Review nhanh 7 trường đại học được Bộ GD-ĐT công bố đạt tiêu chuẩn nước ngoài, sinh viên theo học có rất nhiều lợi thế
Sinh viên tốt nghiệp của các trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế có nhiều lợi thế trong việc tiếp tục học lên cao hay tìm kiếm việc làm trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Mới đây, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT công bố danh sách 7 cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn nước ngoài. Danh sách này được đánh giá theo tổ chức Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES), Mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) tính đến ngày 31/1/2021.
Đó là các trường: Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP Hồ Chí Minh).
Sinh viên tốt nghiệp của các trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế có nhiều lợi thế trong việc tiếp tục học lên cao hay tìm kiếm việc làm trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bằng cấp của sinh viên các trường này có tính cạnh tranh cao hơn so với các trường khác. Sinh viên đang học tập tại trường cũng hưởng thụ điều kiện học tập ngày càng tốt hơn. Bởi để duy trì việc công nhận đạt chuẩn chất lượng thì các trường phải liên tục cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy…
1. Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP Hồ Chí Minh)
Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM thành lập năm 1957, là trường đầu ngành tại miền Nam về kỹ thuật, là một trong những trường trọng điểm của ĐHQG. Trường có 2 cơ sở đào tạo, gồm các Khoa như Điện - điện tử, Kỹ thuật xây dựng, Cơ khí, Kỹ thuật hoá học, Khoa học và kỹ thuật máy tính, Công nghệ vật liệu, Khoa học ứng dụng, Kỹ thuật giao thông, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật và địa chất dầu khí, Môi trường và tài nguyên, Trung tâm bảo dưỡng công nghiệp.
Trường có các hệ đào tạo Đại học chính quy, không chính quy, văn bằng 2, liên thông chính quy và chương trình liên kết nước ngoài.
Năm 2020, điểm chuẩn ngành cao nhất tại ĐHBK là Khoa học máy tính: 28 điểm, tiếp đến là Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp: 27,25 điểm; thấp nhất là chuyên ngành Bảo dưỡng Công nghiệp 20,5 điểm.
2. Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)
Trường Đại học Bách khoa là một trong những đơn vị trực thuộc Đại học Đà Nẵng chuyên đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý công nghiệp có trình độ cao.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của trường thuộc vào hàng cao nhất nhì trong các trường đại học cùng hệ thống là nhờ vào chương trình đào tạo chuẩn hóa theo các trường kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, chú trọng "học đi đôi với hành", song hành với đó là đội ngũ giảng viên có trình độ cùng sự đầu tư đúng đắn vào cơ sở vật chất, hạ tầng...
Năm 2020, điểm chuẩn vào các ngành của ĐHBK Đà Nẵng từ 15,5 đến 27,5 điểm.
3. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam, được xếp vào nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia. Trường cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Việt Nam.
Niềm tự hào của các thế hệ sinh viên chính là thư viện Tạ Quang Bửu, đây là thư viện lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích lên đến 37000m2. Là nơi phục vụ công việc học tập, nghiên cứu của sinh viên và cũng là nơi tổ chức các buổi hội thảo nghiên cứu của nhà trường. Có một lưu ý nho nhỏ là thư viện Tạ Quang Bửu không mở cửa cho người ngoài vào tham quan đâu nhé.
Năm 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 6.930 thí sinh cho 57 mã ngành đào tạo. Điểm chuẩn thấp nhất vào trường là 19 điểm, điểm chuẩn cao nhất là 29,04 điểm.
Năm 2021, trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sử dụng 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển tài năng; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (tổ chức thi riêng) với khoảng 7000 chỉ tiêu.
4. Trường Đại học Xây dựng
Trường Đại học Xây dựng trở thành một trung tâm hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong lĩnh vực xây dựng.
Trong hoạt động đào tạo, trường Đại học Xây dựng luôn nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình đào tạo cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn phát triển.
Với đội ngũ cán bộ đông đảo, đội ngũ giảng viên đa ngành có trình độ cao, giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đến nay, trường Đại học Xây dựng đã cung cấp cho đất nước trên 60.000 kỹ sư, kiến trúc sư; trên 4500 thạc sỹ, 170 tiến sỹ thuộc nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực xây dựng.
Năm 2020, Đại học Xây dựng tuyển 3.400 chỉ tiêu thuộc 23 ngành và chuyên ngành đào tạo. Mức điểm chuẩn vào Trường ĐH Xây dựng dao động từ 16 - 24,25 điểm.
5. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội)
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường là nơi đào tạo các ngành về lĩnh vực khoa học cơ bản như Toán Học, Toán Cơ, Vật Lý Học, Hóa Học, Sinh Học, Khí Tượng, Thủy Văn, Hải Dương Học, Địa Lý Học, Khoa Học Môi trường,...
Từ những ngày đầu thành lập trường mang theo sứ mệnh là một trường Đại học nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển và chuyển giao tri thức thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 2020, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 1.650 chỉ tiêu cho 32 ngành đào tạo, trong đó 1.485 chỉ tiêu tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn từ 17 điểm đến 26,1 điểm.
6. Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là đại học công lập thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành lập ngày 24/9/1997. Đây là trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy được xếp hạng quốc tế 5 sao trên 5 sao theo chuẩn QS Stars (Anh Quốc). Trong đó, tiêu chí về cơ sở vật chất và hỗ trợ sinh viên được đánh giá với số điểm tuyệt đối 5 sao.
Đại học Tôn Đức Thắng vừa được Hệ thống xếp hạng đại học Thượng Hải (Academic Ranking for World Universities: ARWU), Hệ thống xếp hạng đại học khó nhất thế giới, xếp vào TOP 400 và 500 đại học tốt nhất thế giới theo một số nhóm ngành học thuật năm 2020.
Năm 2020, mức điểm chuẩn của trường Đại học Tôn Đức Thắng từ 23- 35,25. Trong đó, điểm chuẩn cao nhất thuộc các ngành Maketting và ngành Kinh doanh Quốc tế với 35,25 điểm. Ngành Golf có điểm chuẩn thấp nhất: 23 điểm.
7. Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP HCM)
Muốn học trường quốc tế xịn xò như du học tại chỗ nhưng học phí "bình dân" thì ở TP. HCM, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên Đại học Quốc Tế (ĐHQT). Dù là trường đại học công lập nhưng mô hình hoạt động của trường được xây dựng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, giáo trình sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy và nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên ngành vững chắc mà tiếng Anh còn siêu chuẩn.
Đặc biệt, chương trình học có định hướng và liên thông với các trường đại học có thứ hạng cao ở các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Châu Âu và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đào tạo bậc đại học theo phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông năm 2020 của ĐHQT từ 18 đến 27 điểm.
- HCERES là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo.
HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA).
- AUN-QA (tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á). Bộ tiêu chuẩn AUN-QA cấp cơ sở giáo dục bao gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, được chia thành 4 nhóm gồm đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược; đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống; đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng và kết quả.