Rút BHXH một lần: Nên để người lao động tự quyết
Theo các đại biểu, chính sách BHXH hiện hành chưa đủ hấp dẫn để thu hút ngày càng đông người lao động tham gia.
LĐLĐ TP HCM chiều 21-3 đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý xoay quanh các vấn đề: xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; quy định mới về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, độ tuổi hưởng lương hưu,… Trong đó quy định rút ngắn số năm đóng BHXH, quy định về rút BHXH 1 lần và quyền của tổ chức Công đoàn trong khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp.
Về đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho rằng việc này vô tình đẩy cả người lao động (NLĐ) vào thế khó. Thực tế, đa số người lao động hiện nay không có tích lũy, do vậy nếu quy định 15 năm thì 14 năm họ sẽ nghỉ vì cần tiền trang trải cuộc sống. Cũng theo ông Nghiệp, chính sách BHXH hiện nay chưa đủ hấp dẫn để thu hút NLĐ tham gia. Do vậy, chính sách cần thiết kế phù hợp cho mọi đối tượng để NLĐ nhận thấy khi về già họ vẫn có thể sống bằng lương hưu.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về độ tuổi được hưởng lương hưu của người lao động giữa khối hành chính nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vốn nước ngoài. Trên thực tế, tuổi nghề của NLĐ ở các doanh nghiệp giày da, may mặc,... khá ngắn, do vậy nên có quy định phù hợp, đặc thù đối với nhóm lao động này.
Góp ý về 2 phương án rút BHXH 1 lần, đa số đại biểu đều đồng tình với phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH 1 lần. Các đại biểu nhấn mạnh cần để NLĐ có quyền lựa chọn, tự quyết định trong việc hưởng BHXH. Về quy định xử lý hành vi vi phạm của DN nêu trong dự thảo, phần đông ý kiến cho rằng vẫn chưa rõ ràng và cụ thể. Thực tế, các ngành chức năng vẫn còn lúng túng trong việc xử lý những hành vi trốn đóng BHXH. Điều này dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ bị xâm phạm do người sử dụng lao động không thực hiện đúng nghĩa vụ.