Rùng mình với những “thị trấn ma” không phải ai cũng dám đặt chân tới
Những vùng đất từng là nơi sinh sống của rất đông người bỗng trở nên hoang vắng khiến nhiều người phải dựng tóc gáy khi đến thăm.
Khi cỏ cây và động vật hoang dại thống trị nơi từng có con người sinh sống, nó tạo ra những thị trấn bỏ hoang, gợi nên sự tò mò không chỉ cho những người thích khám phá mà còn cho những kẻ tình cờ đi ngang qua.
Dưới đây là danh sách những “những thị trấn ma” rải rác khắp thế giới, từ những địa điểm từng thu hút rất đông khách du lịch đến những nơi bị bỏ hoang vì người dân sơ tán để tránh nhiễm xạ. Mỗi nơi đều có sức hút kì quặc riêng của nó.
1. Bodie, California (Mỹ)
Bodie từng là “điểm nóng” cho những người khai thác vàng vào năm 1859. Nơi này từng có số dân là 8.500 người và có hơn 2.000 ngôi nhà. Tuy vậy, đến năm 1881, những mỏ vàng trở nên cạn kiệt và người ta dần rời đi chỗ khác. Một trận hỏa hoạn đã phá hủy hầu hết các ngôi nhà và vào năm 1932, một trận hỏa hoạn lớn tiếp tục thiêu rụi gần như toàn bộ những gì còn sót lại.
Bodie, California từng là "điểm nóng" trong thời kì "cơn sốt vàng" tại Mỹ.
2. Kolmanskop, Namibia
Vào năm 1908, một nhân viên đường ray đã khám phá ra các mỏ kim cương tại sa mạc gần Kolmanskop. Rất nhanh chóng, một thị trấn nhỏ đã được hình thành ngay giữa Sa mạc Namib. Thế nhưng, sau Thế chiến thứ I, nhu cầu kim cương tụt giảm đáng kể, và 1.000 người dân từng sinh sống tại đây cũng rời đi nơi khác.
Kolmanskop thì lại là nơi để khai thác kim cương.
3. Goldfield, Arizona (Mỹ)
Đây là một trong số những "thị trấn ma" nổi tiếng nhất của vùng Tây Nam nước Mỹ. Vốn là một nơi được xây dựng để tiện khai thác vàng, nơi này được thành lập từ những năm 1890, và trở nên đông đúc trong suốt thời kì “cơn sốt vàng”. Gần 4.000 người đã sống tại đây trong thời kì vàng kim của nó, nhưng đến năm 1920, nó trở thành thị trấn bỏ hoang.
Thị trấn Goldfield là một trong số những "thị trấn ma" nổi tiếng nhất của Mỹ.
4. Kennecott, Alaska (Mỹ)
Kennecott không phải là thị trấn khai thác vàng, người dân nơi đây tập trung vào các mỏ đồng. Tọa lạc tại công viên quốc gia lớn nhất nước Mỹ - Khu Bảo tồn và Công viên Quốc gia Wrangell-St. Elias. Đây từng là thành phố đông đúc nhộn nhịp cho đến năm 1940, khi những mỏ quặng được khai thác hết và người dân cũng bỏ đi.
Kennecott từng là nơi đông đúc thợ khai thác đồng.
5. Animas Forks, Colorado (Mỹ)
Thị trấn đơn độc này nằm ở Dãy núi San Juan ở Colorado. Vào những năm 1870, đây từng là nơi khai thác mỏ vàng và bạc. Đến những năm 1920 người dân rời khỏi nơi này và những ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ bị bỏ hoang.
Bạn vẫn có thể ghé qua Animas Forks nếu muốn nghỉ chân khi đi đến vùng núi này.
6. Craco, Italia
Thành phố có từ thời Trung cổ này được xây dựng vào năm 1000 trước Công Nguyên. Trong suốt thế kỉ 20, một chuỗi các cơn động đất đã buộc người dân nơi đây phải sơ tán. Nền văn minh còn tồn tại mãi cho đến năm 1991, khi một trận lở đất tàn phá hầu hết những gì còn sót lại.
Thành phố này dường như được tạc nên từ đá vậy.
7. Rhyolite, Nevada (Mỹ)
Rhyolite là một thị trấn được thành lập vào năm 1904, gần cuối thời kì “cơn sốt vàng”. Đến năm 1906, các mỏ thạch anh và vàng đã thu hút một lượng người đủ nhiều để trở thành nơi đinh cư lớn nhất trong khu vực. Nhưng đến năm 1920, cơn sốt vàng qua đi và thành phố bị bỏ hoang, mặc dù khách du lịch vẫn có thể đến đây để tham quan một bảo tàng ở gần đó.
Thạch anh và vàng từng là mục tiêu của nhiều người khi đến Rhyolite.
8. Salton Riviera, California (Mỹ)
Thành phố Salton Riviera nằm tại bờ Salton Sea, một cái hồ lớn được hình thành ngẫu nhiên tại California khi sông Colorado mở rộng bờ của nó vào năm 1905. Trong những năm 1950, đây là địa điểm thu hút khách du lịch lớn, nhưng vào năm 1970, thành phố bắt đầu suy tàn. Vì nước tại đây dần trở nên quá mặn, cá trong hồ chết và tạo nên mùi cá tanh tưởi bao phủ khắp nơi đây, khiến cho cư dân và du khách phải tránh xa.
Chỉ vi mùi cá chết, người dân tại đây đã phải bỏ chạy thật xa.
9. Kayakoy, Thổ Nhĩ Kỳ
Kayakoy, hay Làng Đá, có thể được tìm thấy tại thung lũng Kaya tại Dãy núi Taurus. Sau Thế chiến thứ I và cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vào năm 1919 – 1922, bạo lực đã biến nơi đây bị tàn lụi và đến năm 1923, nó bị bỏ hoang vì những biện pháp gìn giữ ổn định.
Kayakoy là một trong số những "thị trấn ma" lâu đời nhất trong danh sách.
10. Đảo Holland, Vịnh Chesapeake, Maryland (Mỹ)
Đảo Holland từng là một trong số những hòn đảo sở hữu số lượng cư dân lớn nhất tại Vịnh Chesapeake. Từng có hơn 360 người sinh sống tại đây vào năm 1910. Vì hòn đảo được tạo nên từ phù sa và đất sét, nó nhanh chóng bị xói mòn, mang theo những ngôi nhà. Ngôi nhà cuối cùng đã đổ sụp vào năm 2010.
Ngôi nhà nhỏ trơ trọi giữa vùng nước mênh mông.
11. Đảo Deception, Nam Cực
Đảo Deception nằm tại khu vực xung quanh một núi lửa vẫn còn hoạt động, và đến nay vẫn có nhiều khách du lịch đến thăm nơi đây. Dù vậy, núi lửa khiến các cư dân phải sống chật vật. Nơi đây vốn do một người Na Uy xây dựng khi ông đến đây để săn cá voi vào năm 1906 và thành lập Vịnh Thợ săn Cá voi. Nhiều năm sau đó, nhiều trạm được dựng lên để phục vụ ngành đánh bắt cá voi, nhưng vào năm 1969, một vụ phun trào núi lửa đã hủy hoại hầu hết nơi này.
Đảo Deception từng là nơi cư ngụ của những thợ săn cá voi.
12. Saint Thomas, Nevada (Mỹ)
“Thị trấn ma” này tọa lạc tại Khu Giải trí Quốc gia Hồ Mead. Đây từng là nơi sinh sống của người theo đạo Mormon, nhưng nó lại bị bỏ hoang vào những năm 1930 khi việc thi công Đập Hoover khiến sông Colorado dâng lên, làm toàn bộ khu vực bị ngập trong nước. Dù cuối cùng nước cũng rút đi, nhưng không ai sống ở đây nữa.
Nước từng nhấn chìm toàn bộ khu vực tại Saint Thomas.
13. Pripyat, Ukraine
Pripyat từng là nhà của hơn 50,000 người, cho đến khi vụ nổ tại khu nhà máy hạt nhân Chernobyl xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986. Lo sợ sự rò rỉ phóng xạ, các nhà chức trách đã ra chỉ thị cho người dân tại đây và các vùng lân cận phải sơ tán, khiến nó bị bỏ hoang đến tận ngày nay.
Thành phố Pripyat không một bóng người do nỗi sợ rò rỉ phóng xạ.
14. Saint Elmo, Colorado (Mỹ)
Nằm tại Dãy núi Sawatch ở Colorado, “thị trấn ma” này lại ở trong tình trạng khá nguyên vẹn. Người dân định cư ở đây vào năm 1880 sau khi vàng và bạc được phát hiện trong khu vực. Khi ngành khai thác đi xuống, thị trấn cũng mất đi sự huy hoàng và các đường ray cũng không còn hoạt động nữa.
Khi hết vàng bạc thì cũng chẳng còn ai muốn sống tại đây nữa.
15. Đảo Hashima, Nhật Bản
Hòn đảo nhỏ này từng là thành phố có mật độ dân cư đông nhất thế giới. Từ những năm 1800 đến 1974, đây là nơi ở của không biết bao nhiêu thợ khai thác than. Ngay khi các mỏ than cạn kiệt, họ rời đi và thậm chí còn để lại đồ đạc. Hiện tại, hòn đảo bị cấm không được lui tới, nhưng nhiều người mong muốn biến nó trở thành Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO.
Bạn sẽ không được phép lại gần thành phố ma tại đảo Hashima dù có muốn đi chăng nữa.
(Nguồn: Viralnova)