Chùm ảnh

Quyết dẹp nạn ăn xin, vì sao Sài Gòn vẫn còn "cái bang" đứng đầy đường?

Ngọc Dương,
Chia sẻ

Dù thành phố đã có chủ trương đưa những người ăn xin về các trung tâm bảo trợ xã hội, tuy nhiên, thời gian qua trên các đường phố Sài Gòn tình trạng ăn xin vẫn không hề giảm, nếu không nói là vẫn rầm rộ như chưa từng có chiến dịch nào.

TP.HCM đã mở nhiều đợt ra quân tập trung người ăn xin không nơi cư trú và lang thang vào các trung tâm hỗ trợ xã hội. Tuy nhiên, tình trạng người ăn xin vẫn xuất hiện rất nhiều trên các đường phố. Trong đó các đối tượng như người già, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật nhiều hơn cả. Với họ, ăn xin là một nghề để kiếm cơm, thậm chí sinh hoạt thành một nhóm, có kẻ chăn dắt, thu tiền rồi nuôi họ nơi ăn chốn ở. Rất nhiều người khi được hỏi vì sao không vào các trung tâm bảo trợ đều nói rằng họ đã coi đây là một kế mưu sinh, đồng thời muốn có thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình, người thân.

Bà N.T.M (68 tuổi, quê Phú Yên) đã ăn xin ở khu vực công viên 23/9 từ hai năm nay cho biết: "Tui già cả lại không có con cái. Chồng ở quê bị bệnh nặng. Lúc đầu theo mấy người cùng quê vô Sài Gòn để bán vé số. Nhưng đi bán được hơn nửa năm thì chân nó đau nhức, không lết đi nổi, đành ra ngồi công viên xin ăn. Tui có nghe mấy người nói vô trung tâm gì đó được học nghề, nuôi ăn này nọ nhưng tui già rồi học gì được, mà vô đó lấy tiền đâu gửi về quê cho ông nhà tui uống thuốc. Thôi đành cắn răng mà ăn xin. Lâu rồi cũng quen."

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
TP.HCM đã có chiến dịch tập trung người ăn xin không nơi cư trú và lang thang về các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, đến nay, hình ảnh này vẫn xuất hiện tràn lan trên nhiều tuyến phố ở TP.HCM.

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Trong số đó có người già, trẻ em, người tàn tật, nhưng cũng có người giả tàn tật, hoặc bị chăn dắt… Ảnh chụp trên đường Phạm Văn Đồng (Quận Gò Vấp, TP.HCM)

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Một cụ già đi xin trên đường Lê Văn Sỹ quận Tân Bình, mỗi khi đèn đỏ sáng, cụ ông lại chống gậy lết ra giữa dòng xe để xin tiền người đi đường. 

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Nhiều người qua đường chứng kiến hình ảnh này đã không ngần ngại rút tiền ra cho.

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Một đứa trẻ vào một quán ăn tại quận 1 xin tiền của khách. Trong số những người hành nghề ăn xin ở Sài Gòn thì trẻ em là đối tượng khá đông đúc. Đa phần các em ở những tỉnh nghèo vô thành phố, không được học hành đàng hoàng và thường bị các đối tượng lợi dụng, chăn dắt.

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Một phụ nữ bế theo đứa trẻ tàn tật ngồi xin tiền tại chợ Bến Thành. Ở Sài Gòn, không ít trường hợp người khỏe mạnh kết hợp với người tàn tật để có thể xin được nhiều tiền hơn đồng thời giúp người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn.

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Một người phụ nữ mang theo hai đứa trẻ lấm lem bụi bẩn ngồi vất vưởng xin tiền người đi đường ở khu vực chợ Bến Thành. Đây là khu vực có đông khách du lịch nên cũng xuất hiện nhiều người ăn xin hơn.

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Một người phụ nữ ôm em bé chỉ mới vài tuần tuổi ngồi vất vưởng ngay tại chợ Bến Thành. 

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Một người phụ nữ quỳ gối xin tiền tại ngã tư Võ Thị Sáu - Trần Quốc Thảo. 

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Quỳ gối ngay tại ngã tư với bộ dạng mệt mỏi đáng thương, chứng kiến hình ảnh này nhiều người đã không ngần ngại rút ví ra cho tiền.

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng xuất hiện một đứa trẻ đen nhẻm, ăn mặc rách nát hành nghề ăn xin.

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Mỗi khi có đoàn khách du lịch xuống xe, đứa trẻ này liền lao tới để xin tiền. 

Người ăn xin vẫn đầy đường Sài Gòn
Một nhóm người ăn xin chủ yếu là phụ nữ và trẻ em tập kết tại chợ An Đông (phường 9, Quận 5, TP.HCM) trước khi toả ra các quận trung tâm thành phố để “kiếm cơm”. Những người này thường hoạt động từ chiều cho đến gần đêm. 

Những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được cho thấy, quyết dẹp nạn ăn xin ở thành phố du lịch lớn nhất cả nước không thể chỉ dừng lại ở... "quyết tâm", mà cần có sự tính toán, phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông, giải quyết vấn đề tâm lý cho người ăn xin, tạo những điều kiện tốt hơn để họ được bảo trợ, có công ăn việc làm nuôi sống gia đình, triệt phá những đường dây chăn dắt, như Đà Nẵng đã từng làm thành công.
Chia sẻ