Rộ tình trạng giả facebook cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện để trục lợi

MINH ,
Chia sẻ

Trong dịch COVID-19, đặc biệt là sau trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung, nhiều đối tượng lập facebook giả mạo cá nhân, tổ chức uy tín, nổi tiếng, thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh của họ, từ đó kêu gọi cộng đồng quyên góp từ thiện để trục lợi.

Thủ đoạn khó lường

Mới đây, tài khoản facebook Bích Thảo (Tâm An) với hình ảnh avatar là một cô gái trẻ trung, xinh xắn, ghi thông tin trên trang cá nhân: Làm việc tại Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương. Sau đó, trang này đưa nhiều thông tin, hình ảnh của nhiều cụ già đang trong tình cảnh khó khăn để kêu gọi quyên góp từ thiện.

Cụ thể, facebook Bích Thảo viết: Bà năm nay cũng gần 80 tuổi, hàng ngày bà đi nhặt ve chai để nuôi thân và con trai bị tâm thần. Cả tháng nay, bà bị tai biến nằm một chỗ, chú con trai bây giờ phải đi nhặt ve chai để nuôi mẹ nhưng do không minh mẫn nên không nhặt được nhiều, thành ra cuộc sống hai mẹ rất khó khăn. Hiện bà bệnh nặng hơn, mọi người có thể đến tận nơi để giúp đỡ hoặc liên hệ số điện thoại của anh Thất hàng xóm. Nhà bà ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM. Số điện thoại anh gần nhà : 0903344xxx. Ủng hộ bà xin gửi về Nhân Ái, chủ tài khoản Nguyễn Văn Tiến, số TK: 1014621xxx, Ngân hàng Vietcombank

Để tăng thêm niềm tin cho mọi người, facebook Bích Thảo còn gắn thẻ (tag) trên 40 facebook khác, đưa ra nội dung cảnh báo lừa đảo rằng: "Những ngày qua, cộng đồng mạng đang cùng nhau cảnh báo về 2 chiêu thức lừa đảo, hack tài khoản FB mới là tag vào bài viết và nhắn tin nhờ bình chọn. Những thông tin được chia sẻ để tag có nội dung khá đau buồn rằng, một người bạn, người quen hoặc người thân đã qua đời và được ngụy trang dưới vỏ bọc tin tức từ các trang báo mạng, trang tin điện tử lớn. Khi người dùng nhấp vào đường link để đọc tin, những chuyện kỳ lạ xảy ra. Một giao diện giống facebook nhưng thực chất không phải facebook sẽ hiện ra và yêu cầu người dùng nhập tài khoản và mật khẩu. Và nếu điền hết thông tin đăng nhập thì xin "chia buồn", tài khoản ấy có thể sẽ bị bán lên “chợ đen” với giá rẻ mạt. Cộng đồng mạng đang chia sẻ, lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ khi suốt ngày bị tag, nhiều người đã lỡ click vào link nhưng rút đúng lúc, tuy nhiên cũng không ít trường hợp đã sập bẫy. Hãy thận trong khi sử dụng internet bạn nhé" – facebook Bích Thảo cảnh báo.

Điều đáng nói, sau khi kiểm tra, rà soát, Báo Tiền Phong khẳng định, không có cán bộ, phóng viên nào dùng, sử dụng facebook Bích Thảo kêu gọi quyên góp từ thiện. Về sự việc này, Báo Tiền Phong đã thực hiện một số thủ tục pháp lý gửi cơ quan chức năng để đề nghị làm rõ hành vi giả mạo người của báo và kêu gọi từ thiện, có dấu hiệu trục lợi.

Nhiều cá nhân, tổ chức cảnh báo

Rộ tình trạng giả facebook cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện để trục lợi - Ảnh 1.

Linh mục Francis cảnh báo về thủ đoạn kêu gọi từ thiện để lừa đảo. Ảnh chụp lại màn hình.

Trước đó, tháng 11/2020, trên trang facebook của Giáo phận Bùi Chu cũng cảnh báo một số trường hợp dùng hình ảnh của linh mục, quý sơ… để lập facebook giả mạo kêu gọi từ thiện. Đáng chú ý, những đối tượng giả danh facebook thường xuyên cập nhật, hình ảnh, thông tin song song với facebook chính chủ của các chức sắc Công giáo để quyên góp từ thiện.

Vào thời điểm này, linh mục Francis Trần Văn Đại, Giáo xứ Hữu Bằng cảnh báo trên facebook cá nhân như sau: Góc cảnh báo lợi dụng uy tín linh mục để lừa đảo tài sản của nhiều người. Linh mục Francis viết, trong những ngày qua bão, thiên tai, lũ lụt liên tục đổ ập xuống miền Trung, bão chồng bão, lũ chồng lũ, người dân đã oằn mình trong đau khổ… Sau khi kẻ xấu hack trang facebook của linh mục Hoàng Nguyên, rồi lợi dụng lòng tin của người dân vào linh mục, để lừa gạt tiền bạc, nhu yếu phẩm bằng cách đưa lên trang đó những hoạt động từ thiện, kêu gọi mọi người giúp đỡ…

Trao đổi với Tiền Phong, linh mục Francis nói, chúng ta cần chia sẻ rộng rãi những thông tin có dấu hiệu lừa đảo để người dân không bị sập bẫy. “Đây không những là hành động chiếm đoạt tài sản, mà còn là hành động phá hoại uy tín của các linh mục, gây chia rẽ tôn giáo, gây mất tình đoàn kết trong cộng đồng xã hội”, linh mục Francis nói.

Cũng thời điểm lũ lụt, nữ ca sĩ Thủy Tiên, người trực tiếp vào tâm lũ cứu trợ. Trong một tuần, Thủy Tiên đã quyên góp lên đến 100 tỷ đồng. Lợi dụng uy tín của Thuỷ Tiên, một số kẻ cũng đã giả mạo trang facebook của cô, đăng tải những bài viết cập nhật về trạng thái lũ lụt... nhưng lại để tên tài khoản nhận tiền là Lê Thị Ngân. Thủy Tiên nhanh đã chóng lên tiếng và cảnh báo người hâm mộ và người có lòng hảo tâm không bị kẻ xấu lợi dụng.

Trao đổi với Tiền Phong, anh Phan Văn Cần, chuyên gia công nghệ cao, Công ty Luật Tâm Việt cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng hack tài khoản, lập facebook giả mạo của tổ chức, cá nhân uy tín, thường xuyên cập nhận thông tin, đưa hình ảnh người có hoàn cảnh khó khăn, tình hình lũ lụt, nhằm trục lợi tiền bạc của nhà hảo tâm diễn ra khá phổ biến.

Anh Cần cho hay, các đối tượng thường sử dụng CMND của người khác hoặc nhờ người khác lập tài khoản ngân hàng trên hệ thống Ebank nhưng chúng cài trên điện thoại và sở hữu tài khoản. Khi tiền về tài khoản, chúng lập tức chuyển sang tài khoản khác, thậm chí tài khoản ở nước ngoài, việc này gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi phá án.

Nhiều đối tượng sa lưới

Rộ tình trạng giả facebook cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện để trục lợi - Ảnh 2.

Nguyễn Quốc Khánh tại cơ quan công an.

Liên quan đến thủ đoạn lừa đảo qua MXH, tháng 8/2020, Công an huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình bắt khẩn cấp Nguyễn Quốc Khánh (SN 2001), trú tại xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khánh khai nhận, qua tìm hiểu trên XMH, được biết facebook “Thương…” có nhiều khách hàng chuyên làm các dịch vụ mi, móng, tóc thường xuyên nhắn tin chuyển tiền vào tài khoản. Khánh đã tìm cách đánh cắp facebook này để nhắn tin cho những người bạn trên facebook chuyển tiền để chiếm đoạt. Do tin tưởng là người quen nên nạn nhân không tìm hiểu kỹ thông tin đã vội vàng chuyển tiền, có nạn nhân chuyển hàng triệu đồng.

Cũng thời điểm này, Công an TP Vinh (Nghệ An) khám phá thành công chuyên án sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, bắt 3 đối tượng. Chỉ với chiếc smart phone, nhóm đối tượng ngồi nhà lướt web để tìm kiếm “con mồi” là những người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài hoặc chủ các doanh nghiệp… rồi lấy ảnh đại diện của họ, mua sim “rác” để sử dụng nick zalo, facebook, viber… lừa đảo chiếm đoạt tiền của người thân, bạn bè những người này thông qua thủ đoạn đổi USD sang tiền Việt.

Chia sẻ