Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá!

PH -WeBuy,
Chia sẻ

Mẫu túi làm đá thương hiệu Profissimo đến từ Đức có xứng đáng trở thành item phải-có trong căn bếp của các chị em không?

Bình thường, nếu muốn làm đá thì chị em sẽ dùng luôn khay đá nhựa đi kèm tủ lạnh, hoặc mua thêm các loại khay đá theo ý muốn. Tuy nhiên, mấy loại này có điểm trừ là tốn diện tích và có thể khó lấy ra vì quá cứng và dày.

Vì thế nên các loại túi làm đá bằng nilon đã ra đời, ví dụ như sản phẩm của Profissimo đến từ Đức này, giá lên tới gần 100.000 đồng/hộp nhưng vẫn được nhiều chị em Việt tin dùng và tìm mua.

Thiết kế thông minh, chất liệu thân thiện với môi trường

Nhắc đến đồ của Đức thì hẳn ai cũng nghĩ ngay đến chất lượng, và mẫu túi làm đá này cũng đúng như vậy. Từ hộp giấy đựng bên ngoài đã thấy ngay sự “xịn sò” tiện lợi, còn phần túi nilon bên trong thì cho cảm giác chắc chắn, bền bỉ.

Chiếc hộp ở ngoài chỉ toàn tiếng Đức nhưng nhìn quá cũng hiểu được dùng thế nào.

Mỗi hộp sẽ có 10 chiếc túi như vậy, và mỗi túi có thể làm được 24 viên đá. Nghe thì tưởng ít, nhưng thực ra chỉ cần mua 1 hộp là chị em dùng được trong 1 mùa rồi. Lý do là bởi, chiếc túi này sinh ra không phải để làm đá từ nước lọc, mà là để đựng nước hoa quả, nước dùng nấu ăn… để dành trong tủ đá, thi thoảng cần thì lấy ra dùng. Nếu chỉ cần đá thường uống cho mát thì chị em cứ làm bằng khay nhựa, vừa tiết kiệm vừa không thải ra rác.

Chiếc túi khi chưa rót nước trông không có gì đặc biệt cả. Chất túi trơn mềm và rất dai, khó rách.

Phần miệng túi được thiết kế để khi nước đã vào trong rồi, hai mép sẽ tự động phồng lên, chặn phần hở khiến nước không thể trào ngược ra được nữa. Cách thiết kế đơn giản nhưng lại cực kì thông minh, bảo sao mà giá lại đắt thế.

Ngoài ra, chất liệu nilon của túi đá Profissimo cũng được quảng cáo là thân thiện với môi trường, nếu phân hủy đúng cách sẽ chỉ thải ra CO2 và nước, nên chị em có dùng nhiều thì đỡ thấy “tội lỗi”.

Cách dùng: Tưởng dễ mà không hề dễ

Cách sử dụng túi làm đá Profissimo theo quảng cáo thì đơn giản thôi: Đổ nước vào qua miệng túi, khi đầy nước rồi thì phần miệng sẽ tự động khóa nước ở bên trong. Chúng tôi đã thử và kết quả đúng như kì vọng, có lật ngược túi thì nước cũng gần như không tràn ra chút nào, thậm chí càng bóp mạnh thì miệng càng kín hơn.

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 4.

Mới bắt đầu rót thì có vẻ ổn đấy...

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 5.

... nhưng một lúc sau, khi túi đã nặng trĩu xuống thì nước rất dễ tràn ra ngoài vì miệng túi quá hẹp.

Tuy nhiên, làm sao để đổ được nước vào mà không dây bẩn khắp mặt bàn bếp mới là phần khó khăn. Theo hình hướng dẫn trên hộp thì chị em cứ đổ nước vào như bình thường thôi, nhưng thực ra vì miệng túi quá nhỏ, nên nếu rót nhanh một chút thì nước tràn lênh láng ra ngay. Cơ mà nếu rót từ từ thì mãi không xong được túi đá, mất công ra phết.

Một hướng dẫn trên mạng khác là phải dùng một cái phễu lồng vào miệng túi rồi rót sẽ dễ hơn, nhưng sự thật cũng không được như mơ cho lắm. Khi rót được khoảng nửa túi, sức nặng của nước khiến chiếc túi bị kéo căng, méo mó và nước khó tràn xuống ngăn túi hơn. Tóm lại là chị em sẽ tốn khá nhiều công sức để làm xong 1 túi đá, có khi còn phải nhờ người khác giữ túi hộ mới xong được.

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 6.

Khi đã đầy căng nước trông rất hay ho.

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 7.

Kể cả dốc ngược túi thì nước cũng chỉ tràn ra 1 chút xíu không đáng kể.

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 8.

Và sau khi đông đá thì như thế này.

Quá trình rót sẽ còn khó khăn hơn nếu chị em muốn làm nước hầm xương, nước cốt hay các loại nước hoa quả, sinh tố mà có chất đặc sánh. Những kẽ hở nhỏ xíu giữa các ngăn đá không đủ lớn, dễ bị “tắc nghẽn”, không trôi xuống các ngăn đá dưới được.

Thêm một khoản “cực nhọc” nữa, là khi đá đã cứng lại, thì việc tách từng viên ra bằng tay rất khó vì chất nilon của túi siêu dai mà vết cắt sẵn trên túi lại chẳng hiệu quả lắm. Đã thế, xé một thôi một hồi, bàn bếp lại nhem nhuốc bẩn vì nước đá tan ra.

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 9.

Chất túi quá dai nên bóc bằng tay cực kì khó...

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 10.

Loay hoay xé được thì bàn bếp lại dính đầy nước đá mất rồi.

Để công cuộc tách đá đơn giản hơn, chúng tôi đành dùng kéo để cắt từng viên một, và kết quả thì đúng là đẹp mỹ mãn, viên nào ra viên đấy. Chị em có dùng thì nhớ thủ thêm chiếc kéo nhé.

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 11.

Cuối cùng vẫn phải dùng kéo để cắt mới gọn gàng được.

Vậy món này có cần thiết không?

Review nhanh gọn túi làm đá kiểu Đức: Ý tưởng rất hay, nhưng dùng rồi mới thấy cực nhọc, tốn công quá! - Ảnh 12.

Chiếc túi làm đá này có thể nói là "tiện, nhưng cũng muôn phần bất tiện"!

Câu trả lời của chúng tôi là không cần thiết cho lắm, không có cũng được, mà có thì chỉ tiện lợi hơn chút ít. Món này chỉ thực sự hữu ích khi chị em muốn dự trữ nước hoa quả, hoặc một số loại nước cốt, nước dùng nấu ăn dạng lỏng để trong tủ đá thi thoảng lấy ra dùng. Chứ nếu dùng thường xuyên thì khả năng là sẽ sớm nản vì khoản rót nước vào quá nhiêu khê, rách việc.

Chia sẻ