Sai lầm lớn nhất mà đa số chị em mắc phải khi chăm sóc "vùng kín"

TH,
Chia sẻ

Rất nhiều chị em lại không biết chăm sóc chính mình nên dẫn tới mắc bệnh phụ khoa và đe dọa khả năng sinh sản.

Hiện nay, tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng và đáng báo động có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ vô sinh trên thế giới trung bình chiếm từ 6%-12%.

Theo một nghiên cứu do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta cho thấy: tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. Tức là từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát chiếm 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. 

Các chuyên gia y tế khẳng định, vấn đề vô sinh, hiếm muộn đang là gánh nặng của ngành y tế Việt Nam. Trước thực trạng vô sinh hiếm muộn cũng như các bệnh phụ khoa đang có xu hướng gia tăng, rất nhiều chị em đang vô cùng lo lắng về sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của bản thân mình. 

Để giúp chị em phụ nữ hiểu và nắm được một số những vấn đề thường gặp về sức khoẻ sinh sản, bệnh phụ khoa... ngày 12/7/2016, aFamily cùng nhãn hàng Dạ Hương đã tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến "Giải tỏa nỗi lo về sức khỏe sinh sản và bệnh phụ khoa".

Buổi Giao lưu có sự tham gia tư vấn, trả lời trực tuyến của các bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực sản phụ khoa, bao gồm: PGS. TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc BV Phụ sản Trung Ương và Thạc sĩ - BS Lê Quang Thanh - Giám đốc BV Từ Dũ.

Kết thúc buổi Giao lưu, có thể thấy vấn đề lớn nhất đối với hầu hết chị em là chưa biết chăm sóc "vùng kín" đúng cách. Cộng với tâm lý ngại đi khám, điều này có thể tăng nguy cơ phát triển các bệnh phụ khoa, khiến chị em không những tốn kém trong điều trị mà còn đe dọa khả năng có thai sau này. 

Thế nhưng, thực tế, rất nhiều chị em lại không biết chăm sóc chính mình nên dẫn tới mắc bệnh phụ khoa và đe dọa khả năng sinh sản.

giao lưu sức khỏe sinh sản
Đại diện aFamily tặng hoa nhà tài trợ - nhãn hàng Dạ Hương

Sai lầm lớn của chị em trong chăm sóc "vùng kín"


Không ít chị em cho rằng "vệ sinh 'vùng kín' nhiều lần trong ngày, trước và sau mỗi lần "quan hệ' hay đi vệ sinh...", thậm chí "dùng cả dung dịch vệ sinh dành cho phụ nữ" thì "vùng kín" sẽ sạch sẽ, không có mùi khó chịu. Hay là "phải dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày mới có thể phòng tránh bệnh phụ khoa và giữ gìn sức khỏe sinh sản"...

Dung dịch vệ sinh phụ nữ có rất nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng không nhất thiết phải dùng thường xuyên, liên tục hàng ngày. Sử dụng dung dịch vệ sinh hàng ngày, sau mỗi lần "quan hệ" để phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe sinh sản là quan niệm hoàn toàn sai lầm và không có căn cứ. Bình thường, trong âm đạo của người phụ nữ có hệ vi khuẩn cân bằng, bao gồm cả vi khuẩn tốt lẫn xấu. Nếu lạm dụng dung dịch vệ sinh có thể dẫn đến làm thay đổi môi trường này trong âm đạo, giết chết các vi khuẩn có lợi và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại phát triển. Từ đó dẫn đến tác dụng ngược là mắc bệnh phụ khoa hoặc làm cho bệnh nặng hơn.

Trả lời vấn đề này, PGS, TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho biết: Vệ sinh sạch sẽ rất nhiều lần, trước và sau khi quan hệ cũng không phải là tốt, nhất là việc dùng vòi để sục rửa. Làm như vậy sẽ làm mất hệ vi khuẩn có lợi trong âm đạo, gây viêm nhiễm. Bên cạnh đó, không có bằng chứng nào chứng minh việc dùng dung dịch vệ sinh "vùng kín" mới có thể bảo vệ sức khỏe sinh sản bởi dùng dung dịch vệ sinh chủ yếu để giữ cho "vùng kín" không có mùi hôi và sát khuẩn. Trong trường hợp chị em khỏe mạnh thì không cần thiết phải dùng, không dùng cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Bác sĩ Quyết cũng nhấn mạnh, giữ vệ sinh "vùng kín" sạch sẽ là điều vô cùng cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải biết cách giữ vệ sinh. Bình thường, chị em chỉ cần vệ sinh bằng nước sạch là được. Nếu có viêm nhiễm thì nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc thuốc sát khuẩn, tốt nhất nên dùng loại có thành phần tự nhiên để không gây kích ứng. Trong trường hợp bị viêm nhiễm nặng thì cần đến bệnh viện để được khám, soi, nuôi cấy dịch âm đạo để được xác định nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.

giao lưu sức khỏe sinh sản
PGS, TS Vũ Bá Quyết trả lời câu hỏi của độc giả trong buổi Giao lưu trực tuyến

Một số thắc mắc phổ biến của chị em về bệnh phụ khoa và sức khỏe sinh sản


Bước vào độ tuổi sinh sản, người phụ nữ cũng phải đối mặt nhiều hơn với những vấn đề liên quan đến giới tính, phụ khoa. Những vấn đề như có dấu hiệu lạ ở dịch âm đạo, kinh nguyệt, chậm có con... luôn là mối bận tâm và khiến nhiều chị em lo lắng. 

- Kinh nguyệt bất thường 

"Kinh nguyệt không đều", "máu kinh có màu đen", "bị rong và rối loạn kinh nguyệt", "lượng kinh ít" hoặc "kinh nguyệt quá nhiều"... là những vấn đề liên quan đến kinh nguyệt mà chị em mong được giải đáp nhiều nhất. Không chỉ lo lắng kinh nguyệt bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe, chị em còn lo sợ đe dọa khả năng sinh sản sau này của mình. Còn khi đã trưởng thành, sinh con mà kinh nguyệt không đều đặn, lượng kinh quá ít hay quá nhiều thì đều cần đi khám phụ khoa

Trước vấn đề này, bác sĩ Vũ Bá Quyết cũng chia sẻ: Trong giai đoạn xung quanh thời điểm dậy thì, kinh nguyệt của người phụ nữ có thể không đều (không phải 1 lần/tháng, máu kinh có thể tháng nhiều tháng ít) và chu kì kinh nguyệt kéo dài 5-7 ngày, máu kinh từ hồng (trong những ngày đầu) chuyển sang sẫm màu (trong những ngày sau) là hoàn toàn bình thường. 

Còn theo Ths, Bs Lê Quang Thanh - Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, để biết những dấu hiệu bất thường có liên quan đến việc sinh nở sau này hay không thì cần phải khám. Tuy nhiên, ở những người trưởng thành, việc rối loạn kinh nguyệt thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trừ khi do nguyên nhân thực thể nào đó. Vì vậy, điều quan trọng là chị em cần đi khám phụ khoa ở cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.

giao lưu sức khỏe sinh sản
Ths, Bs Lê Quang Thanh trả lời câu hỏi của độc giả trong buổi Giao lưu trực tuyến

- Dịch âm đạo bất thường

Dịch âm đạo là hiện tượng sinh lý bình thường ở cơ thể người phụ nữ. Bình thường, dịch âm đạo khỏe mạnh sẽ có màu trong và dai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là sinh hoạt tình dục, vệ sinh không đúng cách mà cơ chế nội tiết và hệ vi khuẩn trong âm đạo người phụ nữ thay đổi, dẫn đến những biểu hiện thất thường ở "vùng kín", bao gồm cả dịch âm đạo bất thường. Khi gặp những dấu hiệu bất thường ở dịch âm đạo như dịch màu vàng, đôi lúc vón cục, màu xanh, có mủ, gây ngứa... chị em thường rất lo lắng và đặt câu hỏi dùng dung dịch vệ sinh có khỏi không.

Trả lời vấn đề này, bác sĩ Thanh và Bs Quyết đều cho biết: Tất cả các dấu hiệu như huyết trắng ra nhiều, đóng cục, ngứa, có mùi hôi... có thể là dấu hiệu viêm nhiễm âm đạo. Dịch âm đạo như có mủ thì nguy cơ viêm nhiễm càng cao. Trong những trường hợp này, tốt nhất chị em nên tới các cơ sở sản phụ khoa để được thăm khám, soi, nuôi cấy dịch âm đạo để tìm ra nguyên nhân chính xác. trong những trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể sẽ phải siêu âm tử cung vòi trứng để phát hiện những bất thường. 

Trong trường hợp chớm bị viêm nhiễm, dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ có thể làm giảm các triệu chứng nhưng không thể trị khỏi hoàn toàn viêm nhiễm âm đạo. Nếu sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ, chị em nên lựa chọn các loại gần với tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến môi trường âm đạo sẽ tốt hơn. Còn nếu tình trạng viêm đã nghiêm trọng (dịch tiết ra nhiều, ngứa rát, có mùi hôi...) thì cần thiết phải đi khám càng sớm càng tốt.

- Làm thế nào để tăng khả năng có thai khi gặp vấn đề ở buồng trứng, vòi trứng? 

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến phụ khoa, một mối quan tâm lớn khác của nhiều chị em trong độ tuổi sinh đẻ là làm sao để tăng khả năng thụ thai. Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, trong đó có không ít trường hợp liên quan đến viêm tắc, cắt vòi trứng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng. 

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây tắc vòi trứng, ví dụ như viêm nhiễm, do viêm nhiễm vùng chậu sau phẫu thuật lan sang vùng chậu... Trong trường hợp bị viêm tắc vòi trứng, chị em có thể được điều trị bằng phương pháp thông tắc vòi trứng. Tuy nhiên, biện pháp này không có tỉ lệ thành công cao nên các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh thực hiện thụ tinh ống nghiệm. 

Còn nếu không may người phụ nữ bi buồng trứng đa nang hoặc chồng bị tinh trùng yếu thì nên đến các bệnh viện có phòng/khoa hỗ trợ sinh sản để được làm IUI (lọc rửa, bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Thường sau 4-6 đợt IUI không có kết quả thì nên làm IVF (thụ tinh ống nghiệm). 

Trong tất cả các trường hợp hiếm muộn, vô sinh, cho dù đã biết hay biết nguyên nhân chính xác thì việc đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa là rất quan trọng. Việc này sẽ giúp các cặp đôi được kiểm tra sức khỏe sinh sản đầy đủ, toàn diện, từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.
Chia sẻ