Với sự giúp đỡ của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, bé gái (con thứ 3 của chị Tân) đã chào đời khoẻ mạnh. Từ hôm vào Bệnh viện đến nay, chị chỉ mới chỉ được nhìn con qua ảnh. Hiện bé đã được về nhà, kết hợp nuôi sữa ngoài và sữa mẹ. Dự kiến, một tuần nữa, chị cũng sẽ được xuất viện.
"Chúng tôi đã làm việc không nghỉ từ 14h ngày 3/4, đến sáng hôm sau. Cuộc chiến gần như liên tục"
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9 gọi kỳ tích cứu sống sản phụ ngay cổng bệnh viện là "bản lĩnh A9". "Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, gian nan nhất, chúng tôi vẫn vững lòng, mạnh mẽ để làm chủ các kĩ thuật, các tình huống, và cứu sống người bệnh", ông nói.
Về bệnh nhân Hoàng Thị Tân, ông Chi đánh giá đây là ca bệnh có nhiều chi tiết khó và đặc biệt. Nếu trong đều kiện bình thường, trường hợp này không có gì đáng nói. Tuy nhiên, bệnh nhân đến với Bạch Mai đúng thời điểm bệnh viện bị cách ly toàn diện.
Khi đã ép tim cho sản phụ gần 60 phút, nhưng không thấy tim đập lại. Quan sát nhịp điện tim và mạch ép, các bác sỹ đánh giá chỉ số đều rất tốt. "Khi đó, chúng tôi có một niềm tin rằng, vẫn có thể nỗ lực hết mình vì bệnh nhân này", ông Chi nói.
Theo quy chế, nếu ép tim 60 phút nhưng không có kết quả, các bác sỹ có thể ngừng lại, bệnh nhân được coi là đã tử vong. Tuy nhiên, 2 tiếng kiên trì của kíp cấp cứu đã giúp sản phụ trở về từ cõi chết.
"2 tiếng ép tim là 1 trường hợp rất hiếm, có thể xem là một kỳ tích đối với khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi đã làm việc không nghỉ từ 14h ngày 3/4, đến sáng hôm sau. Cuộc chiến gần như liên tục. Thật may, trời không phụ công mọi người".
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
A9 là nơi tiếp nhận các bệnh nặng và rất nặng.
Sản phụ Tân được cứu sống, đến nay đã có thể đứng dậy và di chuyển. Chị được chứng kiến thời khắc lịch sử của Bệnh viện Bạch Mai, khi lệnh phong toả chính thức được dỡ bỏ. Trong giây phút đó, chị bày tỏ niềm hạnh phúc và tấm lòng tri ân với đội ngũ y bác sỹ - những người tuy không ở tuyến đầu chống dịch, nhưng đã tận tâm cứu sống các bệnh nhân giữa ranh giới sống - chết.
Trong thời gian 14 ngày cách ly, Khoa Cấp cứu vẫn liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng bằng nỗ lực chuyên môn cao nhất.
"Ngày đầu tiên khi Bộ Y tế cho phép Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nặng, Khoa Cấp cứu đã nhận một ca rất phức tạp chuyển lên từ Bệnh viện E. Chúng tôi đánh giá tình hình bệnh nhân bị tổn thương vô cùng nặng: tắc động mạch trong bên phải, tắc động mạch não giữa đoạn M1. Nếu không can thiệp, bệnh nhân chắc chắn tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề. Gần như ở những giây cuối cùng của cửa sổ can thiệp, chúng tôi đã kết hợp cùng các trung tâm, điều trị thành công bệnh nhân".
Khi Bạch Mai chỉ còn cách thời khắc "đón chào kỷ nguyên mới" đúng một tiếng, bác sĩ Chi nói rằng ông cùng toàn bộ nhân viên của Khoa Cấp cứu, đã đón chờ ngày này lâu lắm rồi. Hết phong toả, điều kiện cứu chữa người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nặng sẽ được cải thiện nhiều hơn. Trong 2 tuần tới, bệnh viện tập trung củng cố toàn bộ hệ thống, xây dựng các quy trình, đảm bảo vừa chống dịch vừa phục vụ bệnh nhân tốt nhất.
"Chúng tôi vẫn sẽ tập trung tiếp nhận các bệnh nhân nặng mà tuyến dưới không đủ khả năng, cần can thiệp khẩn cấp bằng các kỹ thuật chuyên sâu của BV Bạch Mai".
Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh - chỉ huy trưởng kíp trực trong đêm 11/4, khi Bạch Mai đón chờ thời khắc hết phong toả.
Bác sỹ cấp cứu A9 trong trang phục bảo hộ, dù ban đầu hơi khó chịu, nhưng bây giờ họ đã quen để thích ứng với công việc.
Bác sỹ Chi cho hay, Khoa Cấp cứu đã chuẩn bị một tâm thế mới để có thể đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới mà có lẽ sẽ khó khăn và phức tạp hơn, bởi cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn ở phía trước.
"Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với những khó khăn đấy để có thể cùng nhau vượt qua".
Với đội ngũ nhân viên của mình, bác sỹ Chi tự hào vì họ đều là những người mang bản lĩnh quá cao cường. Họ được đào tạo một cách chuyên biệt, và khi ra trường, làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, sau nhiều năm, họ đều rất vững vàng, mạnh mẽ và tự tin.
Một "kỷ nguyên mới" đang đến với Bệnh viện Bạch Mai, và những kỳ tích vẫn đang đợi để được các bác sỹ gọi tên.
Từ ngày 12/4, Bạch Mai chính thức hết phong toả.