"Săn" nhà đất giá hời thời Covid - 19
Khi thị trường bất động sản "ngủ đông", nhiều người cần tiền đành chấp nhận bán rẻ
Do khan hiếm nguồn cung mới, thị trường bất động sản tại TP HCM chựng lại khá lâu, giá nhà đất ở một số phân khúc đã sụt giảm từ trước Tết nguyên đán 2020. Nay cộng với đại dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng đã khiến giá nhà phố, căn hộ giảm mạnh. Tranh thủ dịp này, nhiều người mua được nhà đất với giá hời, bởi người cần bán phải chấp nhận bán rẻ. Chuyên gia dự báo thời gian tới, giá bất động sản còn rẻ hơn, người mua có nhiều cơ hội lựa chọn.
Liên tục hạ giá
Dung - người chuyên mua bán căn hộ phân khúc trung - cao cấp tại quận 7, nhìn nhận thời điểm này, người bán ký gửi nhiều hơn người mua và hiếm có giao dịch thành công. Thường giao dịch chỉ thành công khi người bán chấp nhận lỗ.
Trong tuần qua, Dung môi giới thành công 2 căn hộ tại khu Phú Mỹ Hưng do chủ nhà chấp nhận giảm giá đến 10% so với trước Tết. Như căn hộ 2 phòng ngủ (66 m2) tại Happy Valley, thay vì bán 3,3 tỉ đồng, chủ nhà giảm còn 3,05 tỉ đồng mà phải bao thuế, phí hơn 50 triệu đồng. Tương tự, căn hộ 2 phòng ngủ (96 m2) của dự án Green Valley, trước Tết người mua trả giá 4,08 tỉ đồng (không bao thuế phí) nhưng chủ nhà không đồng ý vì giá thị trường thời điểm đó ít nhất phải 4,250 tỉ đồng. Còn hiện tại, người bán chấp nhận bán 3,84 tỉ đồng.
Thị trường bất động sản ở TP HCM đang trầm lắng
Căn hộ Green Star (đường Nguyễn Thị Thập - quận 7), giá bán căn hộ 2 phòng ngủ (70 m2) đủ nội thất, trước Tết giao dịch ở mức 2,7-2,9 tỉ đồng/căn nhưng hiện tại khách rao giá còn 2,4 tỉ đồng nhưng vẫn chưa có người mua. Tại khu đô thị Vinhomes Central Park (Bình Thạnh), người bán phải giảm giá từ 100-200 triệu đồng/căn so với trước Tết mới hy vọng giao dịch thành công. Nhiều nhân viên kinh doanh bất động sản khu vực này cho biết nhiều mặt bằng shophouse đã bị trả lại, giá căn hộ bên trên cũng phải giảm theo do khách tìm mua ít hơn trước nhiều. Không chỉ nhà phố mà ngay cả đất nội thành cũng sụt giảm giá nhưng vẫn khó "ra hàng" bởi người mua ít mà người bán nhiều.
Anh Nguyên Xuân, người chuyên kinh doanh nhà đất khu vực Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp…, cho rằng giai đoạn này lực lượng môi giới nhà đất gần như bất động. Bởi những người có tiền đã gom nhà, đất từ trước Tết và dự định bán ra trong đầu năm nay. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh gia tăng, họ không bán được, thậm chí phải đối mặt với giá giảm. Trong khi giá nhà, đất đang rất rẻ nhưng ít người dám "ôm" vào.
Chị Thanh Hòa có một dự án nhỏ gồm 6 căn nhà (đường Nơ Trang Long - quận Bình Thạnh), đã có giấy phép xây dựng. Trước đây, chị rao bán cả dự án 30 tỉ đồng, có khách trả 28 tỉ đồng. Còn bây giờ, nếu khách chốt ở mức 25 tỉ đồng, chị cũng bán kèm điều kiện thanh toán khá hấp dẫn. Người mua chỉ đặt cọc, chị giao đất cho họ xây dựng rồi thanh toán dần. "Tôi đang cần tiền và cũng không có thời gian quản lý nên muốn bán giá tốt cho ai có nhu cầu. Nếu không, sắp tới thị trường có thể khó khăn hơn" - chị Hòa ngao ngán.
Trong khi đó, một nhà đầu tư bất động sản đang cho nhân viên tìm mua lại căn hộ chung cư giá rẻ tại các quận 2, 7, Bình Thạnh... để cho thuê. Theo người này, tiêu chuẩn mua của họ là căn hộ đẹp, diện tích nhỏ (dưới 80 m2), giá dưới 3,5 tỉ đồng và giá mua thấp hơn trước đây 200-400 triệu đồng. Đặc biệt là, căn hộ phải có pháp lý rõ ràng, có thể thế chấp ngân hàng.
Sẽ có nhiều lựa chọn cho người mua
Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng tại TP HCM cho biết hiện tại, các món nợ quá hạn đã được hỗ trợ giãn và chưa tính vào nhóm nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vay mua nhà lo lắng thời gian tới họ cũng không xoay xở được nên tìm cách bán lại. Đặc biệt, những căn nhà phố giá 5-25 tỉ đồng đang được rao bán nhiều, trong đó phần lớn có vay ngân hàng. "Chắc chắn giá nhà đất sẽ giảm trong thời gian tới, nhiều lựa chọn cho người mua" - trưởng phòng này nhận định.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, lý giải thanh khoản thị trường sau Tết bị gián đoạn do dịch Covid-19, tuy nhiên nhu cầu nhà ở luôn có. Do vậy, dù giá có giảm thì cũng không xuống quá sâu.
Một số chuyên gia khác cho rằng thời điểm này là cơ hội để "săn" nhà giá tốt, nhất là nhà đã bị thế chấp, cần bán để trả nợ.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2020 của Công ty Tư vấn bất động sản JLL nhận định thị trường bất động sản đã chịu nhiều tác động trong quý I, giá có bị ảnh hưởng nhưng chưa rõ nét lắm. Nhiều khả năng thị trường sẽ chứng kiến những đợt giảm giá trong quý II. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn cố giữ mức giá mà họ đã lập ra từ trước khi dịch bùng phát. Nhưng nếu thị trường kém hơn, các chính sách kích cầu có thể cần được xem xét.
Theo JLL, nhiều khả năng trong quý II này, phân khúc căn hộ để bán và thị trường bán lẻ sẽ bước vào giai đoạn giảm nhanh về giá. Sang quý III, phân khúc căn hộ tại TP HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn giảm giá. Xu hướng này tiếp tục kéo dài sang tận quý IV và nhiều khả năng chỉ có thể phục hồi khi bước sang quý I/2021.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP HCM nhìn nhận thời điểm này, cũng như một vài tháng tới là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực. Những căn có hồ sơ pháp lý rõ ràng, giá tốt sẽ "ra hàng" nhanh.
Người vay mua nhà chờ lãi suất giảm
Phản ánh đến Báo Người Lao Động ngày 6-4, nhiều người vay mua nhà cho biết đã liên hệ ngân hàng nơi vay vốn để hỏi điều kiện, thủ tục xin được xem xét, hỗ trợ giảm lãi suất.
Chị Lệ Hoa (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) đang có khoản vay mua nhà kỳ hạn 10 năm tại ngân hàng. Hai vợ chồng chị đều làm công chức nhà nước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập tăng thêm bị giảm 50% ảnh hưởng lớn đến nguồn tiền trả gốc và lãi vay mỗi tháng. Hiện chị đã liên hệ ngân hàng và đang chờ hướng dẫn để xin giãn tiến độ trả nợ và giảm lãi vay.
Nhiều người vay ngân hàng mua nhà khác cũng cho hay đang sốt ruột chờ hướng dẫn cụ thể của ngân hàng tới các chi nhánh, phòng giao dịch về điều kiện được hỗ trợ miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ...
Theo ghi nhận, một số ngân hàng đã có thông báo giảm đại trà lãi vay cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, trong khi một số ngân hàng khác chỉ cơ cấu lại nợ, giãn tiến độ trả nợ chứ không giảm lãi suất. Tùy vào từng khách hàng và mức độ ảnh hưởng cụ thể mà các ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhưng người vay cũng phải chứng minh được thiệt hại hoặc nguồn trả nợ chính (tổng thu nhập) bị giảm.
L.Anh