Quy định cuộc thi “Quà tặng cuộc sống” có sự mập mờ về bản quyền?

Từ Nữ,
Chia sẻ

Truyền thông những ngày này nóng lên vì nhiều tác giả liên tiếp tố Sunrise Media vi phạm bản quyền tác phẩm của những tác giả dự thi “Quà tặng cuộc sống” năm 2010.

Lần theo sự kiện, chúng tôi tiếp cận được ngay Sunrise Media đang phát động phong trào cho cuộc thi lần 2, vào tháng 6.2015. 

Nội dung như sau: “Công ty Cổ phần Truyền thông S.U.N RI SE – đơn vị sản xuất chương trình “Quà tặng cuộc sống” phát sóng trên kênh VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 22h hàng ngày thông báo tổ chức cuộc thi sáng tác truyện ngắn năm 2015 với tên gọi “Quà tặng cuộc sống”.

cuộc thi “Quà tặng cuộc sống”
Thông báo tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn "Quà tặng cuộc sống" của Sunrise Media.

Với những giải thưởng thấp hơn so với các giải năm 2010, gồm: 1 giải đặc biệt trị giá 20 triệu đồng;1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng; 2 giải nhì mỗi giải trị giá 05 triệu đồng; 3 giải ba mỗi giải trị giá 03 triệu đồng; 20 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 01 triệu đồng.

Điều đáng nói ở đây là Quy định cuộc thi có sự khuất tất, mập mờ về bản quyền: “Người gửi bài dự thi cam kết và chịu trách nhiệm về bản quyền bài viết của mình; Một người được gửi nhiều bài dự thi và có thể được nhận nhiều giải; Người nhận giải tự trả các loại phí và thuế liên quan theo quy định của Nhà nước; Tất cả các bài dự thi đều thuộc bản quyền của Công ty Cổ phần Truyền thông S.U.N RI SE.”

cuộc thi “Quà tặng cuộc sống”
Quy định cuộc thi có sự khuất tất, mập mờ về bản quyền

Trao đổi với luật sư Trần Anh Dũng, công ty Luật BKL Việt Nam, anh cho biết: “Trong Quy định của cuộc thi này yêu cầu: “Người gửi bài dự thi cam kết và chịu trách nhiệm về bản quyền bài viết của mình” thì hoàn toàn hợp lý. Vì người tham gia là người sáng tác, phía Sunrise Media cũng không phải cơ quan đăng ký, họ yêu cầu người tham gia cam kết như vậy cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho Sunrise Media.

Tuy nhiên,  khi quy định rằng: “Tất cả các bài dự thi đều thuộc bản quyền của Công ty Cổ phần Truyền thông S.U.N RI SE.” thì là sai luật. Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, Điều 36 đến Điều 44 về Chủ sở hữu tác phẩm, thì không có trường hợp tác phẩm được tạo ra rồi, sau đó đem đi dự thi thì đơn vị tổ chức thi lại nghiễm nhiên là chủ sở hữu. 

Trừ khi có hợp đồng và chuyển giao quyền sở hữu theo  Điều 41. Hoặc là người của chính Sunrise Media sáng tạo ra tác phẩm truyện ngắn do chính công ty này đã trả lương, trả công theo như Điều 39. Điều 36 đến Điều 44 phần Quy định về các chủ sơ hữu tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả nó phải thuộc một trong các trường hợp trên mới là chủ sở hữu quyền tác giả. 

Còn đây là phát động một cuộc thi, ngưởi ta gửi bài rồi quy định hay gọi các bài gửi ấy là của tổ chức phát động cuộc thi là không có cơ sở pháp lý. Chẳng lẽ, tác giả sáng tác gửi đến cả chục nơi, chục nơi ấy “dùng” quy định trên để “đánh lận” thí sinh, cả 10 nơi ấy đều có quyền tác giả sao được. 

Tôi đang đặt ra câu hỏi: Liệu có phải khi Quy định cuộc thi “Quà tặng Cuộc sống 2015” đưa ra hết sức mập mờ, để sau này phía Sunrise sử dụng cả những tác phẩm đã loại không công?”.

Cùng với ý kiến của luật sư Trần Anh Dũng, nhà văn Cấn Vân Khánh cho viết: “Quy định của cuộc thi “Quà tặng Cuộc sống” năm 2015 hoàn toàn không công bằng, không tôn trọng quyền tác giả. Tác phẩm không được trao giải khi sử dụng cũng phải trả tiền tác quyền, thậm chí khi muốn sử dụng thì phải mời tác giả đến ký hợp đồng cho sử dụng bản quyền tác phẩm.”  

cuộc thi “Quà tặng cuộc sống”
Nhà văn Cấn Vân Khánh

Phản bác mạnh mẽ hơn, nhà văn Vũ Quỳnh Hương cho biết cảm giác khi đọc điều lệ cuộc thi này: “Nhiều tác giả tham gia cuộc thi, đặc biệt các cuộc thi liên quan đến sáng tác đều có chung thói quen nghiên cứu kỹ "đề bài" tức là nội dung - tiêu chí đề tài cuộc thi, và cơ cấu giải thưởng, ít người quan tâm đến các điều khoản phụ như điều lệ, quy định của cuộc thi.


cuộc thi “Quà tặng cuộc sống”
Nhà văn Vũ Quỳnh Hương.

Với trường hợp quy định của “Quà tặng cuộc sống, 2015” nói trên, có thể rất nhiều tác giả sẽ phải trả giá vì sự thiếu cẩn trọng và đánh giá chưa đúng sự cần thiết của việc tự bảo vệ quyền lợi của mình. Về lý, sẽ còn phải bàn căn cứ trên các quy định của pháp luật, ai đúng và sai không phải việc một cá nhân có thể tuỳ tiện phán xét.”

Chị bức xúc: “Tuy nhiên, xét về tình và cả về mặt sử dụng công sức lao động, đây có thể coi là một cú lừa ngoạn mục của Sunrise Media (trong trường hợp họ thắng kiện) trong việc tận dụng được chất xám và nhân công một cách rẻ mạt, thậm chí miễn phí: lấy cớ tổ chức một cuộc thi, trao giải với trị giá có 69 triệu đồng cho tổng số 27 tác phẩm, nhưng lại được quyền (tự cho quyền) sử dụng và chiếm quyền bản quyền hàng chục (hoặc hàng trăm, hàng ngàn) tác phẩm khác (ai mà biết được) hoàn toàn miễn phí , không nhuận bút, không danh phận và không luôn cả bản quyền cho tác giả.

Những tác giả tham gia đa phần là những người trẻ, và sự lãng mạn lẫn thăng hoa của hoài bão sáng tác khiến họ không nhiều tỉnh táo hay cảnh giác trước những điều khoản được cài cắm một cách lộ liễu nhưng rất khôn ngoan của đơn vị tổ chức. 

Có lẽ, đây là bài học kinh điển cho người viết của xã hội hiện đại. Nghệ thuật ngày nay không chỉ có sự sáng tạo, và việc tham gia mọi cuộc thi giống như người uống thuốc, cần "đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng".

Chia sẻ