Sách giáo khoa mới còn nặng tính hàn lâm
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh các lớp 3, 7 và 10 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tương ứng với bộ sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua quá trình tìm hiểu, dạy thử nghiệm, nhiều giáo viên (GV) vẫn băn khoăn về sách giáo khoa (SGK) ở một số môn học. Nhiều GV cho biết SGK vẫn còn nặng tính hàn lâm, chưa kể nhiều bài học không có gì mới so với sách cũ.
Chưa thấy giảm tải
So với chương trình lớp 1 với 5 bộ sách, danh mục SGK các lớp 3, 7 và 10 chỉ còn 3 bộ, gồm: Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), cho biết điểm yếu của SGK mới là vẫn xem hình ảnh như là kênh minh họa trong khi mỗi hình ảnh là một câu chuyện lịch sử dễ đi vào lòng người xem hơn bất kỳ con chữ nào.
Theo thầy Du, so với SGK trước đây, SGK mới ở các bộ sách có nhiều hình ảnh hơn, nhiều màu sắc hơn. Việc hạn chế hay tiến bộ thế nào phải khi dạy mới có thể nhận xét được, song yêu cầu giảm tải vẫn chưa thấy đâu, vì vẫn phải theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Học sinh lớp 9 tại TP HCM, sang năm lên lớp 10 sẽ học sách giáo khoa mới. (Ảnh: TẤN THẠNH)
"Trong khi đó, ở SGK lớp 11 đang trong giai đoạn dạy thử nghiệm, tôi nhận thấy có nhiều bài là sự lắp ghép của các nội dung cũ. Ví dụ, bài 6 lớp 11 về "Hành trình đi đến độc lập ở Đông Nam Á", học sinh (HS) vẫn phải học từng nước như Indonesia, Philippines, Lào... Đây rõ ràng không giảm tải gì so với sách cũ. Nhiều GV góp ý hiện nay, trên Internet rất nhiều hình ảnh đẹp, cho nên việc lựa chọn đưa vào SGK phải là những hình ảnh khơi gợi cảm xúc. Tuy nhiên, các tác giả lại cho rằng SGK phải mang tính phổ cập vì nhiều HS ở vùng nông thôn không có điều kiện lên internet tìm kiếm hình ảnh" - thầy Du băn khoăn.
Không riêng gì SGK môn lịch sử, thầy T., GV tiếng Anh một trường THPT tại TP HCM, cho biết khi đọc và góp ý chọn SGK tiếng Anh lớp 10, nhiều GV môn này ngỡ ngàng vì cuốn sách tiếng Anh 10 Friend Global của bộ Chân trời sáng tạo hoàn toàn lấy tài liệu từ một trung tâm tiếng Anh đã dạy 4-5 năm qua. Sách này chỉ biên soạn lại cho phù hợp với người học, không có gì mới và không thể hiện công sức của nhóm tác giả.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1, TP HCM cũng cho biết có nghe nhiều GV phàn nàn về sách tiếng Anh 10 Friend Global. Theo thăm dò ban đầu, GV không chọn sách này mà chọn sách tiếng Anh của một bộ khác.
Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho hay khi HS lớp 6 học chương trình mới và SGK mới, chưa thấy GV than phiền. Thực tế, các thầy cô là những người trực tiếp giảng dạy, nếu có chỗ nào chưa hợp lý, GV sẽ biết và điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không nằm ở SGK mà là ở việc đội ngũ GV dạy các môn tích hợp đang thiếu trầm trọng.
Ông Hưng dẫn chứng: Ở khối lớp 6 vừa qua, với môn tự nhiên (lý, hóa, sinh), nhà trường có GV có thể dạy được cả 2 môn. Thế nhưng, môn xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) buộc phải tách làm 3, GV chuyên môn nào dạy môn đó. "Rất may ở lớp 6, các môn học còn nhẹ nhàng. Nhưng lớp 7 sắp tới đây, chắc chắn yêu cầu các môn học sẽ phức tạp hơn. GV không thể tay ngang dạy tích hợp nên có thể môn học nào sẽ trả về GV đó" - ông Hưng nói.
Giáo viên sẽ dạy theo đề cương
Cô N.H, GV một trường THPT tại quận 3, tiết lộ việc chọn SGK ngay trong tổ bộ môn cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, một số GV khi đọc các bộ sách nhưng tâm lý vẫn quen với chuyện tìm sách nào quen thuộc, gần gũi với sách cũ để có thể dạy được, nếu lạ hơn thì không thích. Trong khi đó, một số GV khác lại sẵn sàng chọn sách của bộ SGK khác vì không tham kiến thức, không nặng tính hàn lâm.
"Đơn cử SGK môn hóa, những GV trẻ sẽ chọn sách của bộ Chân trời sáng tạo, trong khi những GV dạy đội tuyển thì chọn sách của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống…" - GV này dẫn chứng.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết thực tế, việc chọn bộ SGK nào chỉ mang tính hình thức vì lâu nay, nhiều GV và cơ sở giáo dục không phụ thuộc nhiều vào SGK. Theo vị này, HS khu vực nội thành TP HCM chủ yếu học theo đề cương từng môn. Trong đề cương đó, GV khi soạn giảng có thể tham khảo kiến thức từ nhiều bộ sách khác nhau.
"Hiện nay, trong giai đoạn góp ý sách thì GV sẽ vẫn góp ý từng cuốn và thực hiện lựa chọn theo quy trình. Thế nhưng, khi giảng dạy, mỗi GV sẽ chủ động nguồn tài liệu nào hợp lý nhất và có lợi cho HS" - hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Thông báo danh mục sách được chọn vào tháng 4
Theo quy trình, GV sẽ nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK, sau đó bỏ phiếu kín. Từ đóng góp của GV, các trường tổ chức cuộc họp gồm hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn và đại diện cha mẹ HS để chọn ra các bộ sách. Phòng GD-ĐT tổng hợp, chuyển cho hội đồng danh mục sách được các trường đề xuất. Sau khi nhận đề xuất, hội đồng bỏ phiếu kín để chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học.
Từ kết quả này, UBND tỉnh, TP phê duyệt danh mục sách để sử dụng tại các trường trong khu vực. Sở GD-ĐT các địa phương thông báo danh mục sách được phê duyệt chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới, tức tháng 4 hằng năm.