Sách giáo khoa in kèm bài tập: Lãng phí mỗi năm nghìn tỷ đồng

Hà Linh,
Chia sẻ

Các chuyên gia, phụ huynh từng có ý kiến rất mạnh mẽ về việc sách giáo khoa (SGK) in kèm bài tập để học sinh viết vào khiến lớp sau không thể sử dụng. Có thời điểm, mỗi năm NXB in mới 100 triệu bản, ước tính phụ huynh chi khoảng 1.000 tỷ đồng là rất lãng phí.

Sách giáo khoa in kèm bài tập: Lãng phí mỗi năm nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm tại Bộ GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc liên quan đến SGK. Trong đó, kiến nghị chuyển hồ sơ tới Bộ Công an xem xét dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT với NXB về in ấn, phát hành sách bài tập.

Nội dung thanh tra kết luận, SGK cũ thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào (73/193 cuốn). Bộ GD&ĐT chưa ban hành được cơ chế quy định về sử dụng lại sách (việc sử dụng lại SGK mới đạt khoảng 35%). “Từ 2014 đến hết tháng 8/2019, NXB đã in, phát hành và bán được hơn 300 triệu bản SGK có các trang có thể viết vào... gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội khoảng 2.374.205 triệu đồng”, kết luận nêu.

SGK được nêu trong kết luận thanh tra là sách của chương trình hiện hành. Khi đó, cả nước vẫn triển khai một bộ sách cho học sinh dùng chung và NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị độc quyền in ấn, phát hành.

Đơn cử như bộ SGK lớp 3 với 14 môn học nhưng học sinh phải mua kèm sách bài tập lên tới 25 cuốn với giá 299.000 đồng. Trong đó, giá bộ SGK chỉ 60.000 đồng, sách bài tập, tham khảo có giá cao gấp 4 lần giá SGK.

Khi học sinh cả nước vẫn dùng chung một bộ SGK, ngày 11/4/2013, dưới thời ông Phạm Vũ Luận giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã ký văn bản 2372 về sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông. Theo hướng dẫn, có 5 loại sách sử dụng trong trường học gồm: SGK, sách giáo viên và sách bài tập, tài liệu giáo dục địa phương, sách tham khảo khác. Trong đó, quy định sách bài tập do NXB giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản và in, phát hành. Đặc biệt, trong hướng dẫn này cũng nêu: học sinh, giáo viên có thể lựa chọn tài liệu học tập. Giáo viên có thể sử dụng sách tham khảo để hỗ trợ, thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Đến năm 2014, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư mới quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục, nhưng “lãng quên” văn bản trước đó. Do đó, học sinh, phụ huynh và xã hội, hiểu rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK.

Sau khi báo chí, dư luận phản ánh, tháng 9/2018 ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (thời điểm đó) lí giải, khi biên soạn SGK, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống để hướng dẫn học sinh thí nghiệm, xây dựng lại hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức.

Để học sinh không viết vào SGK, Bộ yêu cầu nhà trường, giáo viên hướng dẫn, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn để sử dụng được lâu bền. Đối với NXB Giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách.

“Nhiều trường học không hiểu vô tình hay cố ý nhưng khi lập danh mục cho học sinh đăng ký mua SGK đã cài rất nhiều sách bài tập, học liệu rác. Phụ huynh cho rằng, đó là danh sách bắt buộc nên phải mua theo. Đây là việc cần kiên quyết xử lý, tránh gây áp lực, lãng phí tiền của phụ huynh học sinh”.

GS Phạm Hồng Tung

Miếng bánh béo bở

Theo các chuyên gia, SGK dùng một lần, sách bài tập và các đầu sách tham khảo tràn lan chính là miếng bánh béo bở của NXB.

Thời điểm đó, chính GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cũng từng cho rằng, không nên đưa vào SGK những dạng bài tập để học sinh viết trực tiếp. Đối với SGK mới, các tác giả nên tính toán tới yếu tố học sinh sử dụng lâu dài.

GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên bộ môn Lịch sử, Chương trình GDPT tổng thể chia sẻ, khi tìm hiểu 1 bộ sách SGK có tới 14 đơn vị biên soạn sách tham khảo bán kèm. “Đây là học liệu rác vì những sách này không được quy định bởi văn bản nào của ngành giáo dục. Tôi cũng từng nhiều lần chất vấn lãnh đạo Bộ GD&ĐT là ai chịu trách nhiệm về nội dung các sách tham khảo đó vào trường học nhưng không có câu trả lời thỏa đáng”, GS Tung nói.

Cũng theo GS Tung, học sinh mua, đọc những tài liệu rác vừa tốn kém, lãng phí vừa rất nguy hại. Nếu như giá SGK dưới 20.000 đồng/ cuốn thì sách tài liệu tham khảo có cuốn lên tới hơn 200.000 đồng. Đây sẽ là nguồn thu lợi nhuận khổng lồ và cần đặt câu hỏi tiền đó vào túi ai?

Trong khi đó, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, tác giả biên soạn SGK môn Ngữ văn bậc THCS (sách cũ) và Chủ biên chương trình GDPT mới môn Ngữ văn cho rằng, từ chương trình SGK năm 2000, các tác giả đã viết 3 cuốn sách gồm: SGK cho học sinh, sách giáo viên và cuốn bài tập cho học sinh làm ở nhà. Sách bài tập thuận tiện cho học sinh ở chỗ, các cháu có thể làm thẳng vào sách nhưng không bắt buộc phải mua.

Điều ông nghi ngờ chính là hiện tượng nhập nhèm sách tham khảo bán kèm SGK. “Hiện nay, ai cũng có thể viết sách tham khảo dẫn đến chất lượng kém và rối. Rất nhiều loại sách dán nhãn “bài tập” nhưng thực chất là sách tham khảo. Trong khi đó, SGK của chương trình GDPT mới không có chuyện in bài tập để học sinh viết vào”, ông Thống nói.

Chia sẻ