Sài Gòn: Bi hài chuyện sống chung với nước ngập suốt hơn 1 tuần
Sau trận mưa kinh hoàng cách đây 1 tuần, nhiều khu vực ở TP.HCM nước vẫn chưa rút, ngập đến nửa mét. Người dân vẫn phải "đấu vật" trong cảnh nhà, chợ... mênh mông biển nước.
Một tuần sau trận mưa kinh hoàng được đánh giá là lớn nhất từ đầu năm khiến cả TP.HCM bị ngập thì nhiều nơi, nước vẫn chưa rút hết. Tại khu vực đường Khiếu Năng Tĩnh (P.An Lạc, Q.Bình Tân), nước vẫn còn. Nặng nhất là gia đình của ông Nguyễn Nhân Lợi (53 tuồi). Không phải sau cơn mưa lớn tuần trước, mà từ hơn tháng thì quanh nhà ông đã mênh mông biển nước. Nơi sâu nhất, nước ngập đến ngang bụng, quanh nhà ông thì nước ngập đến nửa mét.
Vì nhà ông Lợi nằm ở vùng trũng, nước không có chỗ thoát lại không nâng nền nên cứ mưa lớn là ngập và rất khó rút. Cả gần tháng nay, khu dất rộng gần 2.000m2 của ông như một cái ao tù. "Hơn 10 năm nay cứ mưa là ngập nên nhà tôi 7 người thì 4 người đã phải dọn ra ngoài, con ở KTX, ở phòng trọ hết rồi". Trong ảnh, ông Lợi đang nấu bữa cơm trưa.
Những năm trước nước cũng ngập và cũng rút sau một thời gian. "Nhưng năm nay là nặng nhất từ trước giờ, hồi tuần trước có cơn mưa lớn, nước dâng lên nửa căn nhà. May khi ấy cả nhà tôi ngủ bên ngoài nên không sao. Lúc sáng về thì giường nêm ướt hết, đồ đạc ngồn ngang, rác trôi lềnh phềnh. Hiện này, nước vẫn còn sâu khoảng nửa mét. Trước kia thì lâu nhất khoảng 1 tháng là rút hết, còn hiện tại chắc 2 tháng mới hết nước quá".
Việc "sống giữa ao" khiến nhà ông như một ốc đảo. Quanh nhà cây cối um tùm, dưới nền nhà, cá vàng, nòng nọc bơi tung tăng. Khách không dám đến chơi. Việc đi vệ sinh cũng khốn khổ, phải đi vào bô rồi xả ra vườn. "Tắm thì chỉ tắm được hơn nửa người vì chân lúc nào cũng lội nước. Lội nhiều nên nước "không dám" ăn chân luôn", ông Lợi tếu táo.
Đồ đạc trong nhà đã hư hỏng nhiều, lúc nào cũng phải kê cao. Đàn gà của ông thay vì nuôi trên chuồng thì cũng di chuyển lên cao sống. Quanh nhà, nhiều loại rác rười trôi lềnh phềnh.
Ông còn mẹ già 84 tuổi bị bệnh nên không đi đâu được, chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc mẹ, vợ đi làm. Ở trong nhà, lúc nào bà Nguyễn Thị Tới cũng bó gối trên gường vì nước, chui trong màn vì muỗi. Trước khi đi ngủ, ông Lợi xách xô nước kê lên cao để rửa chân.
Bữa cơm trưa của gia đình lúc đứng, lúc ngồi. Những con chó của ông phải nhốt một chỗ nên rất hung dữ.
Vì nước ô nhiểm, hôi thối nên ông Lợi thường xuyên phải rắc bột xử lý cho nước trong hơn.
Những lúc không làm gì, ông cũng chỉ biết ngồi một chỗ hoặc xài máy tính. Ông mong ước chính quyền giải quyết giấy tờ nhà đất để ông có thể bán một phần đất, qua đó lấy tiền nâng nền. Căn nhà của ông xây từ năm 1969, đến giờ cũng chưa sửa sang nhiều. Chỉ riêng việc nâng nên đã tốn cả trăm triệu, khiến gia đình ông đành chịu cảnh sống trên cạn mà như ở trên bè từ hàng chục năm nay.
Còn ở tại đường Trần Đại Nghĩa (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh), hơn 1 tuần sau trận mưa lớn, nước vẫn chưa thể rút được hết. Tại khu chợ Khải Hoàn, nhiều tiểu thương ngán ngẩm khi cứ mưa là ngập, hết mưa vẫn ngập.
Cả 1 tháng nay, khu chợ đìu hiu vì nước ngập, có đoạn ngập sau cả nửa bánh xe.
Nước tù đọng không thoát, lại thêm rác rải của chợ khiến khu vực này chở nên hôi thối, người lội qua phải bịt mũi.
Các tiểu thương khi bán hàng phải mang theo ủng.
Anh Thảo cho biết: "Trước kia chợ này cũng ngập nhưng vài ngày là rút. Hiện nay, con đường này đang thi công, người ta nâng đường cao nên nước vào chợ là không còn chỗ thoát. Tình trạng này diễn ra đã cả tháng nay nhưng không thấy ai xử lý, bà con tiểu thương đang rất điêu đứng".
Chị Thanh Hoa chép miệng: "Cả ngày bán được cái gì đâu, may có công nhân ở gần đây mua giùm. Chúng tôi giờ chỉ bán buổi chiều và thường bán xổ cho hết hàng, chấp nhận lỗ".
Những quán cơm, cà phê ven đường cũng mở hàng trễ hoặc tạm thời không kinh doanh. Những đứa trẻ chỉ quanh quẩn bên mẹ, men rao bờ tường đi chơi.
Phía trước của một nhà máy trên đường Trần Đại Nghĩa mênh mông nước dù trời đang nắng to.
Bên trong một xưởng, đã không còn hoạt động, người dân lội nước bẩn chuyên chở hàng hóa vào xưởng.
Nhiều nơi trên đường, người dân còn làm cả cầu để không phải lội nước bẩn.
Và nhiều đoạn của con đường Trần Đại Nghĩa, dù trời nắng nhưng đường vẫn đầy nước.