Rơi nước mắt thư trách vợ "bỏ đi" của người đàn ông trẻ "gà trống nuôi con"
"Một tháng rồi, em có biết trong anh toàn là nỗi nhớ, toàn là niềm đau, toàn là những giọt nước mắt khi đêm tàn, trăng treo. Một tháng rồi mà anh vẫn chưa có thể chấp nhận được sự thật. Cũng một tháng rồi anh không được ôm cả hai mẹ con em ngủ."
Tâm sự rơi nước mắt của chồng gửi vợ gây sốt mạng
"Em à, hôm nay đã tròn một tháng, một tháng anh không được nghe thấy em nói, em cười. Một tháng con chúng ta không được ẵm trong vòng tay em, một tháng mà con chỉ có thể ăn những giọt sữa ngoài vô cảm kia…
Em có biết, con thay đổi theo từng ngày, giờ con đã biết lươn, biết bò, biết làm trò, biết đùa, biết nghịch…
Một tháng rồi, em có biết trong anh toàn là nỗi nhớ, toàn là niềm đau, toàn là những giọt nước mắt khi đêm tàn, trăng treo. Một tháng rồi mà anh vẫn chưa có thể chấp nhận được sự thật. Cũng một tháng rồi anh không được ôm cả hai mẹ con em ngủ.
Em có nhớ? Còn trong anh, bất kỳ một đồ vật, một cung đường, một bóng cây, một ngọn cỏ… đều làm tim anh thắt lại vì nhớ em. Những ngày dưới mái ấm có em, có con là những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời anh. Được làm chồng em, làm cha Bảo Bảo là hạnh phúc vô bờ bến. Anh khao khát những bữa cơm em nấu chờ anh làm về ăn, anh khao khát được ôm em từ đằng sau và nói em là người phụ nữ tuyệt vời nhất thế gian, anh khao khát mỗi sáng thức dậy, mở mắt ra là được trông thấy em, anh khao khát được chờ em mỗi khuya em đi làm ca về… Anh khát khao…
Một năm, năm tháng là thời gian em cùng anh dưới mái ấm này, nó quá ngắn em nhỉ, nhưng thời gian ấy cũng đủ để anh cảm thấy niềm hạnh phúc của một mái ấm gia đình, cũng đủ cho anh cảm thấy niềm hạnh phúc của một người chồng, một người cha.
Em còn nhớ, cũng lúc này Bảo Bảo mình được 7 tháng trong bụng mẹ, em ôm anh nhưng con cứ đạp đạp vào lưng gầy anh…Rồi ngày con chào đời, em hỏi trong anh cảm xúc gì. Anh bảo, trong anh cảm xúc đau đớn. Em hỏi sao lại là đau đớn…. Em có biết, anh đau vì thời gian em đau đẻ rồi nhìn em sau khi sinh, nhìn em hôn mê sau ca mổ, anh ước gì người chồng là người mang thai, anh ước gì người chồng là người mang nặng đẻ đau… Bà nội và bà ngoại thì chỉ có chăm sóc cu cún mới chào đời, nhìn hai bà hạnh phúc lắm…
Rồi thời gian cứ trôi, gia đình nhỏ bé của chúng ta rất đầm ấm, anh không biết ngoài kia thế nào, nhưng anh thấy em là một người mẹ tốt nhất thế gian này, em là một người vợ tốt nhất thế gian này. Sao anh có thể tranh với em để chăm con, tranh em bồng con, tranh em ru con ngủ… Để bây giờ em chỉ có thể làm như vậy 7 tháng, để em chỉ có thể gần con được 7 tháng, để em chỉ có thể làm mẹ được 7 tháng, hay vì vậy nên em giận và bỏ anh đi, em giận để mặc anh chăm sóc con suốt đời một mình? Có phải tại anh ích kỷ quá không em?
Anh từng nói sẽ nắm chặt bàn tay nhỏ bé của em dìu dắt, che chở em suốt cuộc đời, nhưng sao anh không làm được… Anh nhớ em lắm vợ à, ứ mỗi lần hát ru con “bèo dạt mây trôi” cái bài mà em khen anh hát ru con ngủ ấy. Nhưng giờ anh hát ru con, con vẫn ngủ nhưng sao không còn em khen, sao trước anh hát ru con nhìn con ngủ anh hạnh phúc và cười vui vậy, giờ hát thì sao những giọt nước từ đâu cứ lăn hoài trên mặt con… Sao nội dung bài hát lại vận vào ngay cuộc sống của anh vậy em? Thương em. Xót em. Nhớ em vô cùng. Anh mong khi anh tỉnh giấc, em bảo với anh rằng: Cơn mơ qua rồi, anh đừng sợ nữa… Có được không em?"
Hai vợ chồng anh Tuấn - chị Hà khi chị chưa bỏ anh mà đi.
Những dòng thư rất đỗi riêng tư và tình cảm ấy được một ông bố đơn thân viết trên Facebook cá nhân hồi tháng 11/2015, nhưng lại chạm đến trái tim đa cảm của nhiều phụ nữ, nên nó đã "hút" hơn 93.000 lượt like và gần 21.000 lượt chia sẻ. Những chuyện rất "vụn vặt" như chuyện em bé trong bụng mẹ huých vào lưng bố, chuyện hai vợ chồng cùng đi dưới hàng hoa sữa, nay chỉ còn một, chuyện bài hát ru với những lời buồn thương da diết: "Bèo dạt, mây trôi chốn xa xôi. Em ơi, anh vẫn đợi mỏi mòn...", bức ảnh người vợ ôm chiếc bụng bầu, cười tươi tắn... là những chuyện gần gũi, có thể xảy đến trong cuộc sống của mỗi chúng ta, nhưng qua lời kể của người bố đang sống trong cảnh gà trống nuôi con, sao nghe cay mắt.Hàng trăm lời bình luận, hàng trăm câu hỏi, những lời chia sẻ, động viên, những lời chúc hai bố con bình yên, khỏe mạnh đã được gửi đến bố đơn thân có những lòng tâm sự xúc động này. Nhiều mẹ bỉm sữa đã "hiến kế" cho ông bố đơn thân cách chăm sóc con; có người lại thắc mắc sao vợ anh chỉ ở bên con 7 tháng, trong khi, qua những lời tâm sự, có thể hiểu anh chị vẫn yêu thương nhau; cũng có người phỏng đoán, vì lý do nào đó (bị trầm cảm sau sinh, giận dỗi chồng...), người vợ đã bỏ nhà ra đi, và anh chồng chia sẻ tâm sự cùng ảnh vợ để mong chị quay về...
Nhói lòng câu chuyện đằng sau status gây sốt
Bố đơn thân Huỳnh Tuấn (đang sống ở Hải Phòng) chia sẻ, anh thực sự bất ngờ khi những dòng tâm sự cũng như câu chuyện cá nhân của mình lại được dân mạng, đặc biệt là các bà mẹ trẻ quan tâm nhiều đến vậy. Qua Facebook, nhiều người cũng gửi đến anh những lời động viên, chia sẻ cũng như không ít tò mò, phỏng đoán về câu chuyện của anh. "Thú thực, tôi không có thời gian đọc hết, trả lời hết tất cả, nhưng có một số người hiểu lầm câu chuyện của tôi, đã bình luận trách móc vợ mình, cho rằng cô ấy là một người phụ nữ vô trách nhiệm, không thương con nên mới bỏ con, bỏ nhà ra đi. Tôi rất buồn vì những lời nhận xét đó, vì vợ tôi, cô ấy đã bỏ hai bố con để đến một thế giới khác..." - anh rưng rưng chia sẻ.
Anh Tuấn kể, con trai anh chị, bé Bảo Bảo đã được hơn 1 tuổi và vợ anh, chị Hà đã ra đi được hơn 4 tháng, nhưng anh không thể nào "quen" nổi với cảm giác thiếu hụt ấy. Mỗi lần nhìn thấy con phải uống sữa bột, thay vì được ấp mặt vào khuôn ngực ấm nóng, được nhìn thấy gương mặt dịu hiền và nụ cười của mẹ, anh lại chực khóc. Thời điểm chị Hà ra đi, bé Bảo Bảo mới 7 tháng tuổi, được nuôi bằng sữa mẹ. Chị cũng thường tìm hiểu các phương pháp ăn dặm, cách chế biến món ăn bổ dưỡng, ngon miệng để chuẩn bị cho hành trình tập ăn của bé Bảo Bảo.
Nhớ về vợ, trong anh là những hồi ức đẹp đẽ, và cả những xót xa. Anh tâm sự: "Tôi là một công chức của huyện, học xong lớp cán bộ thì được điều động về xã xa nhà. Trong thời gian công tác, duyên phận đưa tôi và vợ đến bên nhau. Gia đình cô ấy khó khăn, bố bạo hành mẹ, mẹ phải mang hai chị em về quê gửi, một mình bà ngoại nuôi nấng. Yêu nhau, tôi hiểu rằng vợ mình từ nhỏ thiếu thốn tình cảm của một người cha, nên tôi đến bên cô ấy, không chỉ vì yêu mà cả tình thương bao la, muốn mang hạnh phúc và bù đắp cho cô ấy đến cả đời. Chúng tôi rất hạnh phúc, dù cả hai đều nghèo. Đến khi Bảo Bảo chào đời, hạnh phúc càng vỡ òa hơn nữa. Cô ấy yêu con lắm, khi nào cũng muốn con gọi mẹ".
Bé Bảo Bảo là món quà hạnh phúc của vợ chồng anh Tuấn - chị Hà.
Nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng đó, anh Tuấn kể, giọng như lạc đi: “Bác sĩ hỏi tôi: "Gia đình tính thế nào?". Nghe nói thế, tôi đã hiểu tình trạng cô ấy tệ ra sao. Nhưng tôi nói, cho dù nhỏ hơn 1% hy vọng, xin bác sĩ hãy cứu lấy cô ấy. Ngày đầu phẫu thuật não bộ, bác sĩ nói tiên lượng có khả quan và hỏi tôi có muốn tiếp tục ca phẫu thuật thứ hai không. Trong niềm vui và hy vọng, tôi đồng ý. Và thế là, cô ấy được đưa lên bàn mổ lần thứ hai, sau một ngày. Sau ca mổ thứ hai, cô ấy sốt nặng 42 độ, rồi đi.
Từ khi gặp nạn đến khi rời bỏ tôi, tất thảy vỏn vẹn 5 ngày. Cô ấy hôn mê, không nói với tôi được câu nào, không nghe được tiếng con khóc thêm một lần. Nhưng khi tôi thì thầm vào tai cô ấy, rằng em hãy cố lên, hãy trở về với anh và con, cô ấy rơi nước mắt. Cô ấy còn nắm chặt tay tôi nữa. Và đó là lần cuối, chúng tôi được chạm vào cơ thể nhau, lần cuối cảm nhận được hơi ấm của nhau”.
Chị Hà ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại một khoảng trống mênh mang trong lòng chồng và cậu con trai bé bỏng.
Anh Tuấn cho hay, có một tâm nguyện của vợ mà anh vẫn chưa thực hiện được. Đó là khi sinh ra, bé Bảo Bảo có một chút thiệt thòi, vì bị tật hở khe môi. Hai vợ chồng anh định đến khi bé được 8 tháng sẽ đưa con lên Hà Nội phẫu thuật, nhưng chưa kịp thực hiện thì cô ấy ra đi.
Cũng may, anh vẫn còn may mắn là giọt máu chung của anh chị, bé Bảo Bảo phát triển hài hòa như bao trẻ em khác, biết đùa nghịch, làm trò và đặc biệt là rất ngoan. Bé đang tập chững tập đi và bi bô gọi mẹ. "Con tập gọi mẹ thường xuyên, đó là từ đầu tiên con tập nói, và cũng là từ con thích nhất. Thật lạ, phải không? Có thể con không nhớ mẹ là ai, nhưng tôi cảm nhận được, con vẫn biết mẹ là gì. Mỗi lần, ông bà hay ai đó hỏi Bảo Bảo: "Mẹ Hà đâu?", con đều nhìn lên bàn thờ và nói "Mạ, mạ" là một lần tôi xót xa thêm. Chắc rằng, yêu mẹ, cảm nhận mẹ, đó là thiên bẩm, là bản năng mà đứa trẻ nào cũng có, nên người sinh ra con mới được gọi là mẹ..." - bố đơn thân trải lòng.
Bảo Bảo mất mẹ từ sớm, nhưng với tình yêu và cách nuôi dạy của bố, cậu bé 1 tuổi vẫn nhận ra mẹ Hà trên bức ảnh thờ.