Rác ngập phố đi bộ Nguyễn Huệ sau Tết và tâm tư của người trẻ: “Là người duyên dáng, chúng ta khư khư rác trong tay đến khi tìm thấy sọt”
Sau nhiều ngày nghỉ Tết, phố đi bộ Nguyễn Huệ đông người đến vui chơi hơn, và cũng chính vì thế mà chúng ta lại nhận ra 1 thứ lộ diện đó chính là rác thải. Chứng kiến rác ngập tràn trên con phố chưa đầy 1km, nhiều bạn trẻ phải thở dài: "Rác ơi đừng khóc khi không được về nhà".
Khi những niềm vui ngày Tết qua đi thì còn lại ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đó chính là rác thải. Dù đã có nhiều thùng rác được bố trí khắp nơi hay được nhân viên vệ sinh ra sức dọn dẹp, thì rác xem ra vẫn khá "vinh hạnh" khi được chủ nhân để lại trên con phố phồn hoa nhất Sài Gòn.
Chứng kiến rác bị bỏ lại trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau những ngày nghỉ Tết, 1 bạn trẻ có tên C.Vân tâm sự trên Facebook rằng: "Rác ơi, đừng khóc khi không được về nhà...
Mấy anh sáng tác có tài, có lực có thể sáng tác vài câu thần chú như vậy được không ạ?
Mấy cái loa phát thanh, phát nhạc ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, bên cạnh việc phát nhạc có thể phát mấy câu thần chú ấy được không ạ?
Là người văn minh, chúng ta không bỏ rác xuống đường.
Là người lịch sự, chúng ta vứt rác vào trong sọt rác.
Là người duyên dáng, chúng ta khư khư rác trong tay tới khi tìm thấy sọt rác"...
Quả thật nếu có dịp ghé qua phố đi bộ Nguyễn Huệ vào những ngày này mọi người đều có thể nhận ra con phố vốn đông vui, phồn hoa ngay giữa trung tâm Sài Gòn lại có rất nhiều rác thải. Những vỏ chai nước ngọt, những hộp cơm đã hết, những túi nilon... nằm bừa bãi trên các thảm có, vỉa hè, dưới cả lòng đường, thậm chí ngay cạnh thùng rác thế vậy mà bên trong thùng rác thì mới chỉ đầy hơn nửa.
Đồng tình với quan điểm của C.Vân, bạn A.T (quận Phú Nhuận, TP.HCM) nêu ý kiến: "Những lúc sau sự kiện hay sau nghỉ lễ Tết phố đi bộ Nguyễn Huệ quả thực rất bẩn. Mình đã tự hỏi những cô chú lao công đang ở đâu mà lại để con phố ngập rác đến thế. Thế rồi mình lại nghĩ dù có bao nhiêu cô chú lao công, dù có cả trăm cái thùng rác trên con phố chưa đầy 1km mà người dân không ý thức gĩn gìn vệ sinh thì rác vẫn hoàn rác, bẩn vẫn hoàn bẩn thôi".
"Không chỉ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mà còn ở nhiều nơi công cộng khác sau Tết cũng rất nhiều rác vứt bừa bãi. Có lẽ do lượng người đi chơi đông quá, nhưng phần nhiều là do tâm lý thấy có người vứt rác trước rồi nên mình bỏ rác lại cùng chỗ đó" - bạn P.T (quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ.
Không chỉ kêu gọi mỗi người hãy "văn minh, lịch sự, duyên dáng", C.Vân cũng đóng góp 1 ý tưởng khá sáng tạo để việc giữ gìn vệ sinh cho phố đi bộ Nguyễn Huệ được tuyên truyền rộng rãi hơn, người dân cũng dễ nhớ hơn đó chính là... sáng tác bài hát.
"Mấy câu hát về rác hay hay, rồi phố đi bộ Nguyễn Huệ liên tục 10-20 phút phát thanh để những câu hát, câu thần chú ấy ăn sâu và trở thành 1 nét văn hóa đẹp của trẻ nhỏ, người trưởng thành, người cô đơn, cặp đôi... Nhiều viên gạch nhỏ góp lại mới xây được cái nhà" - C.Vân viết trên Facebook.
Ý tưởng của C.Vân khá thú vị và hợp lý, chẳng phải chúng ta thường thuộc những bài thơ được phổ nhạc hơn là những từ ngữ khô khan không nhịp điệu đấy thôi. Việc sáng tác bài hát về rác hay việc không vứt rác bừa bãi cũng tạo tâm lý dễ chịu, vui vẻ hơn cho mỗi người thay vì việc phải nghe một câu nhắc nhở cứng nhắc.
Chụp ảnh cho nhau cũng ngồi cạnh... bãi rác.
Rác rải rác trên cả con phố.