Rắc rối đặt tên đại học: Lạ lùng khi trong một 'university' lại có thêm các 'university'
Theo Luật giáo dục đại học 2018, một 'đại học' có thể bao gồm nhiều 'trường đại học' bên trong. Tuy nhiên, tên gọi quốc tế của các 'đại học' hay 'trường đại học' hiện nay như nhau và đều là 'university'.
Trong Đại học Quốc gia TP.HCM có Trường đại học Bách khoa, nhưng Đại học Quốc gia TP.HCM có tên tiếng Anh là "Viet Nam National University Ho Chi Minh City", còn Trường đại học Bách khoa là "Ho Chi Minh City University of Technology". Việc trong một "university" lại có thêm một "university" khiến nhiều chuyên gia quốc tế không khỏi bối rối...
Theo Luật giáo dục đại học 2018, "đại học" và "trường đại học" là hai khái niệm khác nhau. Một "đại học" có thể bao gồm nhiều "trường đại học" bên trong. Tuy nhiên, tên gọi quốc tế của các "đại học" hay "trường đại học" hiện nay như nhau và đều là "university".
Mô hình không khác, chỉ rối tên gọi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một tiến sĩ gốc Việt đang làm giảng viên đại học tại Singapore cho biết hiện tại ở phần lớn các đại học lớn trên thế giới sẽ hoạt động theo mô hình đa ngành và được gọi là university.
Trong các đại học (university) thường sẽ có nhiều khoa (faculty) hoặc trường (school/college) để tập trung vào từng chuyên ngành cụ thể, chẳng hạn Trường Tài chính (School of Finance), Trường Kế toán (School of Accounting), hay trong Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore) hiện có một số khoa và trường như Khoa Khoa học (Faculty of Science), Khoa Nha khoa (Faculty of Dentistry) hay Trường Kinh doanh (Business School)…
Riêng khái niệm college có phần khác nhau ở một số quốc gia. Có những nước xem đây là bậc học cao đẳng (như ở Canada), cũng có nước coi như một trường phổ thông (như ở Tây Ban Nha).
Ở nhiều nơi như Mỹ, Úc… trong các đại học (university) sẽ có các college, cũng để chuyên dạy về một lĩnh vực nào đó. Trong nhiều trường hợp, "college" tương đương "school", nằm dưới các đại học (university). Nhưng cũng có lúc bên trong các "college" lại có các "school" nhỏ hơn.
"Về ý nghĩa, mô hình các trường trong đại học ở Việt Nam không khác với thế giới, chẳng hạn trong Đại học Quốc gia TP.HCM có Trường đại học Bách khoa, cũng tương tự như trong Đại học Quốc gia Singapore có Trường Kinh doanh.
Tuy nhiên, rắc rối ở chỗ khi chúng ta dịch sang tiếng Anh thì Đại học Quốc gia TP.HCM dùng chữ university, còn Trường đại học Bách khoa cũng dùng chữ univeristy. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Singapore dùng chữ university, còn Trường Kinh doanh dùng chữ school.
Chính điều này đã làm không ít chuyên gia nước ngoài khi đọc tên các trường đại học của Việt Nam cứ thắc mắc vì sao trong một university lại có thêm một university nữa" - tiến sĩ này nói.
Nghiên cứu sinh tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
"Loạn" danh xưng
Không chỉ rối khi dịch sang tiếng Anh mà việc sử dụng tên tiếng Việt của các trường cũng... "loạn". Dù pháp luật đã quy định rõ "trường đại học" hoàn toàn khác "đại học", trên thực tế vẫn có hàng chục trường tự xưng là đại học trên biển hiệu và các sản phẩm truyền thông.
Hiện có không ít trường đại học đang làm đề án để chuyển đổi thành đại học dù chưa được phê duyệt vẫn tự xưng là "đại học". Việc này khiến người học rối mù, bị hiểu nhầm. Ngay cả Trường đại học Bách khoa Hà Nội đến nay mới được chính thức chuyển đổi thành đại học nhưng cũng đã tự xưng là Đại học Bách khoa Hà Nội từ rất lâu.
Một số cơ sở đào tạo của Trường đại học Kinh tế TP.HCM hiện cũng đã gắn biển Đại học Kinh tế TP.HCM, dù hiện đang trong quá trình làm đề án chuyển đổi lên đại học.
Ngoài ra, theo khảo sát của Tuổi Trẻ, hiện có đến vài chục trường đại học trên cả nước tự xưng trên biển hiệu là đại học: Tôn Đức Thắng, Kiến trúc TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Giao thông vận tải TP.HCM, Văn hóa TP.HCM, Kinh tế TP.HCM, Y dược TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Hoa Sen, Cần Thơ, Y Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Điện lực, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Mở Hà Nội, Nha Trang, Duy Tân, Đông Á, Phan Châu Trinh…
Theo ông Bùi Quang Trung - trưởng phòng truyền thông Trường đại học Nguyễn Tất Thành, bảng tên "Đại học Nguyễn Tất Thành" gắn trên nóc tòa nhà cơ sở An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) đã có từ lâu rồi, được gắn lúc chưa có quy định phân biệt trường đại học, đại học.
"Bảng tên đó do công ty xây dựng làm nhà tặng từ lúc xây dựng cơ sở trường. Do bảng tên dài nên công ty xây dựng bớt chữ "trường" cho gọn. Hiện nhà trường đang chuẩn bị thi công thay bảng tên đó bằng bảng led với đầy đủ tên Trường đại học Nguyễn Tất Thành" - ông Trung nói.
Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương, giám đốc Trung tâm marketing và phát triển thương hiệu Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho hay: "Trong tất cả văn bản hành chính, văn bằng - chứng chỉ, văn bản khác theo quy định thì tên đầy đủ của trường giống trong quyết định thành lập là Trường đại học Công nghệ TP.HCM.
Còn bảng hiệu "HUTECH - Đại học Công nghệ TP.HCM" nhà trường đang treo nhiều năm nay là cách gọi phổ biến và cũng được hiển thị trong logo, bộ nhận diện của trường. Nói chung, trong bộ nhận diện hay logo là thể hiện những câu chữ, biểu tượng tối giản/tinh giản nhất".
Cần hướng dẫn cụ thể
Câu chuyện ở đây không liên quan đến khái niệm mà liên quan đến từ ngữ biểu thị khái niệm, tức là hai cái tên gọi "đại học" và "trường đại học". Hai cái tên gọi na ná này sẽ làm khó người ta khi hiểu và dùng trong tiếng Việt hoặc dịch sang tiếng Anh.
Trong văn bản luật và văn bản hành chính mà dùng hai từ có hình thức và ý nghĩa gần nhau làm thuật ngữ cho hai khái niệm khác nhau là thất sách. Lẽ ra, đi kèm với luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có hướng dẫn rõ đại học đào tạo đa lĩnh vực là university, còn các trường đại học thành viên chỉ đào tạo một lĩnh vực hay một vài ngành cụ thể là college, school hoặc faculty chứ không thể là university.
Trước đây, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã làm rồi nhưng không trường thành viên nào nghe, rốt cuộc tất cả nhất loạt dùng university hết.
(PGS.TS NGUYỄN HỒNG CỔN - nguyên trưởng khoa ngôn ngữ học, Trường đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội)
* Ông Phan Đoàn Phú Quốc (tốt nghiệp Đại học Toulouse, Pháp):
Ở Pháp, hễ là đại học (université) thì trường sẽ đa ngành, đồng thời giữa các ngành thường có sự phân biệt rõ ràng. Các trường đơn ngành (école) thường chú trọng và làm tốt nhất đúng lĩnh vực mà mình đào tạo. Chẳng hạn một trường chỉ dạy các chuyên ngành liên quan đến luật thì thường không thể là université mà chỉ là école.
* ThS Đoàn Bá Toại (giảng viên Trường đại học Thành Đông, Hải Dương):
Ở Trung Quốc, phần lớn các đại học (university) đều hoạt động theo hướng đa ngành, bên dưới thường có các trường (college/school) hoặc các khoa bộ môn. Ví dụ, trong Đại học An Huy (Anhui University) sẽ có Trường Vật lý và Vật liệu (School of Physics and Materials), Trường Kinh tế (School of Economics) hay Trường Luật (Law School)…
* TS Lý Quí Trung (cố vấn cao cấp của Đại học Western Sydney, Úc):
Ở Việt Nam, do đa số các "trường đại học" đều đã quá quen thuộc với mọi người nên có lẽ khó đổi tên từ "trường đại học" (university) xuống thành "trường" (college) hay "khoa" (faculty). Vì vậy, nên chăng có một tên gọi khác cho đơn vị đào tạo chủ quản hay đại học quốc gia trong trường hợp muốn thay đổi? Viện Đại học Quốc gia có thể là một cái tên có thể cân nhắc (trước 1975, Sài Gòn từng có Viện Đại học Sài Gòn), vì ít ra nó có từ "viện" trong đó nên dễ phân biệt từ tiếng Việt đến tiếng Anh.
TRỌNG NHÂN ghi
Đừng mặc chiếc áo quá khổ
Trường đại học Hoa Sen ghi tên tiếng Anh là Hoa Sen University - Ảnh: HSU
Việc trường đại học chuyển hoặc liên kết thành đại học thường để cộng các nguồn lực về con người, về cơ sở vật chất, về đối tác hợp tác, về thế mạnh của mỗi lĩnh vực/mỗi trường... nhằm tăng sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, có thể đạt được vị thế cao hơn trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế...
Nhưng không phải tất cả các trường đại học đều phải hướng tới mục tiêu chuyển thành đại học mới tốt. Nếu các cơ sở đào tạo coi chuyển thành đại học chỉ để có danh một cách hình thức, không phải là kết quả của quá trình phát triển thực chất, có năng lực quản trị, quản lý, tự chủ thực sự thì sẽ giống như việc mặc cái áo quá khổ. Trong trường hợp đó, việc chuyển sang mô hình đại học vô hình trung lại gây lực cản.
Hiện nay cũng không có nhiều trường đạt được các tiêu chí để chuyển trường đại học thành đại học, nên sẽ không có chuyện hàng loạt trường đại học đồng loạt thành đại học như dư luận lo lắng.
(TS NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG, giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) - VĨNH HÀ ghi