Quen nhau 4 tháng đã cưới, khi về chung sống tôi mới ngã ngửa vì tính cách quái đản của chồng
Chồng lương cao gấp 3 - 4 lần tôi, vì thế anh rất được lòng bố mẹ. Nhưng khi cưới về chưa đầy tháng, anh yêu cầu tôi đưa hết tiền bạc để anh giữ.
Tôi với Khánh yêu nhau mới có 4 tháng thì anh ngỏ ý xin cưới. Bố mẹ tôi đương nhiên mừng lắm, rối rít giục tôi đồng ý. Dưới sức ép của mọi người, tôi cũng xuôi theo chứ thực sự là chưa sẵn sàng.
Nói về bố mẹ tôi sốt sắng vậy, phải kể tới sự khéo léo của Khánh. Làm ở quê, nhưng thu nhập của anh ngót nghét 20 triệu. Nếu như chăm chỉ hơn, anh còn có thể kiếm thêm dăm ba triệu nữa cơ. So với mặt bằng chung thì Khánh cũng là một người tài giỏi, lương cao. Đã thế, anh lại hiền lành, rất biết điều, nói chuyện thì 1 dạ 2 vâng. Bố mẹ tôi không quý mới lạ.
Trong khi tôi là đứa vừa ra trường, đang làm nhân sự cho một công ty may gần nhà lương bèo bọt 5 – 7 triệu. Nhiều lần tôi định tìm việc tốt hơn, lương cao hơn, ổn định hơn rồi mới cưới nhưng mẹ mắng:
- Mày làm lương cao lắm làm gì hả con? Phụ nữ rồi còn phải bầu bí, nuôi con. Làm việc lương cao thì lại vất vả, thời gian đâu mà chăm sóc con cái, gia đình nữa. 1 nhà chỉ cần 1 người kiếm ra tiền là được. Mày cứ lấy thằng Khánh đi, mẹ bảo duyệt được là duyệt được. Nó vừa chững chạc, ổn định kinh tế, nó khắc lo cho mày được con ạ.
Đấy, và thế là tôi và Khánh kết hôn. Bố mẹ 2 bên đều mừng như bắt được vàng. À, bố mẹ anh thì mừng vì Khánh năm nay đã tròn 30, hơn tôi 8 tuổi.
Đám cưới xong xuôi, bố mẹ chồng cũng rất tâm lý cho ở một căn nhà cấp 4 ở lô bên cạnh. Họ cũng chẳng mảy may đòi hỏi chuyện tiền vàng, phong bì gì như tôi từng nghe. Mẹ chồng còn nắm tay tôi dặn dò:
- Con còn trẻ người non dạ, nhưng đã lấy chồng rồi thì cố gắng học hỏi, vun vén cho gia đình. Tiền mừng đám cưới rồi của hồi môn đó, con xem giữ được thì giữ nếu không nhờ bố mẹ cũng được. Hoặc 2 đứa có dự định làm ăn, hay xây nhà gì cũng phải tính toán cẩn thận nhé.
(Ảnh minh họa)
Về phần Khánh, anh cũng khá tốt. Không rượu chè, cờ bạc, thuốc lá, gái gú gì hết, đã thế đi làm về là anh về nhà. Trong nhà đồ đạc bao giờ anh tự tay sắm từng thứ. Đồ dùng như kem đánh răng, dầu rửa bát… mà hết, anh cũng tự đi mua. Nhưng đó lại là điều khiến tôi thấy hụt hẫng. Khánh hoàn toàn không đưa tiền cho vợ giữ, anh còn giữ luôn thẻ ATM của tôi sau 1 tháng chung sống.
Anh khăng khăng rằng tôi quá trẻ con, chưa biết chi tiêu trong gia đình. Để cuộc sống êm ấm, tôi đành nhượng bộ. Nhưng anh càng ngày càng tiết kiệm khiến tôi rất bí bách. Bữa cơm anh luôn luôn chỉ mua 2 món: 1 canh rau, 1 món mặn. Đặc biệt, chẳng bao giờ Khánh mua hoa quả, đồ ăn vặt tráng miệng. Nhiều khi thấy quá đơn giản, tôi gợi ý thì anh sẵng giọng:
- Làm không ra tiền, nhà thì chưa có, em phải biết cân đối chi tiêu chứ. Tiền ăn 2 vợ chồng ở quê không được phép vượt quá 1 triệu rưỡi/tháng. Đấy, em như thế này anh không cho em giữ tiền là đúng mà.
Chưa hết, cây chổi lau nhà dùng bao lâu muốn mua anh cũng không cho. Bàn chải đánh răng 3 tháng nên thay, đằng này tòe hết cả phần lông, anh mới cho tôi bỏ đi. Đã thế, còn mắng "yêu":
- Em đấy nhớ, như trẻ con ấy. Muốn được mua đồ mới nên cố tình ghì thật mạnh cho bàn chải nhanh hỏng chứ gì?
Mỗi tháng tôi được cho 1 triệu tiêu vặt. Khánh còn bảo: "Anh thương em lắm nên mới chiều như vậy đấy. 1 triệu ở quê tiêu bao giờ mới hết". Lấy nhau được 8 tháng mà tôi cảm giác thật sự ngột ngạt và khó chịu. Chưa từng biết tới cảm giác được đi ăn hàng, được mua quần áo mới, được sắm này sắm kia…
Tôi không biết phải làm sao với anh chồng tiết kiệm quá mức này. Tôi có nên đấu tranh giữ tiền trong gia đình hay không? Hay ít nhất thì cũng đòi lại thẻ ATM của mình, không cho anh quản lương của tôi nữa. Mong được mọi người chia sẻ.